(HBĐT) - Hiện nay, nhu cầu sử dụng giống cây trồng nông nghiệp (GCTNN) rất cao, trong khi khả năng cung ứng của các đơn vị sản xuất và kinh doanh hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ dừng ở mức độ thấp. Do chênh lệch lớn giữa cung và cầu, điều tất yếu là người sản xuất sẽ phải lựa chọn nguồn cung ứng giống từ các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, đồng nghĩa với sự mất đi cơ hội “ngay trên sân nhà” của các đơn vị trong tỉnh. Để giành lại “miếng bánh” thị trường gần mình nhất, vấn đề cốt yếu đặt ra cho các đơn vị này là phải tăng tốc trong cuộc chạy đua nâng cao năng lực quản lý, sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng dịch vụ.

 

 

Khu sản xuất giống lúa MĐ1 tại Trại sản xuất giống cây trồng huỵện Lạc Sơn (thuộc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản) tuy được đầu tư đảm bảo năng lực sản xuất lúa giống nhưng đến nay, mức tiêu thụ mới đạt khoảng 10 tấn /năm, để “thua ngay trên sân nhà”.

 

Để “thua ngay trên sân nhà”

 

Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (trụ sở tại xã Phú Thành, Lạc Thủy) đã có nhiều năm hoạt động. Song song với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống ngô và hệ thống canh tác cây ngô, Trung tâm còn đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh các loại giống ngô để phục vụ sản xuất. Trong những năm gần đây, Trung tâm cung cấp 4 giống ngô chính gồm LVN10, LVN4, LVN25, SB099. Đây là các giống ngô chủ lực đang được sử dụng phổ biến nhất tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí Đinh Văn Chính, Giám đốc Trung tâm cho biết: Những năm trước, lượng giống ngô Trung tâm cung ứng cho thị trường nội tỉnh đạt trung bình khoảng 270 tấn /năm thì trong 2 năm trở lại đây, mức tiêu thụ sụt giảm mạnh, năm 2015 chỉ còn 7 tấn, năm 2016, đến thời điểm này mới xuất được 5 tấn. Trong khi đó, với diện tích ngô khoảng 38.000 ha /năm, lượng giống cần cho sản xuất ngô toàn tỉnh ước tính khoảng 700 - 750 tấn /năm. Đây là thị trường béo bở tạo sức hút lớn đối với các đơn vị ngoài tỉnh. Còn đối với một đơn vị giàu truyền thống như Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi, việc để “thua ngay trên sân nhà” dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: Cần nhìn lại mình để có sự vào cuộc quyết liệt hơn và làm thế nào để tăng tốc trong cuộc chạy đua nâng cao năng lực cung ứng giống ngô cho thị trường nội tỉnh?

 

Để “thua ngay trên sân nhà”, đây cũng là mối lo ngại của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (trực thuộc Sở NN &PTNT) khi lượng giống lúa của Trung tâm cung ứng ra thị trường nội tỉnh mới dừng lại khoảng 10 tấn /năm. Con số này quá thấp so với mức 1.800 tấn - tổng lượng giống lúa dùng cho sản xuất lúa cả năm của tỉnh để ổn định diện tích canh tác khoảng 39.000 ha /năm. Theo thống kê của Sở NN &PTNT, mặc dù nhu cầu sử dụng giống lúa của tỉnh rất cao nhưng đáng tiếc, lượng giống được sản xuất trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 15%, tương đương khoảng 250 tấn, bao gồm 10 tấn được cung ứng từ Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, 240 tấn giống do nông hộ tự để giống.

 

 Cũng tương tự như trên, thực tế đang tồn tại mức chênh lệch khá lớn giữa nhu cầu sử dụng và khả năng cung ứng các loại GCTNN khác như cây ăn quả có múi, rau, chè, mía… Do năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng có hạn nên các đơn vị sản xuất - kinh doanh GCTNN trong tỉnh đang bị “thua trên chính sân nhà”, để tuột một thị phần rất lớn vào tay các cơ sở ngoài tỉnh. Chính vì vậy, vấn đề cốt yếu đặt ra cho các đơn vị này là phải tăng tốc trong cuộc chạy đua giành lại “miếng bánh” thị trường gần mình nhất.

 

Cần tổ chức lại sản xuất để vào cuộc hiệu quả hơn

 

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 138 cơ sở sản xuất và kinh doanh GCTNN, trong đó có 6 cơ sở sản xuất, 132 cơ sở kinh doanh. Ngoài ra còn một số cơ sở sản xuất giống ở quy mô nông hộ. Nhìn chung, các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Còn các cơ sở kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ với khối lượng kinh doanh ít và bán kèm với các hàng hóa khác.

 

Một trong những hạn chế lớn nhất chi phối hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống hiện nay trên địa bàn tỉnh là cơ sở vật chất còn lạc hậu. Ngay như một số cơ sở nhân giống từng được đầu tư bài bản nhất là Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền hay Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình. Các cơ sở này tuy đã có hệ thống nhà lưới và vườn ươm cây giống nhưng chưa đủ tiêu chuẩn, quy mô còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh. Cùng với nguồn vốn tự có nghèo nàn của các cơ sở, tỉnh cũng hạn chế nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất GCTNN. Theo Sở NN &PTNT, hiện nay, tỉnh không có kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn, chọn tạo GCT; chưa chú trọng đầu tư kinh phí đào tạo cán bộ trong công tác đánh giá chất lượng GCT, lực lượng làm công tác quản lý GCT mỏng; trang thiết bị phục vụ công tác đánh giá chất lượng GCT còn thiếu; kinh phí thực hiện công tác thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng hạn chế… Đó là những “mắt xích” yếu kém làm chậm “cỗ máy” sản xuất và kinh doanh GCTNN, khiến các đơn vị trong tỉnh “chịu thua ngay trên sân nhà” trong cuộc đua giành thị phần cung ứng GCTNN.

 

Trao đổi về diễn biến này, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT nhìn nhận: Đến nay, ngành NN &PTNT đã xác định  rất rõ hướng đi góp phần thực hiện thành công lộ trình tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Theo đó, tiềm năng sản xuất các loại cây trồng nông nghiệp là rất lớn, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng GCTNN tăng cao. Đây chính là cơ hội thị trường lớn dành cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh GCTNN. Riêng đối với các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, vấn đề cốt yếu là phải tổ chức lại sản xuất để vào cuộc hiệu quả hơn, tránh tình trạng bị “hụt hơi” khi mới chạy đua trên thị trường nội tỉnh. Cụ thể, cần nâng cao năng lực sản xuất giống trên cơ sở xác định thế mạnh của đơn vị để tập trung chọn tạo, đầu tư phát triển các loại giống có lợi thế cạnh tranh; thực hiện quy hoạch vườn ươm và khu sản xuất giống đảm bảo cung ứng ra thị trường các loại giống có nguồn gốc và chất lượng tốt; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm... Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt và sòng phẳng như hiện nay, thay vì trông chờ vào các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các đơn vị cần nêu cao tính chủ động, quyết tâm triển khai các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đó chính là cách hữu hiệu nhất để khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường cung ứng GCTNN. 

 

 

                                                                       Thu Trang

 

 

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục