(HBĐT) - Bằng các chương trình, dự án lồng ghép, đào tạo, dạy nghề và hoạt động cho vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc đã có điều kiện vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 18,62%, giảm 5,13% so với năm trước, vượt 0,63% kế hoạch tỉnh giao; hộ cận nghèo còn 2.760 hộ, chiếm 18,83%.


Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc nắm bắt tình hình sử dụng nguồn vốn vay tại hộ thành viên tổ vay vốn xóm Cháu, xã Tú Lý.

Cách đây gần 3 năm, với khởi điểm là nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vùng khó khăn dân tộc thiểu số, bà Xa Thị Thương, 58 tuổi ở xóm Cháu, xã Tú Lý mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Bà Thương cho biết: "Được vay ưu đãi 30 triệu đồng, tôi vay mượn thêm  để đủ tiền mua 6 con bò. Trên khu đất sản xuất nơi gia đình tái định cư, tôi trồng hơn 1.000 m2 cỏ, chưa kể diện tích mía, ngô làm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Nơi đây cũng có lợi thế gần đồi rừng để tôi kết hợp chăn thả”. Nhờ được vay vốn cộng với lợi thế đồng đất tự nhiên, tận dụng sức lao động, công việc sản xuất, chăn nuôi của bà Thương suôn sẻ và duy trì thường xuyên. Hàng năm, ngoài số con đã xuất bán, trong chuồng nuôi có hơn 10 con bò, bê. Đồng vốn ngân hàng được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Theo báo cáo tình hình hoạt động tín dụng chính sách năm 2021 của huyện, có 3.903 lượt khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giải quyết việc làm cho 145 lao động nhàn rỗi, xây dựng được 1.197 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, giúp 363 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra có nhiều hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp được vay vốn chính sách cùng nỗ lực của bản thân từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định sinh kế và cải thiện, nâng cao đời sống.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và việc làm mới, xuất khẩu lao động trong thời gian gần đây được xem là "đòn bẩy” trong thực hiện công cuộc giảm nghèo ở địa phương. Đồng chí Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Thông qua tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động khi đi làm việc tại thị trường ngoài nước, đã có 12 người tham gia xuất khẩu lao động, chủ yếu đi Đài Loan. Trong năm qua, việc triển khai các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn cũng được đẩy mạnh với 5 lớp, tổng số 140 học viên. Hầu hết học viên sau khi được cấp chứng chỉ nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất của gia đình và ở địa phương. Toàn huyện tạo việc làm và việc làm mới cho 924 lao động, đạt 108,7% kế hoạch tỉnh giao.

Theo đồng chí Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, với đặc thù huyện vùng cao nghèo, hạ tầng cơ sở, điều kiện sản xuất còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương trong những năm tiếp theo cần được tăng cường hơn nữa. Huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề năm 2022 trong khuôn khổ tiểu dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo. Theo đó, đề xuất nguồn kinh phí trên 7 tỷ đồng xây mới cơ sở vật chất và hỗ trợ đào tạo nghề, đơn vị hưởng lợi là Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động nông thôn thông qua phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chương trình việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở ngoài nước. Tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm trên cơ sở năng lực, nhu cầu thị trường việc làm, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành nghề phù hợp.           

Bùi Minh

Các tin khác


Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư ký kết thi đua năm 2023

(HBĐT) - Sáng 24/3, Khối thi đua các doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023.

Hội Nữ doanh nhân Hòa Bình - khát vọng vươn xa

(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Huyện Lạc Thủy thu ngân sách Nhà nước đạt trên 26% dự toán

(HBĐT) - Bám sát các chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao, ngay từ đầu năm, huyện Lạc Thủy tập trung thực hiện nhiều biện pháp tăng cường nguồn thu, chống thất thu ngân sách.

Măng Kim Bôi lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Huyện Đà Bắc lấy ý kiến về phát triển vùng trồng cây dược liệu quý

(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục