Năm nay, người trồng vải thiều ở khu Hà Đông, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương sớm được mùa, được giá, thu nhập tăng gấp đôi so với mùa vải năm trước và xác lập "kỷ lục” về doanh thu.


Một điểm thu mua vải thiều ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Những ngày đầu tháng 6, dọc theo tỉnh lộ 390 từ huyện lỵ Thanh Hà chạy về khu Hà Đông gồm các xã Trường Thành, Vĩnh Lập, Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Hợp Đức, người và các phương tiện từ xe thồ, xe máy, ô-tô con cho đến xe tải trọng tải lớn chạy đan xen, qua lại như mắc cửi, nhất là ở những điểm thu mua nông sản… Tất cả là để phục vụ một mùa vải bội thu.

Chị Lê Thị Thơ, chủ một điểm thu gom vải bên đường 390 cho biết: Tôi thu gom vải cho nông dân đã hơn 20 ngày, mỗi ngày nhập từ 12 đến 25 tấn. Khoảng 10 ngày đầu vụ, giá vải quả đạt từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg, có lô vải ngon được thương lái trả tới 60 nghìn đồng/kg. Năm nay các thương lái Trung Quốc đến thu mua rất nhiều. Các doanh nghiệp trong nước cũng "bắt tay” nhau mở điểm thu gom. Huyện thiết lập giá sàn (không được thu mua với giá dưới 12.000 đồng), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương nhân hoạt động cho nên sự cạnh tranh thu mua vải quả khá lành mạnh, từ đầu vụ chưa xảy ra tình trạng tư thương ép giá.

Điểm giao dịch của chị Thơ chuyên gom hàng cho các thương lái Trung Quốc và hưởng "hoa hồng”. Chị Thơ chỉ có nhiệm vụ nhìn cân, ghi phiếu, mọi việc còn lại là của thương lái. Qua quan sát, chúng tôi thấy đối với mỗi lô vải mà người trồng mang đến, thương lái Trung Quốc nhìn hàng, ra giá rất nhanh. Nếu giá ưng ý, nông dân đưa hàng lên cân, nhận phiếu rồi ra về. Nếu không đồng ý giá thương lái đưa ra, lô vải đó sẽ được mang sang điểm thu gom khác. Ông Fang Binxing, thương lái Trung Quốc cho biết, ông thích buôn vải sớm Thanh Hà không phải bởi hình thức, mẫu mã quả vải, mà là ở chất lượng, hương vị, độ giòn của cùi vải. Vì vậy giá vải ở Thanh Hà cao hơn vải nơi khác chút ít, ông vẫn thích mua.

Ông Phạm Văn Tuấn, chủ một điểm giao dịch nói: "Chưa năm nào vải chín đều, ngon ngọt, mẫu mã đẹp như năm nay. Mọi giao dịch đều diễn ra nhanh chóng thuận lợi, đúng kiểu thuận mua, vừa bán. Hiện tại, giá vải quả đang giao dịch ở mức 30 nghìn đến 35 nghìn đồng/kg. Người trồng mang ra đến đâu, thương lái thu mua hết đến đấy".

Chúng tôi vào vùng vải thiều ở xã Thanh Bính, nơi toàn bộ 216 ha được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2016. Mặc dù đã gần 11 giờ trưa, trời nắng chang chang nhưng các gia đình vẫn khẩn trương thu hoạch, bởi vải quả ngoài chợ đang rất được giá. Trong sân vườn nhà ông Vũ Văn Mùi, cả ba thế hệ đang hối hả bẻ cành, buộc túm chừng năm tạ vải. Gia đình ông Mùi có hai mẫu vải. Nhờ chương trình VietGAP, năm nay gia đình thắng lớn, doanh thu có khả năng đạt 400 triệu đồng.

Bà Lê Thị Anh ở thôn Hạ Vĩnh (Thanh Bính) bộc bạch: Chưa năm nào người nông dân trồng vải ở xã chúng tôi sướng như năm nay. Năm ngoái, lần đầu áp dụng quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị vải quả đã cao hơn hẳn những năm trước, còn năm nay thì quả vải đẹp "thôi rồi”. Với gần một mẫu vải, năng suất gần một tấn quả/sào, gia đình bà Anh thu gần 200 triệu đồng.

Không chỉ người trồng vải được mùa, hàng loạt dịch vụ "ăn theo” mùa vải cũng vui lây. Những người làm nghề xe ôm có doanh thu cao gấp ba đến bốn lần so với ngày thường. Các dịch vụ vận tải, dịch vụ kinh doanh thùng xốp, nước đá, ăn uống cũng trở nên sôi động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Ngô Đức Vính xác nhận: "Huyện Thanh Hà có gần 4.000 ha vải thiều. Đây là mùa vải thiều có doanh thu cao "kỷ lục”. Toàn huyện có khoảng 1.300 ha vải sớm, năng suất vụ này cao hơn năm trước (cũng là năm được mùa) tới 40%; tổng sản lượng vải sớm ước đạt hơn 18 nghìn tấn, tăng so với năm 2016 hơn 5.000 tấn. Giá bán từ đầu vụ tới nay là 30 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg, quả thật là cái giá ngoài mong đợi. Nếu tính bình quân cả vụ, giá bán đạt 35 nghìn đồng/kg thì trà vải sớm cho doanh thu 600 đến 650 tỷ đồng, gấp đôi vụ vải sớm năm trước".

Tuy nhiên người trồng vải thiều chính vụ ở một số xã khu vực Hà Nam, huyện Thanh Hà, nhất là ở xã Thanh Xá, khá buồn, bởi năm nay thời tiết nóng ấm không phù hợp cho cây vải chính vụ ra hoa, kết trái cho nên sản lượng chỉ cao hơn 20% so với năm trước. Người dân hy vọng quả vải sẽ giữ giá và đạt giá cao như vải thiều đầu vụ.

  

                                                       TheoNhandan

Các tin khác


Sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 9,21 nghìn tấn

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao, hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành.

Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương đã được tính đúng, tính đủ, bảo đảm mục tiêu

(HBĐT) - Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 3619/LĐTBXH-VP, ngày 31/8/2023 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tập trung giải ngân các dự án, công trình nguồn vốn đầu tư công

(HBĐT) - Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2023 của tỉnh dự kiến đến hết tháng 9 mới đạt 20% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp so với bình quân cả nước (cả nước 39%). UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, sở, ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn ĐTC được giao.

Tạo đà cho thanh niên Mai Châu khởi nghiệp

(HBĐT) - Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; đứng ra nhận ủy thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chủ động, xung kích trong phát triển kinh tế. Đó là những việc làm thiết thực đã, đang được các cấp bộ Đoàn huyện Mai Châu triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Sản xuất an toàn - nâng cao giá trị na Đồng Tâm

(HBĐT) - Chúng tôi đến thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), trên khắp các sườn, đồi nông dân tất bật thu hái na chính vụ. Những cây na trĩu quả khiến ai nấy cũng phấn khởi, bởi tuy năm nay nắng nóng kéo dài, quả na không được đẹp mã như mọi năm song bán vẫn được giá.

Vùng cao Đà Bắc nuôi lợn bản địa, cải thiện thu nhập

(HBĐT) - Những năm trở lại đây, chăn nuôi lợn bản địa được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc chú trọng. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục