Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT), tính đến hết năm 2017, cả nước có 11.688 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 30 liên hiệp HTX. Trong đó, có 3.881 HTX nông nghiệp được thành lập mới. Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh nhưng số HTX hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động phải giải thể theo Luật HTX cũng rất cao. Điều đó cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác điều hành và phát triển nguồn nhân lực HTX nông nghiệp hiện nay.


Vườn ươm cây giống của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, thôn Nà Tho, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang). Ảnh: YẾN VŨ

Mạnh tay với HTX yếu kém

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ năm 2013 đến hết năm 2017 có 2.366 HTX nông nghiệp đã giải thể, hoặc buộc phải sáp nhập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 795 HTX nông nghiệp trên cả nước đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể. Nguyên nhân chính của các HTX kém hiệu quả là trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX rất hạn chế (có khoảng 60% số cán bộ HTX nông nghiệp chưa học hết THPT), dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các HTX gặp nhiều khó khăn. Trong đó, HTX hoạt động tổng hợp chiếm hơn 63%, HTX chuyên ngành lĩnh vực trồng trọt chiếm hơn 22%, còn lại là các lĩnh vực khác. Điều đáng nói là hầu hết các HTX nêu trên chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào, chưa thay đổi phương thức sản xuất, quản lý tài chính không khoa học, dẫn đến làm ăn thua lỗ, thu nhập của các thành viên HTX không cao, không tạo được sự tin tưởng cho các thành viên HTX cũng như nhà đầu tư.

Theo Liên minh HTX, trong ba năm trở lại đây, cả nước chỉ có 1,7% tổng số HTX được vay vốn sản xuất; 2% số HTX được giải quyết về đất đai, cơ sở hạ tầng. Trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, cả nước có tới hơn 20 nghìn HTX, được ngân sách Trung ương, địa phương hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng, dẫn đến sự bị động, kém hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Kết quả, nhiều HTX buộc phải ngừng hoạt động, đi đến giải thể hoặc chờ thủ tục xin giải thể do nợ vốn đầu tư, xây dựng cơ bản.

Hiện, cả nước vẫn còn khoảng 20 địa phương chưa tiến hành giải thể được các HTX kém hiệu quả, do công tác đối chiếu xác định công nợ chậm trễ và thiếu sự hợp tác của đối tượng nợ, cho nên số nợ phải thu, nợ được miễn, giảm khá phức tạp việc giải quyết còn lúng túng. Do đó, Bộ NN và PTNT cần giải thể nhanh các HTX yếu kém, nhằm lành mạnh hóa các HTX.

Đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao

Trước những bất cập đặt ra với các HTX hiện nay, Bộ NN và PTNT cho rằng, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, nhất là sớm rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn dưới luật, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ HTX, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Nhà nước về phát triển HTX nông nghiệp và kiểm toán hoạt động của các HTX nhằm thực hiện đầy đủ các quy định và tính minh bạch trong hoạt động của HTX. Đồng thời nhanh chóng thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ về các HTX, bằng việc vận dụng linh hoạt nguồn kinh phí hỗ trợ được quy định trong thông tư 340 của Bộ Tài chính (dành một phần kinh phí trong xây dựng nông thôn mới để đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX).

Hiện, một số địa phương như: Tiền Giang, Trà Vinh, Nam Định… đã có kế hoạch triển khai mô hình đưa cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhất để các HTX nông nghiệp có thể bổ sung cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản.

Nói về dự án đưa trí thức trẻ đầu quân cho các HTX nông nghiệp, Thứ trưởng NN và PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, vừa giúp HTX có cán bộ có trình độ lại giúp cho các cử nhân có công việc phù hợp phát huy được những kiến thức đã học. Đồng thời cũng là một chương trình khởi nghiệp cho các bạn trẻ có thể phát huy khả năng và kiến thức đã học vào thực tiễn.

Trên thực tế, thời gian gần đây đã có nhiều HTX ăn nên, làm ra nhờ sự quan tâm thu hút và phát triển đội ngũ quản lý, cán bộ có chuyên môn giỏi được đào tạo bài bản từ các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành. HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth là một trong những thí dụ điển hình về sự nhanh nhạy này. Hiện, HTX đang có hơn 20 cán bộ có trình độ đại học tốt nghiệp các chuyên ngành như: Thú y, chăn nuôi, trồng trọt, quản lý kinh tế… đang phát huy năng lực tốt trong hỗ trợ xã viên chăn nuôi bò, quản lý chất lượng sữa, phối trộn thức ăn… với mức lương bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/ người/ tháng.

HTX cà-phê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng đã thành công khi quyết định đầu tư cho con em xã viên đi học đại học, khi tốt nghiệp sẽ tiếp nhận làm việc và có cơ chế thu hút tuyển dụng cán bộ có trình độ cao vào làm tại HTX. Chính vì có nguồn nhân lực chất lượng cao, HTX đã mạnh dạn đẩy mạnh kinh doanh cung cấp dịch vụ phân bón ứng trước và tiêu thụ sản phẩm, tư vấn kỹ thuật và bảo hành năng suất cà-phê cho các thành viên HTX và bà con nông dân. Nhờ đó mà người dân tin tưởng ký hợp đồng mua phân bón của HTX ngày càng lớn, giúp cho doanh thu từ phân bón và tư vấn kỹ thuật năm 2017 của HTX khoảng 20 tỷ đồng.

Từ sự thành công của HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth đến HTX cà-phê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, bước đầu đã và đang cho thấy mô hình đưa cử nhân về làm cán bộ HTX là một hướng đi đúng. Nếu làm tốt, tin rằng đây sẽ là xung lực để Bộ NN và PTNT giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX nông nghiệp hiện nay.

 


                                                                                           Theo Nhandan

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục