(HBĐT) - Mặc dù thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng tình hình tiêu thụ và giá lợn hơi xuất chuồng không mấy khả quan. Như vậy, tính khoảng chừng 3 tháng nay, giá lợn thịt giảm mạnh và không có dấu hiệu nhích lên, “đầu ra” cũng có xu hướng chững lại. Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh “trông đứng, trông ngồi”, thấp thỏm chờ thương lái.

 

 

   Người chăn nuôi lợn ở xã Cư Yên(Lương Sơn) đang bế tắc tiêu thụ lợn thịt

 

Chúng tôi về huyện Lương Sơn, địa phương đứng đầu của tỉnh về chăn nuôi lợn hàng hóa. Khó nói hết sự nóng lòng, sốt ruột cũng như lo lắng của hộ chăn nuôi khi sản phẩm làm ra đến kỳ xuất bán gặp phải trở ngại về vấn đề tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Lương ở xóm Rậm, xã Cư Yên than thở: “Lúc này, ruột gan tôi rối bời, không còn mấy nữa là đến Tết mà lợn không xuất bán được. Vài hôm trước có người đến hỏi mua nhưng trả giá thấp quá, nếu bán thì lỗ vốn còn giữ lại chờ giá lên như này chưa biết đến lúc nào”. Gia đình bà Lương hiện nuôi trên 30 con lợn, trong đó 20 con đã đến kỳ xuất bán, trọng lượng dao động 80 - 90 kg/con. Dự kiến nếu giá cả ổn định như mọi năm, bà sẽ thu lãi cỡ vài chục triệu đồng/lứa, thế nhưng với giá hiện tại, bà không những không có công mà còn thua lỗ ít nhất chục triệu đồng.

 

Cùng ở xóm Rậm, tình cảnh của ông Hoàng Văn Thịnh có phần bi đát hơn. Bỏ tiền, bỏ của, bỏ công đầu tư, chăm sóc lứa lợn thịt trên 30 con, con nào, con nấy đều đã ngót nghét 1 tạ nhưng Tết đang gõ cửa đến nơi mà đàn lợn vẫn chưa có lái thương hỏi đến. ông Thịnh lo lắng: Cứ đà này, chúng tôi khó lòng đón Tết được. Bằng giờ này mọi năm, tiền bán lứa lợn đã cất riêng một khoản để sau Tết sẽ tái đàn, một khoản bỏ ra để mua sắm chi tiêu dịp Tết đến, xuân về. Nào ngờ, lợn không bán được, có bán giá rất rẻ. Trong khi đó, nếu cứ duy trì nuôi sẽ tiếp tục phải bỏ công và chi phí thức ăn, khả năng đã thua lỗ lại càng thua lỗ hơn.

 

Theo thống kê tại xã Cư Yên hiện nay có khoảng 14.000 lợn thịt đến kỳ xuất bán lứa Tết nhưng đến thời điểm này còn tồn 9.000 con lợn trong dân. Việc tiêu thụ của hộ chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Ngoài Nhuận Trạch, Cư Yên, Hợp Hòa, trên địa bàn huyện còn có các xã nuôi lợn trọng điểm như Hoà Sơn, Hợp Thanh, Cao Thắng, Tân Thành… Tổng đàn lợn thịt của cả huyện trên 79.000 con.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tình hình giá cả và những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm lợn thịt trên địa bàn, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác nhận: Giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Cụ thể là duy trì giá trên 40.000 đồng/kg nay giảm còn dưới 30.000 đồng/kg, thậm chí nhiều hộ đã phải chấp nhận thua lỗ  với giá bán phổ biến 25.000 - 26.000 đồng/kg. Thường thì riêng đầu tư con giống đã vào khoảng trên 1,2 triệu đồng/con. Trong thời gian nuôi từ 3 tháng rưỡi đến 4 tháng, mỗi ngày người chăn nuôi phải bỏ công chăm sóc và chi phí 10.000 đồng tiền thức ăn cho mỗi đầu lợn.

 

Đồng chí Phạm Vinh Xương, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Vấn đề tiêu thụ lợn thịt là khó khăn chung trên cả nước do trong khoảng từ tháng 9/2016 đến nay, thương lái Trung Quốc gián đoạn thu mua lợn của Việt Nam dẫn tới nhiều bất ổn trên thị trường giá cả và kế hoạch chăn nuôi của hộ dân. Tuy nhiên, liên tiếp trong mấy năm gần đây, “đầu ra” đàn lợn thịt của tỉnh khá ổn định đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa. Cho dẫu nông dân đang gặp trở ngại về tiêu thụ và ảnh hưởng giá cả tác động nhưng về lâu dài, chăn nuôi vẫn là thế mạnh, nhu cầu nguồn cung thực phẩm lớn. Để ứng phó với diễn biến thị trường và những tác động giá cả, khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn. Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng theo hướng nâng cao chuỗi giá trị cần ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi, chú trọng nguồn giống tốt.

 

 

                                                                             Bùi Minh

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục