(HBĐT) - Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã, đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức. Đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD), người tiêu dùng.



Cán bộ Quản lý thị trường tỉnh kết hợp kiểm tra, phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho nhân viên cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Hoà Bình.

Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến SXKD chân chính và đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Hàng hoá do Việt Nam sản xuất đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, từng bước thay thế hàng hóa ngoại nhập, góp phần hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao nhận biết của người dân đối với hàng hoá để "mỗi người dân là người tiêu dùng thông thái”. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm về giá, nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm... Nhất là các vùng nông thôn, do điều kiện kinh tế khó khăn và nhận thức của người dân còn hạn chế đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bằng phương thức thương mại điện tử thông qua các website thương mại, ứng dụng thương mại điện tử nở rộ, có chiều hướng phức tạp.

Để cuộc chiến "làm sạch thị trường” thật sự có hiệu quả, việc đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của cả người SXKD và người tiêu dùng được quan tâm, chú trọng.

Từ quan điểm đó, thời gian qua, Cục QLTT đã xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch, chiến dịch tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong toàn ngành, từ thành phố đến nông thôn thông qua nhiều hình thức như: Qua phương tiện thông tin đại chúng; hội nghị tuyên truyền trực tiếp; ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; phát tờ gấp pháp luật... Thường xuyên cập nhật văn bản, chính sách pháp luật trên trang thông tin điện tử của Cục về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các văn bản có liên quan để triển khai đến toàn lực lượng thực hiện.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục QLTT đã đổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp với công tác kiểm tra, kiểm soát. Các phòng chuyên môn và các Đội QLTT đã cấp phát 10.000 tờ gấp pháp luật liên quan đến các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các tổ chức, cá nhân hoạt động SXKD, người tiêu dùng trên địa bàn các huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Bá Thức, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Trong 10 tháng năm 2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.493 vụ, xử lý 453 vụ, tổng số tiền phạt trên 1,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 563 triệu đồng. Để công tác QLTT đạt hiệu quả cao, ngoài kiểm tra, xử lý thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng được xem là yếu tố quan trọng, nhất là trong điều kiện quy mô thị trường của tỉnh liên tục phát triển, kèm với đó là nhịp độ tăng trưởng cung - cầu hàng hoá, dịch vụ tăng cao. Trong những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, tiếp tục gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong SXKD, an toàn thực phẩm, vi phạm về giá, gian lận thuế và các hành vi gian lận thương mại khác. Thời gian tới, Cục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thương mại đến các tổ chức, cá nhân hoạt động SXKD và người tiêu dùng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.


Đinh Thắng

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục