Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

(HBĐT) - Ngày 22/10/2014, Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Phát biểu tại Hội trường, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào các nội dung cụ thể, đó là:

 

Vấn đề thứ nhất, tôi xin đề cập tới đại biểu Quốc hội. Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội tại Điều 22, đại biểu Quốc hội là chủ thể cấu thành của Quốc hội. Tiêu chuẩn và năng lực hoạt động thực tiễn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu số lượng của đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến chất lượng hoạt động của Quốc hội.

 

Trước đòi hỏi của cuộc sống, chính trị của đất nước và hoạt động Quốc hội, việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội hết sức quan trọng. Bởi vì hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội liên quan trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia của dân tộc. Đại biểu Quốc hội phải là người nói được tiếng nói của cử tri, của nhân dân, của chính nghĩa, của lẽ phải và công bằng, bình đẳng và thực hành quyền dân chủ trong Quốc hội. Chính vì vậy tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội phải được quy định rất chặt chẽ, cụ thể để có thể lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu và xuất sắc về đức và tài, xứng đáng là đại diện cho nhân dân trong Quốc hội. Tôi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và làm rõ hơn các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 22, Chương 2, Dự thảo Luật. Trong đó, nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn về tính tiêu biểu, về bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn tiêu chuẩn của các ứng cử viên khi tham gia ứng cử để bầu vào Quốc hội.

 

Về số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội, để nâng cao chất lượng hoạt động, tôi đề nghị nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 50%, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương. Theo phương án này, tôi đề xuất mỗi đoàn đại biểu Quốc hội có ít nhất từ hai đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trở lên. Khi ứng cử viên bầu trúng đại biểu Quốc hội thì được điều động về hoạt động chuyên trách tại các đoàn, chế độ chính sách do Quốc hội đảm bảo. Khi không tái cử thì địa phương bố trí công tác thích hợp hoặc trở về công tác tại cơ quan, đơn vị cũ. Như vậy vừa không tăng đại biểu chuyên trách tập trung về các cơ quan của Quốc hội Trung ương, không tăng biên chế, vừa đảm bảo được tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

 

Về cơ cấu đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đang tham gia là thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Trong thực tiễn hoạt động đã xuất hiện những vấn đề bất cập, thậm chí là xung đột của mô hình cơ cấu này. Cử tri không biết khi nào các vị đại biểu làm nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, khi nào làm nhiệm vụ của thành viên cơ quan hành pháp. Khi quyết định những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau trong Quốc hội. Với đề xuất của Chính phủ đại biểu Quốc hội là thành viên của Chính phủ sẽ quyết định ra sao khi thực hiện quyền giám sát, liệu Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội có thể chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng khác hay không. Một vị lãnh đạo ngành ở địa phương là đại biểu Quốc hội sẽ giám sát hoạt động của lãnh đạo chính bộ, ngành mình như thế nào. Đây là vấn đề lớn, song không thể không đề cập trong Dự thảo Luật tổ chức của Quốc hội, nội dung này cũng xin được chuyển Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo quan tâm nghiên cứu để bổ sung các quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của đại biểu Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác.

 

Về chế độ chính sách, lương và phụ cấp cần thiết kế quy định cụ thể để đảm bảo phụ cấp của đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu kiêm nhiệm không thấp hơn 5 lần mức lương cơ sở, cải tiến thủ tục cấp phát, tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu được hưởng những gì Hiến pháp quy định và tương xứng với trách nhiệm được giao.

 

Một số quy định về quyền của đại biểu Quốc hội, trong Dự thảo Luật chưa quy định về cách thức để tổ chức thực hiện, đó là Điều 4 quy định: Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, trong đó có điều kiện ít nhất 1/3 tổng số đại biểu đề nghị. Điều 13, Điểm b quy định bỏ phiếu tín nhiệm: Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến đề nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội.

 

Quy định về kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, của các Ủy ban của Quốc hội cũng là một điều kiện để xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, trong Dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về cách thức tập hợp hoặc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội như thế nào. Đại biểu Quốc hội có quyền vận động đại biểu khác hoặc tập hợp chữ ký để đảm bảo yếu tố thực hiện quyền này  hay không. Trình tự thủ tục ban hành kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện như thế nào, bao nhiêu phần trăm ý kiến thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thì sẽ trở thành kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu để có quy định phù hợp đảm bảo tính khả thi của các quy định này.

 

Vấn đề thứ hai, về Đoàn đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật và báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội đã có sự tiếp thu và bổ sung, trong đó ghi nhận địa vị pháp lý của đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu hoặc chuyển đến tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực tế hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội đã đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói chung và đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương nói riêng. Đoàn đại biểu Quốc hội đã trở thành một thiết chế đặc thù của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại địa phương. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 43, Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của đoàn đại biểu Quốc hội lại không thể hiện theo tinh thần này mà tập trung quy định đoàn đại biểu Quốc hội chỉ tổ chức cho các đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tôi cho quy định như vậy sẽ không làm rõ được thẩm quyền trách nhiệm của đoàn đại biểu Quốc hội với tư cách là tổ chức của các đại biểu Quốc hội tại địa phương.

 

Kính thưa Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo luật, Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn được bầu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Trong nhiều hoạt động thực tế, đoàn đã tiến hành thảo luận và quyết định tập thể nhiều nội dung quan trọng, như kế hoạch, chương trình công tác, chương trình giám sát, các kiến nghị, đóng góp xây dựng luật, ban hành nhiều văn bản do trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ký. Như vậy, đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động là chính danh, không những không làm hạn chế quyền của đại biểu Quốc hội trong đoàn mà thực tế quyền của đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động của đoàn đã được nhân lên bội phần. Đoàn đại biểu Quốc hội cũng không làm thay nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, do đó cũng không có căn cứ để lo ngại đại biểu Quốc hội dựa dẫm vào hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội. Từ lý do trên, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng trong xây dựng pháp luật đoàn đại biểu Quốc hội có thể được quyền trình dự án luật và hỗ trợ sáng kiến xây dựng luật của đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội được tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật tại địa phương và đoàn đại biểu Quốc hội được kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến địa phương.

 

                                           

                                            Bích Ngọc

               VP. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (tổng hợp)

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành

Sáng 29/3, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Đại hội Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029

Ngày 28/3, Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Tiếp tục chương trình công tác tại Điện Biên, ngày 28/3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

Huyện Lạc Thủy: Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Trong những năm qua, UBND huyện Lạc Thuỷ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV

Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024 tổ chức họp triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục