(HBĐT) - Tại huyện Lương Sơn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã linh động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức… Qua đó, HTX không chỉ duy trì ổn định sản xuất mà còn nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới.


Người lao động tại HTX Cao Sơn Xanh, xã Cao Sơn (Lương Sơn) nghiêm túc thực hiện khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Từ 18h ngày 27/7, huyện Lương Sơn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCD, đồng thời nhằm giảm thiểu tác động xấu của tình hình dịch bệnh đến sản xuất, kinh doanh, các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, chủ động xây dựng phương án thích nghi để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngay từ đầu năm, HTX Cao Sơn Xanh (xã Cao Sơn) đã sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn sản xuất. Với mô hình nuôi bò 3B quy mô hơn 100 con, toàn diện tích chăn nuôi của HTX rộng hơn 6 ha được bảo vệ nghiêm ngặt. Anh Hà Ngọc Hòa chia sẻ: Khu vực chăn nuôi của HTX cách xa khu dân cư nên rất ít người qua lại. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác PCD Covid-19, HTX không cho người ngoài ra, vào khu vực trang trại. 3 lao động thường xuyên của HTX cũng không được ra ngoài và được bố trí đầy đủ chỗ nghỉ ngơi, thực phẩm thiết yếu được lãnh đạo HTX cung cấp. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang khi làm việc. Các nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cho HTX phải có giấy test nhanh Covid-19 mới được vào HTX. Ngoài ra, khoảng 2 - 3 ngày chúng tôi phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trang trại để PCD. 

 Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, để đảm bảo an toàn, HTX nông nghiệp Hòa Bình (xã Thanh Sơn) đã đóng cửa hàng bán thịt dê tại khu Đồi Sim. Cửa hàng khai trương khoảng 4 tháng trước. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 60 kg thịt dê, giá bán 180.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ thịt dê của HTX tại Hà Nội  tạm dừng. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Bình, mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm thịt dê gặp khó khăn nhưng HTX quyết tâm duy trì tổng đàn dê trên 800 con, giữ vững chuỗi liên kết với Nhân dân vì hiện tại nhu cầu tiêu thụ thịt dê của thị trường vẫn cao. Nếu không đảm bảo chuỗi liên kết thì sau khi  dịch Covid-19 ổn định, HTX sẽ không đủ nguồn hàng cung cấp cho các đơn vị đã ký hợp đồng. Bên cạnh đó, HTX tập trung sửa chữa chuồng trại, khu vực chăn thả dê; tăng cường quảng bá sản phẩm qua website, facebook, sàn thương mại điện tử tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch. 

 Theo thống kê, huyện Lương Sơn có 57 HTX cung ứng dịch vụ, với trên 600 thành viên và gần 500 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX từ 3 - 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Hoạt động của HTX tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, thành phần kinh tế tập thể đóng góp quan trọng thúc đẩy hoàn thành mục tiêu kép trong phát triển KT-XH của huyện. Đặc biệt, các HTX, THT nông nghiệp là nguồn cung thực phẩm tại chỗ quan trọng đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội của huyện. Đây cũng là cơ hội để các HTX xây dựng chiến lược kinh doanh, phân tích lại thế mạnh và thay đổi phương thức marketing bằng công nghệ số. Đồng thời, giúp đội ngũ lãnh đạo HTX phát huy năng lực tổ chức, quản lý, điều hành, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, kinh doanh. 


Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục