(HBĐT) - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hàng chục năm qua, tín dụng chính sách đã luôn đồng hành, trở thành động lực quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh từng bước vượt khó, có những bước tiến vững chắc trong hành trình xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ được vay vốn chính sách, gia đình chị Bùi Thị Hoa, xóm Kho, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) phát triển chăn nuôi, vượt lên đói nghèo.
Khoảng 15 năm trước, khi mới lập gia đình và tách hộ ra ở riêng, đời sống kinh tế của vợ chồng chị Bùi Thị Hoa, xóm Kho, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) gặp vô vàn khó khăn. Căn nhà sàn tạm bợ, trong nhà không có của cải vật chất gì đáng giá. Muốn chăn nuôi con gà, con lợn để cải thiện nhưng không có vốn nên vợ chồng chị đành bó tay. Chỉ đến năm 2006, được tạo điều kiện vay 7 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đời sống của gia đình chị Hoa mới dần bước sang một trang mới.
Chị Hoa kể, khi được vay 7 triệu đồng vốn chính sách, gia đình mua 3 con lợn giống về nuôi gây nái, số tiền còn lại dùng xây chuồng trại. Nhờ chịu khó, 3 con lợn phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt đã giúp kinh tế gia đình vơi dần khó khăn. Đến hạn trả nợ khoản vay cũng là lúc gia đình thoát diện hộ nghèo lên cận nghèo. Lúc này, NHCSXH tiếp tục cho gia đình chị Hoa vay thêm 20 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo. Số tiền này được dùng mua 2 con trâu giống. Vài năm trở lại đây, gia đình chị Hoa duy trì nuôi 40 lợn thịt, 2 con lợn nái, mỗi năm đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng. "Nhờ được vay vốn chính sách mà đến nay, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo. Hiện, gia đình đang trồng cỏ để nuôi trâu vỗ béo, duy trì nuôi thêm lợn nái, lợn thịt và ngan, vịt. Nhờ chăn nuôi kinh tế đã ổn định hơn, có tích lũy để trang trải, làm nhà mới cũng như trả nợ cho ngân hàng” - chị Hoa chia sẻ.
Chí Đạo là xã vùng sâu của huyện Lạc Sơn, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 40%. Đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh, vốn chính sách chính là một trong những động lực quan trọng nhất trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã. Những năm qua, nhờ được vay vốn chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi lợn, gà, trồng dổi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt trên 11 tỷ đồng, cho trên 500 hộ dân vay vốn. Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người rơi vào cảnh mất việc thì vốn chính sách được giải ngân kịp thời đã giúp người dân giảm bớt những khó khăn.
Không chỉ người dân ở xã Chí Đạo được hưởng lợi từ vốn chính sách, những năm qua, vốn chính sách đã thực sự trở thành "bà đỡ” của công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh. Trong 2 năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thế nhưng, NHCSXH tỉnh đã nỗ lực huy động nguồn vốn, kịp thời truyền tải vốn chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.531 tỷ đồng, với trên 123 nghìn khách hàng còn dư nợ. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay đạt trên 896 tỷ đồng, giúp trên 25 nghìn lượt khách hàng được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua tín dụng chính sách đã có gần 2.000 lao động được tạo việc làm; trên 12 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 19 căn nhà được xây dựng, 39 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, 31 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Nguồn vốn chính sách tiếp tục góp phần thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững, là động lực để đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như hạn chế tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.
Viết Đào
(HBĐT) - Năm 2022, toàn tỉnh có 720 lao động được tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 240% kế hoạch năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), kết quả đạt được chưa bền vững, số lượng lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài còn thấp so với trung bình cả nước. Đồng thời, công tác tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn gặp khó.
Tháo gỡ những nút thắt trong xuất khẩu lao động
Kể từ khi mở cửa từ đầu năm nay, Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường tỷ dân đầy tiềm năng của rau quả Việt Nam.
(HBĐT) - Ngày 16/3, UB MTTQ huyện Mai Châu tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Nhân dân xã Tân Thành, Sơn Thủy về thực hiện dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La). Dự hội nghị có đại diện MTTQ tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và hơn 300 hộ dân của 4 xóm thuộc xã Tân Thành, đại diện xã Sơn Thủy.
(HBĐT) - Ngày 17/3, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Thực hiện Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hòa Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhờ các chương trình hỗ trợ của Đề án 939 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ.
(HBĐT) - Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, tổng nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn đến cuối tháng 2/2023 của các tổ chức tín dụng đạt gần 40.600 tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm, trong đó, vốn huy động từ tổ chức và dân cư đạt khoảng 30.500 tỷ đồng, tăng 1,3%, huy động tiền gửi từ dân cư chiếm trên 72,5%/vốn huy động.