(HBĐT) - Trong những năm qua, chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp của huyện Lương Sơn đã có bước chuyển biến rõ rệt. Kinh tế trang trại, kinh tế hộ phát triển mạnh, nhiều hộ đầu tư cải tạo vườn tạp, vườn đồi, áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, tạo ra các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ kinh tế vườn, đồi. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại, vườn đồi vẫn còn một số tồn tại, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng KH-KT vào thâm canh, sản xuất hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý chất lượng giống cây trồng còn nhiều bất cập; năng suất, sản lượng chưa cao, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.

 

Xã Nhuận Trạch có tổng diện tích đất vườn 301 ha, trong đó, diện tích trồng cây ăn quả và dược liệu 190 ha, vườn tạp 111 ha.  Theo kế hoạch và sự hỗ trợ của huyện, xã có định hướng cải tạo 50 ha vườn tạp, theo đó, năm 2017 cải tạo 20 ha, năm 2018 cải tạo 20 ha, đến năm 2020 cải tạo 10 ha với cây trồng chính là cây ăn quả và rau an toàn.

 

 

Nông dân xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Thực trạng sản xuất cho thấy, nhu cầu cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hiện nay là cần thiết, động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Do đó, huyện Lương Sơn đã xây dựng “Đề án cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM đến năm 2020” nhằm bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân góp phần xây dựng NTM.

 

Theo thống kê, diện tích vườn tạp của huyện có 1.836 ha, một số xã có diện tích vườn tạp lớn như: Cao Răm, Hợp Hoà, thị trấn Lương Sơn, Hoà Sơn, Cư Yên, Tân Thành, Hợp Châu, Trung Sơn, Thành Lập, Hợp Thanh, Thanh Lương. Hệ cây trồng trong vườn tạp phần lớn là các loại cây lâu năm. Các hộ tự tìm kiếm các loại cây để trồng, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cây trồng chưa được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao, chưa được quy hoạch, chiếm nhiều diện tích và không gian, ảnh hưởng lớn đến bố trí các loại cây trồng khác; năng suất cây trồng thấp.

 

Mục tiêu của đề án phấn đấu từ 2017- 2020 có 1.000 ha vườn tạp được cải tạo, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/ năm. Mỗi thôn, xóm có từ 1 - 2 mô hình điểm cải tạo vườn tạp, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Trong năm 2016 - 2017, huyện chỉ đạo xây dựng từ 5 - 6 mô hình điểm cải tạo vườn tạp, làm tiền đề nhân rộng ra toàn huyện trong những năm tiếp theo.

 

Trên cơ sở các điều kiện sản xuất đặc thù, xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa với các hình thức cải tạo phù hợp điều kiện đất đai, có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, cụ thể: Các xã vùng 1 tập trung cải tạo vườn tạp để có sản phẩm đặc thù và gắn với địa phương như các loại cây ăn quả: nhãn, na, chuối, bưởi, ổi, táo… Các xã vùng 2 và vùng 3 tập trung cải tạo vườn tạp các sản phẩm chủ yếu: cây dược liệu, cây công nghiệp dài ngày, gia vị,  rau an toàn và các loại cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Đề án 151.215 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và lồng ghép các chương trình, dự án dự kiến 19.515 triệu đồng; doanh nghiệp và hộ dân tham gia 131.700 triệu đồng cho các nội dung: tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai thực hiện đề án; đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình điểm, tổ chức thăm quan học tập; xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Khi đề án được triển khai thực hiện sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn, xây dựng NTM. Đến năm 2020, diện tích cây ăn quả đạt 2.000 ha, năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng thêm từ 10-20%, sản lượng quả sản xuất ước đạt 25.000 tấn. Đóng góp vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp từ 2- 3%. Theo tính toán, 1 ha cây ăn quả tạo việc làm cho khoảng 40 - 45 người. Các mô hình điểm trình diễn sẽ là hạt nhân mở rộng, là nơi để các hộ nông dân đến thăm quan học tập, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao trở thành một trong những ngành sản xuất chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt. Ngoài ra, phát triển các vùng cây ăn quả góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

 

                                                                                    Đinh Thắng

 

    

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục