Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã chủ động thực hiện một số nhiệm vụ để đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh nhất và có hiệu quả.


Y tế cơ sở là một trong các trọng tâm hỗ trợ của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Y sĩ, bác sĩ Trạm Y tế xã Bằng Phúc, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn) cấp phát thuốc chữa bệnh cho người dân địa phương. Ảnh: TRẦN HẢI

Từ ngày 1/2, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa, dịch vụ đã được giảm 2% (còn 8%) nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ðối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Với thời gian áp dụng đến hết năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49.400 tỷ đồng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Ðình Ánh, giảm thuế VAT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, tác động tới cả người mua và người bán. Về phía người bán có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao, giúp hỗ trợ khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Còn đối với người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng lớn đến thu nhập, việc làm. Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT cũng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau đại dịch.

Như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã thông tin tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội; phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023. Trong đó, chính sách miễn, giảm thuế được thực hiện ngay trong năm 2022. Các gói hỗ trợ liên quan đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược... đòi hỏi có thời gian để hoàn tất các công tác chuẩn bị cho nên cần có sự điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa. Quan điểm của cơ quan soạn thảo là, tiền cho gói hỗ trợ là tiền thuế của dân nên phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất, chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ đúng nguyên tắc thị trường. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), quy mô gói hỗ trợ lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng nên cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều cho tất cả. Kinh tế được dự báo phục hồi theo hình chữ K, doanh nghiệp trong những lĩnh vực, ngành nghề hoạt động chưa tốt, chưa hiệu quả thì không được hỗ trợ hoặc nhận hỗ trợ ít. Nhưng nếu hoạt động của doanh nghiệp đó gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo thì sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách để kích thích tăng trưởng tốt hơn và có tính lan tỏa.


Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng được giảm lãi suất từ chương trình. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, Khu công nghiệp Châu Sơn (Hà Nam). Ảnh: THANH LÂM 

Doanh nghiệp kỳ vọng giảm lãi suất

Trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, Chính phủ dành 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, điều kiện thụ hưởng là hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. Với gói hỗ trợ lãi suất này, các chuyên gia kinh tế tính toán tổng tín dụng ưu đãi bơm ra có thể lên tới cả triệu tỷ đồng, khiến nhiều ý kiến quan ngại về khả năng dòng tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư, tạo áp lực lạm phát và những hệ lụy gây bất ổn kinh tế như từng xảy ra với gói kích thích kinh tế năm 2009. TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mong muốn, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009 để bơm vốn đúng các đối tượng ưu tiên, đưa vốn chảy vào sản xuất thay vì vào kênh đầu cơ chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện chi tiết, rõ ràng, cụ thể để có thể làm được ngay, đặc biệt phải rút kinh nghiệm từ việc triển khai các gói hỗ trợ trước đây. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ là lực lượng chủ lực thực hiện cấu phần này. Ðể nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời không để xảy ra việc lợi dụng kẽ hở chính sách, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu một số điểm cần chú ý: Mức lãi suất hỗ trợ không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại. Ðánh giá đúng thực lực của doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực có chỉ số lan tỏa đến giá trị gia tăng của nền kinh tế, đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia để có hướng hỗ trợ và phân bổ nguồn lực vào khu vực này. Trong điều kiện các ngân hàng thương mại không thể giảm thấp điều kiện cho vay, Chính phủ cần ban hành quy định đặc thù để triển khai gói hỗ trợ một cách hợp lý, hiệu quả.

Sự cẩn trọng là không thừa khi chuẩn bị tung gói hỗ trợ có quy mô lớn, dự kiến tác động đến tất cả lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội và các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô. Nhưng yêu cầu đặt ra cũng không kém phần cấp bách là gói hỗ trợ này cần nhanh chóng được triển khai, vì sau thời gian bị bào mòn sức lực bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tiếp cận được vốn rẻ sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển tốt hơn. "Với tính cấp bách của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, chậm nhất trong quý I/2022, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai ngay các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền được giao để giải ngân gói hỗ trợ và giải ngân trong hai năm 2022-2023", Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông nói.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục