Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu tại phiên họp Hội đồng điều hành IPU. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu tại phiên họp Hội đồng điều hành IPU. Ảnh: TTXVN

Ngày 29-3, tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), diễn ra Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội đồng điều hành IPU. Tại phiên họp này, Chủ tịch IPU X.Chao-đu-ri thông báo, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng được Ðại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Ðại hội đồng lần thứ 132 (IPU-132). Tiếp đó, Chủ tịch Ðại hội đồng IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng đã điều hành phiên họp.

 

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thật sự "biến những lời nói thành hành động," thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới.

Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận nhấn mạnh, chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" của IPU-132 là dịp đặc biệt, là thời điểm đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán để định ra các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được thông qua vào tháng 9-2015 và cũng là thời điểm thuận lợi để định ra các biện pháp làm cho thế giới phát triển bền vững hơn, có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Do đó, chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong xác định các nguồn lực huy động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; xác định những thách thức của từng quốc gia thành viên; về việc thay đổi thái độ của cộng đồng đối với vấn đề phát triển bền vững...

Qua phiên thảo luận chung này, các đại biểu đóng góp thiết thực vào văn bản quan trọng của Ðại hội đồng, đó là Tuyên bố Hà Nội.

* Phiên họp Ðại hội đồng đã kéo dài hết ngày 29-3 với phát biểu của 27 Trưởng đoàn, Chủ tịch Quốc hội với tư cách là những người đứng đầu Nghị viện. Ðại hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của IPU-132. Chủ đề liên quan vai trò của Nghị viện trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố chống thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái, của các tổ chức như Ða-ét và Bô-cô Ha-ram đã đạt hơn hai phần ba số phiếu ủng hộ và được chọn làm chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của IPU-132.

* Sáng 29-3, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP), với sự tham dự của nhiều đại biểu các nước trên thế giới. Chủ tịch ASGP K.Muyn-ga; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc và các Thư ký Nghị viện chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận chuyên đề "Quan hệ công chúng và truyền thông"; nghe nhiều tham luận với các chủ đề: "Những điều Nghị sĩ cần ở truyền thông và những điều truyền thông cần ở nghị sĩ"; "Quan hệ công chúng với nghị viện: mối liên hệ giữa Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Thanh niên"; "Các phương thức minh bạch, năng động liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân tại Thượng viện Tây Ban Nha".

Chiều 29-3, Liên minh Nghị viện Thế giới phối hợp Cơ quan Phụ nữ LHQ tổ chức hội nghị bên lề "Ðạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới".

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký IPU M.Chun-gông cho biết, 20 năm đã qua kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh ra đời, tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị vẫn còn thấp, tính đến tháng 1-2015, chỉ có 22% số nghị sĩ toàn cầu là nữ và chỉ ở 19 nước có phụ nữ là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.

Ông M.Chun-gông hy vọng trong chương trình nghị sự sau năm 2015, bình đẳng giới sẽ có vị trí ngày càng cao và mong muốn các nhà lãnh đạo nam giới, đặc biệt trong Quốc hội, cần đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực nghiêm túc trong triển khai thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới. Việt Nam có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, được thể hiện trong chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam hiện nay là 24,4%, chưa đạt so với chỉ tiêu 30 đến 35%, song là một chỉ tiêu cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề bình đẳng giới đã được lồng ghép vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013; các luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cũng ngày càng được hoàn thiện. Vai trò của phụ nữ ngày càng được định hình rõ nét hơn trong đời sống và quyền lợi ngày càng được bảo đảm. Nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, ngày càng nhiều nam giới tham gia chia sẻ, giữ vai trò tích cực hơn trong cuộc sống gia đình. Phụ nữ ở nông thôn, vùng dân tộc khó khăn gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống, là những đối tượng chủ đạo, được ưu tiên trong các chiến dịch, hành động của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về giới, thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về bình đẳng giới.

Theo kế hoạch, Hội nghị ASGP kéo dài tới ngày 1-4.

* Tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), trong khuôn khổ Ðại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực về các vấn đề LHQ đã họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Ðại hội đồng IPU-131 (tháng 10-2014); thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ. Phó Chủ tịch Ủy ban Thường trực về các vấn đề LHQ A.A-min điều hành phiên họp.

* Trong khuôn khổ Ðại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế bắt đầu phiên họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Ðại hội đồng IPU-131 (tháng 10-2014); bầu Ban lãnh đạo Ủy ban Thường trực. Tại phiên họp này, Ủy ban cũng sẽ xem xét thông qua nghị quyết về "Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới".

* Tại Diễn đàn Nghị sĩ trẻ diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) sáng 29-3, các nghị sĩ trẻ đã nhấn mạnh đến hai vấn đề nóng hổi toàn cầu hiện nay là Chiến tranh mạng và An ninh nguồn nước.

Phát biểu ý kiến mở đầu, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ F.Al-Te-na-di, Nghị sĩ Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, nhấn mạnh đây là cơ hội để các nghị sĩ trẻ trao đổi kinh nghiệm, trình bày quan điểm của mình và của giới trẻ liên quan đến hai chủ đề chính là "Chiến tranh mạng: Sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới" và "Ðịnh hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước".

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng chiến tranh mạng là chủ đề quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và bùng nổ kỷ nguyên kỹ thuật số. Hiện mỗi cá nhân, mỗi chính phủ có những cách hiểu khác nhau về chiến tranh mạng, cho nên điều đầu tiên là phải nhanh chóng đưa ra định nghĩa chung toàn cầu về khái niệm chiến tranh mạng, tội phạm mạng, đồng thời làm rõ nhận thức về những nguy hiểm tiềm ẩn từ hai loại hình tội phạm này cũng như về tầm quan trọng của việc ngăn chặn chiến tranh mạng, tội phạm mạng khi giới trẻ là những người dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất. Giới trẻ vừa "nhạy cảm" với những đổi mới về công nghệ, vừa chưa có đủ năng lực để nhận thức đúng về những tác động mặt trái của các vấn đề mạng, cũng như chưa thể tự bảo vệ mình trước các loại hình tội phạm mạng, chiến tranh mạng ngày càng diễn ra tinh vi, thường xuyên hơn.

Ðại biểu Nguyễn Ðắc Vinh, Bí thư Thứ nhất T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho rằng, những hậu quả từ mặt trái của vấn đề an ninh mạng được dự báo sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh thông thường, do không gian mạng không có giới hạn, các cuộc tiến công khó được nhận biết và có thể được tiến hành bởi bất kỳ người nào từ bất kỳ đâu trên thế giới. IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên hợp quốc nhanh chóng xây dựng Hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin.

Về chủ đề "Ðịnh hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước", Việt Nam kiến nghị các nghị viện thành viên IPU hoàn thiện luật pháp, phân bổ ngân sách thỏa đáng, có các chính sách khuyến khích quản lý và sử dụng nguồn nước theo hướng bền vững. Các nghị viện cần xây dựng khung thể chế và chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực cho công tác quản trị nguồn nước và nâng cao nhận thức cộng đồng trong vấn đề này; thúc đẩy các thỏa thuận song phương và đa phương giữa các nước có chung nguồn nước để cùng sử dụng và giải quyết các bất đồng phát sinh; phê chuẩn và giám sát thực hiện các công ước, điều ước quốc tế liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; đồng thời chú trọng về nước trong hoạt động ngoại giao nghị viện thông qua các cơ chế đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin...

* Ngày 29-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Ngài U Kha-li-pha, Chủ tịch Quốc hội An-giê-ri đang tham dự IPU - 132 tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chuyển lời mời sang thăm Việt Nam đến Tổng thống An-giê-ri; đồng thời đánh giá cao vai trò của An-giê-ri trong xây dựng hòa bình cho khu vực. Ðể tăng cường hợp tác song phương, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương; khẳng định sẽ quan tâm nhiều hơn lĩnh vực đầu tư và đề nghị An-giê-ri tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động. Ôn lại những kỷ niệm trong những năm tháng kề vai sát cánh giữa hai dân tộc, Chủ tịch nước chúc đất nước An-giê-ri phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc; mong muốn hai cơ quan lập pháp hợp tác thiết thực hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội An-giê-ri Kha-li-pha nhắc đến truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, luôn có sự ủng hộ lẫn nhau về chính trị trên các diễn đàn. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và An-giê-ri chưa thật sự tương xứng tiềm năng. An-giê-ri chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam ở những lĩnh vực hai bên có thế mạnh, mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại An-giê-ri. Chủ tịch Quốc hội An-giê-ri thông báo với Chủ tịch nước những nét chính về quan hệ đối ngoại của An-giê-ri với các nước khu vực châu Phi; khẳng định lập trường và vai trò của An-giê-ri trong việc xây dựng môi trường hòa bình, phát triển. Chủ tịch Quốc hội An-giê-ri Kha-li-pha đánh giá cao các lĩnh vực Việt Nam đã đạt thành tựu được thế giới ghi nhận như: xuất khẩu gạo, thủy sản...; chúc Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ ở giai đoạn tiếp theo.

* Ngày 29-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Xu-đăng A. Man-xua, nhân dịp ngài Chủ tịch cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Xu-đăng tham dự Ðại hội đồng IPU-132 diễn ra tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chuyển lời mời Tổng thống Xu-đăng sớm sang thăm Việt Nam, đồng thời đề nghị hai bên rà soát lại các lĩnh vực có thế mạnh. Chủ tịch nước thông báo, hiện một số doanh nghiệp của Việt Nam như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel đã có mặt tại Xu-đăng và mong muốn Xu-đăng tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả. Về đề nghị mở đại sứ quán Việt Nam tại Xu-đăng, Chủ tịch nước tin tưởng việc phối hợp sẽ sớm được triển khai tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh, hai nước cần tiếp tục có sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội A.Man-xua đánh giá cao Việt Nam đã tổ chức Ðại hội đồng IPU-132 chu đáo, trọng thị và dành cho Ðoàn sự đón tiếp nồng ấm. Cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam với nhân dân Xu-đăng trong những giai đoạn khó khăn, Chủ tịch Quốc hội Xu-đăng nhấn mạnh, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp Xu-đăng đến đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Xu-đăng tin tưởng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại; hàng hóa của hai bên sẽ thâm nhập vào thị trường của nhau; đề nghị Việt Nam sớm mở đại sứ quán tại Xu-đăng và chuyển lời mời của Tổng thống Xu-đăng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Xu-đăng trong thời gian sớm nhất.

* Chiều 29-3, phát biểu ý kiến tại buổi tiếp Cố vấn đặc biệt, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ A.Mô-ha-mét, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để bảo đảm cho thành công của Ðại hội đồng IPU-132. Dự kiến, Ðại hội đồng IPU-132 sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội, tạo dấu ấn lớn trong hoạt động của IPU; đồng thời đóng góp tích cực vào các nội dung nghị sự của Ðại hội đồng LHQ Khóa 70 vào giữa năm 2015.

Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh Bà A.Mô-ha-mét sang Việt Nam tham dự Ðại hội đồng IPU-132; khẳng định, chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" tại Ðại hội đồng IPU-132 lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ và sẽ thông qua Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015 và các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kể từ khi chính thức trở thành thành viên LHQ, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các mục tiêu phát triển chung và tích cực đóng góp vì sự phát triển của LHQ. Việt Nam trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, tinh thần hợp tác cao cả mà LHQ dành cho Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, khoa học, văn hóa, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, góp phần hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau nhiều năm khắc phục hậu quả của chiến tranh, Việt Nam đã tích cực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đang phấn đấu tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các mặt hoạt động, nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong công cuộc gìn giữ hòa bình.

Bà A.Mô-ha-mét trân trọng chuyển lời chào, lời chúc tốt đẹp của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun; trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam. Trợ lý Tổng Thư ký LHQ cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt công tác chuẩn bị cho Ðại hội đồng IPU-132 lần này; hy vọng Ðại hội đồng IPU-132 sẽ sớm thông qua chương trình hành động cụ thể, đóng góp vào việc hoạch định và thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn sau năm 2015.

Bà A.Mô-ha-mét đánh giá cao các nội dung được đưa ra thảo luận lần này, cho rằng đây là những nội dung rất có giá trị, phù hợp những định hướng phát triển chung của LHQ, đóng góp tích cực cho việc duy trì và gìn giữ hòa bình, thịnh vượng trên toàn thế giới.

Bà A.Mô-ha-mét cũng cho rằng, kết quả thảo luận của IPU-132, mà cụ thể là Tuyên bố Hà Nội khi được thông qua sẽ có ý nghĩa to lớn, là nền tảng, cơ sở hợp tác giữa IPU và LHQ trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

* Chiều 29-3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội I-rắc B.Áp-đun-ma-gi sang thăm Việt Nam và dự Ðại hội đồng IPU-132.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cho nên rất hiểu những nỗi đau cũng như những mất mát to lớn do chiến tranh gây ra, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình I-rắc, hy vọng tình hình I-rắc ổn định; hòa bình sớm được lập lại, nhân dân I-rắc được ấm no, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp; đẩy mạnh giao lưu nhân dân (Ðảng, Quốc hội, đoàn thể) nhằm thảo luận các biện pháp hợp tác cũng như tăng cường tình đoàn kết và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai bên thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai cơ quan lập pháp nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực song phương và đa phương; tăng cường giám sát việc thực hiện những hiệp định và thỏa thuận đã ký giữa Chính phủ, các bộ, ngành hai nước, để những hiệp định này mang lại kết quả thiết thực và có hiệu quả cho cả hai bên. Hai nước phối hợp chặt chẽ, ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ LHQ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị I-rắc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Hai nước tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư, mở rộng tiếp xúc giữa các doanh nghiệp...

Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội I-rắc B.Áp-đun-ma-gi cho biết, người dân I-rắc luôn biết đến Việt Nam là những người anh hùng trong chống giặc ngoại xâm, đồng thời là một dân tộc cần cù, thông minh trong việc phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam và I-rắc đã có quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác dầu khí, phát triển nguồn nhân lực... Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội I-rắc mong muốn thời gian tới, hai bên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai nước có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đạt hiệu quả cao hơn.

* Chiều 29-3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tiếp Phó Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái-lan Xu-ra-chai Liêng-bun-lợt-chai sang thăm Việt Nam và dự Ðại hội đồng IPU-132.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 6-2013) và ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái-lan giai đoạn 2014-2018. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Thái-lan vừa được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 19 đến 21-3 với những bước tiến trong hợp tác lao động, thương mại và đầu tư.

Ðánh giá cao những nỗ lực của Thái-lan trong vai trò là Ðiều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Thái-lan tiếp tục phát huy vai trò và tiếng nói của mình cùng với cộng đồng ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề liên quan Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), sớm thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Việc bảo vệ hòa bình tại Biển Ðông có ý nghĩa quan trọng chung đối với cả khu vực như nhìn nhận của các lãnh đạo ASEAN và quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái-lan Xu-ra-chai Liêng-bun-lợt-chai cho biết, Thái-lan và Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán và sớm ký Thỏa thuận hợp tác về lao động để tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này; mong muốn quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

* Chiều 29-3, tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc đã tiếp Ngài X.A-lếch-xan-đrô-vích, Chánh Văn phòng Hội đồng LB Nga đến Việt Nam tham dự Ðại hội đồng IPU-132 và Hội nghị ASGP tổ chức tại Hà Nội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Nga có những bước phát triển vượt bậc; mong muốn Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Hội đồng LB Nga thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, công tác tham mưu; cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga sinh sống, làm việc thuận lợi.

Chánh Văn phòng Hội đồng Liên bang Nga X.A-lếch-xan-đrô-vích đánh giá cao Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho Ðại hội đồng IPU-132; nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa LB Nga và Việt Nam, Ngài X.A-lếch-xan-đrô-vích cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực hoạt động của mình, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

* Tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển đã tiếp Thượng nghị sĩ Ph.Ma-ri-a, Tổng Thư ký Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện I-ta-li-a.

 

 

                                                                           Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi chăm lo đời sống hội viên

Phát huy vai trò của tổ chức Hội, bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bôi luôn đồng hành, chăm lo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng văn hóa an toàn giao thông từ mỗi cán bộ, chiến sỹ

Thời gian qua, thực hiện tốt phương châm "xây dựng văn hóa an toàn giao thông (ATGT) là nâng cao ý thức chấp hành ATGT từ mỗi quân nhân”, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) về nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông. Nhờ vậy từng bước hình thành và xây dựng văn hóa ATGT trong mỗi cơ quan, đơn vị và CBCS.

Giữ vững trận địa tư tưởng

Đó là tinh thần, quan điểm xuyên suốt của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trên mặt trận đấu tranh, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng trong thời gian qua.

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024

Sáng 16/4, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I; kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của cấp uỷ và UBKT các cấp trong Đảng bộ; triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II/2024.

Huyện Tân Lạc: Đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Nếu năm 2022, huyện Tân Lạc xếp thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh thì năm 2023, căn cứ kết quả công bố tại Quyết định số 3016/QĐ-UBND, ngày 26/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá kết quả chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND huyện, huyện Tân Lạc đạt 86,26 điểm chỉ số CCHC, xếp thứ 9/10 huyện, thành phố. Hiện nay, huyện đang tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC.

Thường trực Tỉnh ủy tiếp công dân định kỳ tháng 4/2024

Ngày 15/4, tại trụ sở Tiếp công dân (TCD) tỉnh, các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi TCD định kỳ tháng 4/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục