(HBĐT) - "Đời sống của bà con người Mông đổi thay nhiều lắm. Đường đi rộng rãi, bằng phẳng. Điện lưới kéo đến từng nhà. Các hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hàng hóa, nhu yếu phẩm đa dạng, sẵn có. Không chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây lúa, giờ thì nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao đã được đưa về trồng để cải tạo vườn tạp. Có những hộ biết đầu tư làm du lịch cộng đồng, tạo thêm bức tranh sinh động cho bản làng. Giấc mơ nông thôn đổi mới của dân bản từ mươi, mười lăm năm về trước đang dần hiện hữu trên bản Mông". Chia sẻ của Giàng A Lứ, xóm Pà Khôm, xã Hang Kia (Mai Châu) càng giúp chúng tôi hiểu thêm về giá trị của một chương trình hợp ý Đảng, lòng dân.


Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 112 xã đạt tiêu chí về giao thông. Ảnh chụp tại xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Yên Mông (TP Hòa Bình).

Tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với điểm xuất phát của các xã thấp. Tại thời điểm đánh giá năm 2011, toàn tỉnh mới đạt bình quân 4,4 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân 8,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 31,51%. Từ thực tế này, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thực hiện chương trình trên địa bàn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cư dân khu vực nông thôn tích cực vào cuộc thực hiện chương trình, nhất là hưởng ứng phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức XDNTM" bằng những việc làm thiết thực, phù hợp thực tế. Qua đó, chương trình đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, vai trò chủ thể của người dân được khơi dậy, phát huy, là yếu tố nòng cốt góp phần vào sự thành công của chương trình.

Ở xã Nam Thượng (Kim Bôi) nhiều người biết đến hộ ông Bùi Văn Quyết, thôn Nước Ruộng là điển hình tiên tiến đóng góp đất đai, tài sản giúp xã có công trình. Trong khi "tấc đất, tấc vàng" thì gia đình ông đã gạt bỏ lợi ích cá nhân, tự nguyện hiến 149,5 m2 đất thổ cư, 1.600 m2 đất rừng, 9 m tường rào và nhiều cây ăn quả lâu năm giúp xã làm công trình điện, đường GTNT. Từ việc làm ý nghĩa của gia đình ông đã góp sức giúp xã Nam Thượng sớm về đích NTM và đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong năm 2020.

Từ phong trào thi đua XDNTM đã nở rộ vườn hoa việc tốt trong việc đóng góp công sức, tiền của thực hiện chương trình. Đó là tấm gương ông Quách Văn Khón, xóm Mương, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) hiến 1.200 m2 đất thổ cư để làm đường GTNT. Ông Triệu Văn Báo, xóm Đồng Chụa, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) hiến hơn 3.000 m2 đất thổ cư, đất sản xuất, giúp xã làm đường giao thông. Gia đình ông Nguyễn Duy Lành, thôn Chùa Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) với mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp, doanh thu từ 8 - 10 tỷ đồng/năm, qua đó giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và tích cực đóng góp cho cộng đồng...

Minh chứng thuyết phục cho nhận định vai trò chủ thể của người dân được phát huy là trong giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh đã huy động Nhân dân đóng góp gần 2.470 tỷ đồng XDNTM, trong đó, đóng góp bằng tiền trên 109 tỷ đồng; huy động trên 2,4 triệu ngày công lao động; Nhân dân đã hiến khoảng 979.302 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc... quy đổi bằng tiền trên 2.306 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn khác 52,36 tỷ đồng.

XDNTM có nội dung toàn diện trên các lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Để đạt được những kết quả thiết thực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp... thực hiện thi đua ái quốc; đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Lồng ghép các chương trình, dự án vào thực hiện từng tiêu chí, nhất là những tiêu chí khó về hạ tầng KT - XH, tổ chức sản xuất... Bên cạnh đó, từ những cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và đề xuất những chính sách XDNTM phù hợp, trong tỉnh đã phát triển nhiều ngành nghề, sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, như: nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình; trồng mía tím nuôi cấy mô tại xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn); sản phẩm cam sạch huyện Cao Phong; mô hình phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc...

Thực tiễn cho thấy, từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Chương trình MTQG XDNTM ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ về đích trước 1 - 2 năm. Niềm vui NTM trải rộng khắp các vùng, miền trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 88/191 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46% (sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, toàn tỉnh có 53/131 xã đạt chuẩn); bình quân đạt 15,1 tiêu chí/xã. TP Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; huyện Lương Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện Lạc Thủy phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2020.


 Bình Giang


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục