(HBĐT) - Sau mấy chục năm vén nhà theo con nước hy sinh ruộng vườn, nhà cửa, bãi bồi màu mỡ, đến nay, cuộc sống người dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình vẫn chưa ổn định và luôn đối mặt với thiên tai.

 


Mực nước hồ xuống thấp ở xã Tiền Phong (Đà Bắc).

Cách đây vài năm, mưa lũ, trượt sạt, lũ ống, lũ quét đã lấy đi của Đà Bắc những nỗ lực biết bao năm vun trồng. Hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế bị thiệt hại nặng nề. Mưa lũ san phẳng tất cả. Như nhiều người nói, hạ tầng, đời sống người dân huyện vùng cao Đà Bắc trở về con số  0 và gần như phải làm lại từ đầu. Người ta vẫn nhớ, đợt mưa lũ năm 2017 - 2018, đường 433 đi các xã vùng cao, đường giao thông liên xã bị trượt sạt, khối lượng đất, đá lớn chưa từng có, mãi sau này mới khắc phục bước 1 để bảo đảm giao thông. Suối Nánh trở thành suối dữ, đất đá bồi lấp tới cả chục mét, nhiều khu vực bị san thành mặt bằng. Đường sá bong bật, đứt gãy, ngầm tràn bị đánh vỡ và cả người bị cuốn trôi...

Sau mưa lũ, xuất hiện trăm điểm nguy cơ trượt sạt lớn, nhỏ, đe dọa tính mạng người dân. Chính quyền đã phải di dời người dân khẩn cấp. Tiếp đến, biết bao nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, khôi phục sản xuất, bố trí tái định cư để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định hơn. Song, sinh kế của người dân còn rất khó khăn.

Cuộc sống, sản xuất của người dân vốn dĩ đã bất trắc. Thì mới đây, lại tiếp tục hứng chịu hậu quả nước hồ thủy điện xuống thấp kỷ lục, lại lấy đi của người dân vùng hồ những gì đã chắt chiu, dành dụm đầu tư cho sản xuất, nuôi cá lồng bè - hướng phát triển kinh tế được xem là khả dĩ nhất ở vùng hồ thủy điện.  

Cả tháng nay, nước sông Đà cứ xuống thấp mãi và như người dân nói, chưa bao giờ mức nước xuống thấp và lâu đến vậy. Lòng hồ mênh mang, xanh ngắt thường thấy đã mất dạng. Nắng nóng thiêu đốt kéo dài cả tháng trời, nước hồ thì cứ rút, nhiều khu vực hồ cạn trơ đáy, chỉ còn những eo nước nhỏ khô quắt, hằn như thớ đất nứt nẻ, những lồng bè cá cứ co cụm dần. Người dân thấp thỏm, như muối xát lòng, lo lắng nhìn nước đỏ phù sa từ thượng nguồn loang dài đến đâu, cá sặc bùn, lờ đờ, ngoắc ngoải, chết sặc đến đó. Người thì héo hon, cạn kiệt, thẫn thờ, xót xa nhìn cá chết trắng hồ thủy điện. Theo những người nuôi cá, cứ 5 năm sông Đà lại có một mùa nước cạn và có hiện tượng cá chết nhiều, song những lần nước cạn trước chỉ vài ngày rồi nước lại lên, lần này, nước cạn lâu, nắng nóng, cá thiếu oxy nên chết quá nhiều.

Tính ra đợt nước cạn và đục lần này đã khiến hầu hết các xã vùng hồ thủy điện bị thiệt hại cá chết. Riêng huyện Đà Bắc - vùng trọng điểm nuôi cá lồng bè của tỉnh, theo thống kê đến trung tuần tháng 7, ngoại trừ Hiền Lương và Vầy Nưa, các xã ven hồ đều có hiện tượng cá chết do sặc bùn, nắng nóng, nước cạn kiệt với khoảng 30 tấn. Hộ nuôi cá liêu xiêu, nhiều hộ trắng tay, biết bao tiền của, mồ hôi, công sức, dự định tan thành mây khói, cuộc sống chìm trong khó khăn. Bán cũng khó, khách du lịch cũng không có, bà con giúp nhau mua cá cũng không được nhiều. Biết bao hộ dân ven hồ thủy điện trông đợi vào nuôi cá bán lấy tiền trang trải cuộc sống, cho con cháu học hành thì nay, ước mơ như dang dở.

Chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã có những hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá nhưng chỉ được một phần rất nhỏ. Toàn huyện Đà Bắc có 1.909 lồng cá, nhưng hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện còn rất hạn chế, chủ yếu là tiêu thụ qua tư thương, giá bán không cao và phập phù. 

Từ vụ cá chết lần này tiếp tục cho thấy cuộc sống người dân vùng hồ luôn thường trực nguy cơ bấp bênh, nhiều rủi ro trong sản xuất, đời sống, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài, cải thiện sinh kế bền vững. Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi cho biết: Huyện đã kiến nghị với tỉnh có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân để khắc phục thiệt hại cá chết; hỗ trợ giãn, hoãn nợ cho các hộ nuôi cá bị thiệt hại. Đề xuất các ngành chức năng kiến nghị với Công ty thủy điện Hòa Bình, Sơn La có kế hoạch phát điện, xả nước để thông báo cho chính quyền, người dân có phương án sản xuất, chăn nuôi cá. Huyện cũng tính phương án chỉ đạo, định hướng người dân điều chỉnh mùa nuôi cá sớm hơn, chẳng hạn như chuẩn bị nguồn cá giống to hơn để nuôi đến khi mùa kiệt có thể xuất bán, giảm bớt thiệt hại. Đây cũng là giải pháp khả thi nhất hiện nay, vì kể cả thủy điện báo trước 15 ngày kế hoạch xả lũ, phát điện, người nuôi cá cũng không thể xử lý khắc phục tình trạng cá chết do sặc bùn, nước. Bên cạnh đó cũng phải tăng cường liên kết với doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất an toàn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi cá vùng hồ thủy điện.
 
L.C
 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục