(HBĐT) - Trải qua chặng đường lịch sử 120 năm (1896 - 2016) xây dựng và phát triển với nhiều gian khổ, khó khăn, thách thức nhưng tinh thần chiến đấu quật cường, đoàn kết, hăng say lao động sản xuất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tộc TP Hòa Bình vẫn được lưu truyền và phát huy. Sự thay đổi mạnh mẽ trong diện mạo và nhịp sống ở TP Hòa Bình là minh chứng rõ nét và sinh động nhất cho truyền thống đó. Trong hành trình hướng về tương lai, TP Hòa Bình đang vươn mình mạnh mẽ, nắm bắt thời cơ, vận hội mới, tập trung mọi nguồn lực quyết tâm xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

 

Trong suốt 30 năm kháng chiến (1945 - 1975) cũng như sau khi đất nước thống nhất, mặc dù điều kiện KT-VH-XH còn nhiều khó khăn. Song, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc TX Hòa Bình đã vượt qua mọi thử thách cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Bằng sự đoàn kết, nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc TX Hòa Bình, ngày 27/10/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2006/NĐ-CP thành lập TP Hòa Bình. 10 năm đã qua, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hòa Bình phấn khởi, tự hào trước những thành tựu to lớn đã đạt được. KT-XH có những bước tiến rõ nét; tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực được khơi dậy và phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao... góp phần đưa TP Hòa Bình trở thành một thành phố năng động và đầy tiềm năng…

 

 

Đường Trần Hưng Đạo rực rỡ cờ hoa chào mừng 120 năm thành lập thị xã Hòa Bình, 10 năm thành lập thành phố Hòa Bình.

 

Quá trình đô thị hóa ở TP Hòa Bình diễn ra nhanh chóng và bền vững. Năm 2011, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025. Tổng diện tích được lập quy hoạch là  14.784 ha, trong đó, diện tích đất quy hoạch xây dựng đô thị 4.400 ha. Để tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển đô thị, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chuyên đề và các chương trình, đề án phát triển KT-XH. Tổ chức, điều hành, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch mạnh nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng đô thị ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005-2015 đạt 13,29%. Cơ cấu  kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Năm 2015, dịch vụ chiếm 55,1%; CN-XD chiếm 38,7%; nông - lâm -thủy sản chiếm 6,2%. Tổng thu NSNN năm 2015 đạt 252,1 tỷ đồng, tăng 5,8 lần so với năm 2006. Thu nhập và đời sống nhân dân được nâng lên. Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm (tăng 5,4 lần so với năm 2006). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27% (theo tiêu chí mới là 1,86%).

 

Để đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, thành phố đã ưu tiên hàng đầu cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Từ năm 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH từ nguồn NSNN đạt trên 1.650 tỷ đồng. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình như: đường Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu, Thịnh Lang và biểu tượng TP Hòa Bình… Đặc biệt, trên địa bàn thành phố đang triển khai thi công Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình nhằm tạo huyết mạch giao thông nối liền với các đô thị lớn như Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng ngày càng hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 98% tuyến đường chính có đèn chiếu sáng công cộng. 160/189 km đường bộ được rải nhựa và nâng cấp. Hầu hết đường làng, ngõ xóm của 15 xã, phường trên địa bàn đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, trong đó có hơn 130 km được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm đã được thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải;  Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm; Trung tâm Hành chính - Chính trị thành phố... Khi hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị và nông thôn của thành phố để đi lên cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của  thành phố đạt kết quả khả quan với 3/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM tại thành phố ngày càng phát triển sâu rộng với trên 30 km đường nông thôn đã được kiên cố hóa, hàng chục nhà văn hóa xóm được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Bà con nông dân đã chủ động, mạnh dạn áp dụng KH-KT vào sản xuất và làm giàu trên đồng đất quê hương.

 

Chủ động hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh KT-XH của thành phố trong những năm qua. Từ năm 2010 - 2015, trên địa bàn có 26 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 2.698 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được cấp phép lên 76 dự án. Hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 700 DN và trên 1.800 hộ kinh doanh cá thể, 11 HTX hoạt động SX-KD hiệu quả trên các lĩnh vực đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Riêng KCN bờ trái sông Đà, tỷ lệ lấp kín đạt 61% với 19 DN, trong đó có 6 DN FDI, tạo việc làm và thu nhập cho trên 3.000 lao động .

 

 TP Hòa Bình còn là một trong những điểm sáng trong các phong trào VH-VN, TD-TT và các hoạt động xã hội. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với văn minh đô thị đã được các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả. 15/15 phường, xã đã có điểm thu gom rác thải, 150 tuyến đường do phụ nữ, thanh niên tự quản… Toàn thành phố hiện có 89% gia đình văn hóa, 8.650 gia đình, trên 26.000  người thường xuyên tham gia luyện tập TD-TT với 73 CLB TD-TT và trên 90% KDC có sân chơi, bãi tập… TP Hòa Bình luôn giữ vững là lá cờ đầu của tỉnh về GD-ĐT với 39/54 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,2%, 100% giáo viên đạt chuẩn, 90% phòng học được kiên cố. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương được quan tâm thực hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%; trung bình hàng năm giải quyết việc làm cho 2.500 lao động. Hệ thống y tế cơ sở được đầu tư, chất lượng CSSK nhân dân không ngừng được nâng cao, cơ bản các xã, phường đã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế. QP-AN được củng cố vững chắc; ANCT - TTATXH được đảm bảo. Công tác đối ngoại được tăng cường. Hệ thống chính trị thành phố luôn được củng cố, kiện toàn theo hướng TS-VM. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng và đảng viên được nâng lên. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của các cấp chính quyền; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ngày càng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. CCHC được đẩy mạnh, hướng tới xây dựng mô hình chính quyền đô thị phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Năm 2015 TP Hòa Bình đứng đầu toàn tỉnh về chỉ số CCHC.

 

Với những thành tựu đặc biệt xuất sắc sau 10 năm thành lập, TP Hòa Bình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Đây chính là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc TP Hòa Bình tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong nhân dân. Tập trung tái cơ cấu các ngành kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển đồng bộ và hiệu quả.

 

 

                                        Nguyễn Thanh Huy

                                          Phó Bí thư Thành ủy

                              Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình

 

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục