(HBĐT) - LTS: Vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của tỉnh Hòa Bình đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2015 tụt 6 bậc. Đây là điều bất lợi cho tỉnh Hòa Bình trong việc kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nếu không có cơ chế, chính sách để cải thiện thì nguy cơ PCI năm 2017 của tỉnh rơi vào nhóm dưới trung bình là điều rất dễ xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang và lãnh đạo một số sở, ngành kiểm tra dự án đầu tư khu vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.  ảnh: p.v. 

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Hòa Bình cuộc phỏng vấn về  giải pháp khắc phục những yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó nhấn mạnh: Các sở, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của chỉ số PCI, nghiêm túc thực hiện Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 28/2/2017 của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hoà Bình năm 2017, định hướng đến năm 2020; xác định khung thời gian thực hiện gắn với cơ chế kiểm soát trách nhiệm trong việc triển các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh đến năm 2020, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có tính cạnh tranh, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.  

PV: Xin đồng chí cho biết ý kiến đánh giá về vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Văn Quang: Vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh ở mức thấp và không ổn định. Từ các năm 2011 đến năm 2015, tỉnh ta đứng lần lượt ở thứ hạng: 47, 41, 62, 44, 46. Năm 2016, tỉnh đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI, tụt 6 bậc so với năm 2015. Hòa Bình nằm trong 6 tỉnh thuộc nhóm trung bình và đứng thứ 7/14 tỉnh miền núi phía Bắc.  

Qua phân tích có thể thấy, điểm số PCI của tỉnh không thay đổi nhiều so với năm 2015 nhưng đại đa số các tỉnh, thành phố đều tăng điểm nên tỉnh ta bị “tụt hạng” vào năm 2016. Phần lớn các chỉ số thành phần của tỉnh đều thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nếu so với các tỉnh ở tốp đầu như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Lào Cai, Vĩnh Long thì điểm số của tỉnh còn cách rất xa, nhất là các chỉ số: Chi phí thời gian, chính sách đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý. 

Thông qua chỉ số PCI thường niên cho thấy, môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Thời gian doanh nghiệp làm các thủ tục để đi vào hoạt động còn kéo dài. Doanh nghiệp gặp khó khăn làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp cận các thông tin về kế hoạch, quy hoạch. Chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Từ chủ trương của lãnh đạo tỉnh đến việc thực hiện của các sở, ngành và chính quyền cơ sở vẫn còn khoảng cách xa.  Nếu không có giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng các chỉ số PCI thành phần, cải thiện các chỉ số PCI yếu kém thì nguy cơ PCI năm 2017 tỉnh ta rơi vào nhóm dưới trung bình hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu chỉ số PCI của tỉnh luôn ở mức thấp và không cải thiện thì mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 phấn đấu kinh tế của tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020 sẽ rất khó khăn.  

PV: Thưa đồng chí, có thể thấy vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm?

Đồng chí Nguyễn Văn Quang: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp đánh giá được khảo sát từ các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nêu lên sự cảm nhận về chất lượng điều hành nền kinh tế của chính quyền địa phương. Mặc dù chỉ số PCI là một trong những kênh thông tin dùng để tham khảo, nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh về môi trường kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI. Đúng là có việc nhận thức về chỉ số PCI ở một số cơ quan, đơn vị, chính quyền và kể cả doanh nghiệp vẫn còn chưa đầy đủ cũng chính là nguyên nhân làm giảm hiệu quả tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan QLNN trong việc hỗ trợ, giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua.  

Như vậy, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trước hết chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, thấu đáo về tầm quan trọng của chỉ số PCI là thước đo đánh giá năng lực, hiệu quả điều hành kinh tế của chính quyền, cả hệ thống chính trị và cũng là chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đối với cơ quan Nhà nước các cấp. Việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh phải là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của lãnh đạo tỉnh, nhất là các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện chất lượng điều hành, xây dựng cơ chế đối thoại tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận với các cơ chế, chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh lành mạnh và bền vững.  

PV: Xin đồng chí cho biết những việc làm cụ thể của tỉnh đang triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh?  

Đồng chí Nguyễn Văn Quang: UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đang chỉ đạo các thành viên BCĐ PCI, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 28/2/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2017, định hướng đến năm 2020. Kế hoạch đưa ra những chỉ tiêu chủ yếu của năm 2017 như: Thời gian giải quyết thủ tục đầu tư rút ngắn 30% so với quy định. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 5 ngày làm việc. Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong ngày, trường hợp phức tạp không quá 2 ngày; triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng và trả kết quả qua đơn vị dịch vụ đạt tiêu chuẩn dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4. Thẩm định thiết kế cơ sở dự án nhóm A không quá 25 ngày, dự án nhóm B không quá 15 ngày và dự án nhóm C không quá 10 ngày. Cấp mới giấy phép xây dựng công trình không quá 20 ngày, trường hợp gia hạn hoặc cấp lại không quá 3 ngày. Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của pháp luật. Hỗ trợ hạ tầng điện, nước đến chân hàng rào đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Giảm, kết hợp thanh tra, kiểm tra nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp. 

Đến năm 2020 tiếp tục cải thiện thứ bậc chỉ số PCI của tỉnh, thời gian khởi sự kinh doanh thuộc nhóm các tỉnh khá, nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu trong khu vực miền núi, trung du Bắc bộ. Thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan được rút ngắn ít nhất 40% so với thời gian quy định của pháp luật; thời gian tiếp cận điện năng dưới 33 ngày, thời gian nộp thuế dưới 110 giờ/năm, thời gian nộp BHXH 50 giờ/năm, thời gian thông quan 40 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 45 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu, tiếp cận tín dụng thuộc nhóm tỉnh khá.  

Trên cơ sở kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ PCI, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đến năm 2020. Tập trung khắc phục những chỉ số yếu kém như: hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, hỗ trợ pháp lý; nâng cao thứ hạng các chỉ số còn thấp như tiếp cận đất đai, hỗ trợ đào tạo lao động, chi phí không chính thức, tiếp tục nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần khác, từng bước cải thiện và nâng cao thứ bậc chỉ số PCI của tỉnh.  

UBND tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng cơ chế giám sát thực hiện các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Quan điểm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm soát trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn yếu, thực hiện thêm giải pháp luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm để hạn chế bớt hiện tượng nhũng nhiễu doanh nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, tạo đột phá trong cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo sức hút mạnh trong đầu tư và phát triển doanh nghiệp; phấn đấu cải thiện, từng bước nâng năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

 

                                                 Lê Chung (TH)

 

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục