Đến nay, huyện Kim Bôi đã cải tạo được trên 2.200 ha vườn tạp, chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất vườn trên địa bàn. ảnh: Nông dân xóm Khoang, xã Sơn Thủy cải tạo vườn tạp trồng nhãn mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ.

Đến nay, huyện Kim Bôi đã cải tạo được trên 2.200 ha vườn tạp, chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất vườn trên địa bàn. ảnh: Nông dân xóm Khoang, xã Sơn Thủy cải tạo vườn tạp trồng nhãn mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ.

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 12.381 ha vườn tạp, cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, những diện tích vườn tạp đã được cải tạo (khoảng 6.349 ha) cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha/năm, thậm chí nhiều diện tích đã được chuyển đổi thành công mang lại thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng/ ha/năm. Chỉ cần một so sánh đơn giản cũng có thể thấy giá trị kinh tế nổi bật mà việc cải tạo vườn tạp mang lại cho 1 hộ sản xuất nông nghiệp. Chưa kể đến những giá trị bền vững khác như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung…

 

Là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít - bình quân diện tích đất lúa và màu chỉ khoảng 250 m2/người, xã Sơn Thủy (Kim Bôi) đã tìm được lời giải để nâng cao giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp: gia tăng hiệu quả sử dụng đất bằng cách cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước hết, người dân nơi đây đã tận dụng nhiều diện tích kém hiệu quả và nỗ lực cải tạo thành những diện tích có giá trị canh tác cao hơn. Từ đất bãi ven suối, đất đồi thấp, đất lúa bấp bênh đến những diện tích vườn tạp quanh nhà… Tất cả đều được tận dụng để thử trồng các loại cây hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao hơn lúa và màu truyền thống. Sau nhiều nỗ lực tiếp cận các mô hình mới, xã đã thành công khi tìm kiếm được loại cây trồng phù hợp. Đến nay, diện tích vườn tạp của xã Sơn Thủy đã được phủ đều một màu xanh thẫm của cây nhãn. Hơn một nửa số hộ dân nơi đây đã tận dụng vườn nhà để trồng nhãn với tổng diện tích trên 100 ha, ngoài ra còn trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như cam, chanh, bưởi… Dần dần, thay vì những diện tích vườn tạp chẳng có giá trị kinh tế đáng bao nhiêu, những vườn nhãn sai trĩu quả đã mang đến cho người dân Sơn Thủy thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi vụ, bình quân mỗi ha nhãn trong kỳ thu hoạch mang lại thu nhập 250 – 300 triệu đồng. 

Ông Bùi Văn Lực - người đầu tiên đưa cây nhãn vào trồng trên đất Sơn Thủy cho biết: “Muốn vận động người dân mạnh dạn phá bỏ vườn tạp để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới, không gì thuyết phục bằng việc để họ được mắt thấy, tai nghe, sau đó tự nguyện làm theo những người tiên phong vừa nói được, vừa làm được”. Từ câu chuyện của xã Sơn Thủy cho thấy, yếu tố cốt lõi để xã chuyển đổi vườn tạp thành công là có sự tiên phong mạnh dạn của những cá nhân dám nghĩ, dám làm, thành công và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm như ông Bùi Văn Lực. Nhìn rộng ra phạm vi toàn tỉnh, những địa phương đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp như Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy… đều xuất hiện những nhân tố tiên phong điển hình đầy sức thuyết phục khiến người dân địa phương tin tưởng và làm theo. 

Toàn tỉnh hiện có 21.125 ha đất vườn, trong đó, diện tích đã cải tạo khoảng 6.349 ha, diện tích vườn tạp 12.381 ha, còn lại khoảng 2.395 ha chưa trồng cây. Theo đánh giá sơ bộ của Sở NN&PTNT, toàn bộ diện tích đất vườn cho thu nhập khoảng 480 tỷ đồng/năm, trong đó, diện tích đã cải tạo cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha, diện tích vườn tạp chỉ cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha. Trong khi đó, ghi nhận tại nhiều địa phương có diện tích vườn tạp đã được cải tạo bằng trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chanh, nhãn… cho thấy hiệu quả sử dụng đất cao hơn rất nhiều: các vùng chuyên canh cây ăn quả - mà tiền thân là những vườn tạp – cho thu nhập bình quân 400 – 600 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, lời giải căn cơ cho bài toán cải tạo vườn tạp là xác định được các loại cây trồng phù hợp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Từ xuất phát điểm đầu tiên là cải tạo vườn tạp trong từng hộ gia đình sẽ nhân rộng thành phong trào mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, dần tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa có tính chuyên canh cao. Đây cũng chính là chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh khi phê duyệt Đề án cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.  

Trước đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu đề ra là: Hàng năm, toàn tỉnh sẽ phấn đấu cải tạo khoảng 1,2 nghìn ha vườn tạp thành vườn có hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận thu được tăng 2,5 – 3 lần so với năm 2015. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh cải tạo thành công trên 6.000 ha vườn tạp (tương đương 50% tổng diện tích vườn tạp trên địa bàn) với hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Để đạt mục tiêu đề ra, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ngay trong năm 2016 cần khẩn trương chỉ đạo xây dựng mỗi xã có 1 - 2 mô hình điểm về cải tạo vườn tạp để nhân rộng ra toàn xã trong những năm tiếp theo. Cùng với việc triển khai chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng đất vườn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, các địa phương xây dựng lộ trình cải tạo vườn tạp phù hợp, từng bước tạo thành vùng, liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung.  

Về cơ chế chính sách đầu tư và hỗ trợ cải tạo vườn tạp, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo: Hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất vườn trồng cây; xây dựng các điểm trình diễn; chuyển giao kỹ thuật cải tạo, thâm canh cây trồng; hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/ha cho hộ nông dân cải tạo vườn tạp; hỗ trợ sau đầu tư 2 triệu đồng/ha cho doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với nông dân thông qua hợp đồng. Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án gắn với kế hoạch cải tạo vườn tạp, tăng cường nguồn vốn và mức vay tín chấp trung, dài hạn thông qua các tổ chức CT-XH để có nguồn lực cải tạo vườn tạp. Chắc chắn, những quyết sách mới trong vấn đề cải tạo vườn tạp sẽ tạo động lực quan trọng để các địa phương nâng cao hiệu quả thâm canh cây trồng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao và bền vững.

 

                                                              Thu Trang

 

Các tin khác


Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lạc Sơn có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay toàn huyện có 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục