(HBĐT) - Trong những năm qua, diện tích trồng rau hữu cơ ở xã Hợp Hòa (Lương Sơn) được mở rộng, góp phần không nhỏ đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ thành công của các mô hình trồng rau hữu cơ, người sản xuất kỳ vọng mở hướng làm giàu.


Là một trong những mô hình sản xuất nông sản kiểu mới thành công, xã Hợp Hòa đã tạo ra các sản phẩm rau an toàn, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân ổn định đời sống, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là kết quả của dự án ADDA (Đan Mạch) với trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ và Chi Cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh. Cùng với huyện Lương Sơn, dự án đã phối hợp triển khai ban đầu tại xóm Trại Hòa (xã Hợp Hòa) từ năm 2008. Sau đó mô hình được nhân rộng ra các xóm Đầm Đa 1, Đầm Đa 2… Là loại rau "siêu sạch”, rau hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bằng hóa chất. Tất cả các loại rau, quả như bầu, bí, mướp đắng, cà chua, mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau muống, cà rốt... được tưới nước giếng khoan, bón phân chuồng ủ hoai mục; các loại lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp cũng được ngâm ủ để làm phân, vỏ trấu được đốt thành than để bón cho rau. Sâu được bắt thủ công bằng tay, dùng đèn nhử bướm và phun thuốc thảo dược được làm từ ớt cay, gừng, tỏi xay nhuyễn ngâm với rượu. Ngoài ra, người dân còn sử dụng biện pháp thiên địch sinh học bằng cách trồng các loại hoa hướng dương, cúc… nhằm thu hút các loài ong, bọ rùa để diệt trừ sâu hại.


Rau hữu cơ được người dân xóm Trại Hòa, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) chăm sóc thủ công, không sử dụng chế phẩm hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, để rau hữu cơ phát triển tốt, cho năng suất cao cần đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về giống, phân bón và nguồn nước. Toàn bộ nguồn giống rau phải do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh cung cấp. Loại phân bón duy nhất được sử dụng là phân chuồng ủ hoai mục từ 3 - 6 tháng. Nguồn nước tưới lấy bởi 2 nguồn chính là nước dẫn từ suối xuống ruộng hoặc nước bơm từ giếng khoan đã được kiểm định chất lượng nước. Người nông dân trải qua khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức. Kết thúc khóa học, chỉ những người được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện tham gia vào mô hình. Bên cạnh đó, các hộ nông dân có đất canh tác phải làm cam kết thực hiện dự án lâu dài. Từ đó, mô hình rau hữu cơ đã được bà con nhân rộng, cho thu nhập cao và ổn định hơn so với các loại cây truyền thống như ngô, sắn... Các thành viên của dự án trồng rau hữu cơ đã kết nối được nhiều doanh nghiệp thu mua rau hữu cơ đưa về thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Bà Bùi Thị Thoa, xóm Trại Hòa, hội viên HTX cho biết: "Tôi tham gia HTX trồng rau hữu cơ từ khi có dự án. Qua thời gian trồng, tôi thấy rau phát triển tốt, cho năng suất cũng khá. Tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng nên chi phí thấp. Hàng ngày, tôi bắt sâu cho rau, trồng hoa để dẫn dụ thiên địch và phun hỗn hợp thuốc thảo dược theo đúng hướng dẫn nên sâu bệnh ít xảy ra. Nhờ không sử dụng phân, thuốc hóa học nên sức khỏe không bị ảnh hưởng khi chăm sóc rau. Trước kia chỉ trông vào cây ngô, sắn nên thu nhập thấp, mỗi tháng từ 600.000 - 1 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, bình quân mỗi tháng thu nhập 6 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng”.

Đồng chí Đinh Công Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa nhận định: "Mô hình sản xuất rau hữu cơ ở xã là mô hình có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn của người tiêu dùng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người mà còn khẳng định hướng đi đúng của nông dân trong việc phát triển nông nghiệp bền vững”.


                                                                                             Hoàng Anh

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục