(HBĐT) - Cách đây 10 năm, người ta nhắc đến Kim Bôi như địa phương khởi đầu, tiên phong của tỉnh thực hiện dồn điền, đổi thửa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc triển khai phần nào vẫn mang tính tự phát, chưa đồng bộ, rộng khắp để vươn tới đích đến phong trào.

 

100% cánh đồng đã dồn điền, đổi thửa, nông dân xóm Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) trồng lặc lày theo phương pháp an toàn, cho giá trị kinh tế cao.

 

Vĩnh Đồng - đơn vị mở màn cho việc dồn điền, đổi thửa của huyện Kim Bôi kể từ năm 2007. Nhắc đến thành công này, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Hùng cho rằng: Trước hết là những đổi mới về quan điểm, nhận thức trong cán bộ, đảng viên đối với công tác dồn điền đổi thửa. Tiếp nữa là cách làm uyển chuyển, hợp lý, phân loại đất tốt - xấu, bốc thăm đảm bảo công bằng. Từ đó mới nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân.  

Vĩnh Đồng có ruộng đồng tương đối bằng phẳng, thuận lợi. Từ sau dồn điền, đổi thửa, diện mạo nông nghiệp, nông thôn nơi đây có những bước tiến rõ ràng. Cùng một diện tích nhưng thay vì manh mún, có nhà tới 13 - 14 thửa, nay thu lại còn 1 - 2 thửa. Trên cánh đồng “cò bay thẳng cánh”, nhiều mô hình, vùng cây hàng hóa được hình thành, sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa. Tiêu biểu là cánh đồng của xóm Chanh Cả, xóm Sống Trên… Cũng kể từ đó, người dân chủ động trong chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, hiệu quả kinh tế gấp 2, 3 lần so với trước đây. Ví như gia đình ông Đinh Công Dũng ở xóm Chiềng 3 với diện tích 4.000 m2 ruộng và đất trồng màu, gia đình ông trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị như củ đậu, lặc lày… cho bình quân thu nhập 80 triệu đồng/năm trong khi trước đây trồng lúa chỉ đạt 14 triệu đồng/năm. 

Tại xã Nam Thượng, xóm Bãi Xe được chọn làm điểm dồn điền, đổi thửa từ năm 2011. Đến nay, toàn xã có 5/6 xóm dồn, đổi xong với tổng diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện chiếm khoảng 80%. Ngoài xã Vĩnh Đồng đã thực hiện 100%, Nam Thượng thực hiện trên 80% diện tích, trên địa bàn huyện xuất hiện một vài điểm sáng khác trong dồn điền, đổi thửa là xã Sơn Thủy, Hợp Đồng làm điểm ở 1 xóm, tiến tới nhân rộng. Tuy nhiên, dồn điền, đổi thửa vẫn chưa trở thành phong trào, tạo hiệu ứng lan tỏa trên đồng đất các xã.  

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho rằng: Với những xã có đồng đất tự nhiên thuận lợi thì dồn điền, đổi thửa không khó triển khai, bởi đa phần người dân có đất nông nghiệp sẽ ủng hộ, đồng thuận với phương án dồn, đổi. Vấn đề đặt ra là trên địa bàn nhiều xã bất thuận về điều kiện đất đai, nhiều diện tích là ruộng bậc thang, có nơi đồng đất hạn hán liên miên, lại có chỗ diện tích lầy thụt, nông sâu khó canh tác nên nếu bàn đến dồn điền, đổi thửa sẽ bị vướng. Cụ thể những nơi trở ngại trong dồn, đổi đất nông nghiệp là Cuối Hạ, Tú Sơn, Hùng Tiến, Nật Sơn…  

Có một thực tế với những xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa gồm Vĩnh Đồng, Nam Thượng, Sơn Thủy, Hợp Đồng, việc dồn, đổi mang tính chất tự thỏa thuận. Các hộ thống nhất đổi với nhau, còn để lục lại hồ sơ xem có đúng quy trình, đảm bảo căn cứ pháp lý hay không thì chưa và cũng không thể hiện được trên sơ đồ hiện trạng. Đồng chí Bạch Công Ban, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho hay: Địa phương đang tiến hành đo lại tất cả các loại đất, trong đó có nhóm đất nông nghiệp. Phòng được UBND huyện giao nghiên cứu xây dựng đề án dồn điền, đổi thửa đang tích cực phối hợp với phòng NN & PTNT cùng các xã, thị trấn nhằm mau chóng ra được đề án này. Đồng thời, xây dựng chương trình thăm quan, học tập kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa thành công của huyện bạn.  

 Bày tỏ quan điểm về công tác dồn điền, đổi thửa, đồng chí Khương Minh Trung, Trưởng trạm KN - KL huyện tâm huyết: Khi dồn điền, đổi thửa, người nông dân ắt sẽ đổi mới tư duy sản xuất và khi đó thị trường hàng hóa vào. Tất nhiên, công tác dồn, đổi đất đai liên quan trực tiếp đến lợi ích của hộ dân mà để thành công đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết trình sao cho thấu đáo và tìm cho được cách làm phù hợp nhất để mở cho được “cánh cửa” lòng dân. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các đề án chuyên ngành giai đoạn 2016 – 2020 đang được huyện triển khai. Các xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương và thành lập Ban chỉ đạo.  

Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Dồn điền, đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là yêu cầu đổi mới nếp nghĩ, nếp làm trong sản xuất nông nghiệp nên dù khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm thực hiện bằng được. Đây cũng là cơ sở, điều kiện căn bản để hình thành những liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, liên kết chuỗi giá trị mà ở đó, ruộng đất không thể manh mún, lẻ tẻ, tư duy và phương thức sản xuất vẫn theo lối cũ. Chỉ có dồn điền, đổi thửa mới tháo được “nút thắt”, mở đường để tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thúc đẩy, nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất quy mô lớn, tập trung, góp phần cải thiện thu nhập và cuộc sống của nông dân. 

 

                                                                Bùi Minh

 

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục