(HBĐT) - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, triển khai các chương trình, dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất... Qua đó đạt được những kết quả quan trọng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.


Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Phong giải ngân vốn hỗ trợ người nghèo trên địa bàn xã Dũng Phong phát triển kinh tế.

Cấp ủy, chính quyền xã Dũng Phong (Cao Phong) xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Chủ tịch UBND xã Dũng Phong Bùi Văn Liển cho biết: Xã đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, mở mang ngành nghề nông thôn. Các tổ chức CT-XH đều có những hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Xã tổ chức thường xuyên hoạt động giao ban của Ngân hàng CSXH, các tổ vay vốn đánh giá, tư vấn việc sử dụng vốn của người dân. Hầu hết người dân đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Công tác chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến tích cực. Đến nay, xã cơ bản chuyển diện tích lúa sang trồng mía, đất vườn đồi sang trồng các loại cây có múi có giá trị cao hơn. Xã chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn như: Đan lát, dệt thổ cẩm, dịch vụ cày bừa, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2019, xã hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,1%.

Là huyện vùng cao khó khăn, Đà Bắc lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 5,52%/năm; năm 2021 còn 18,62%, giảm 5,13% so với năm trước, vượt 0,63% kế hoạch tỉnh giao. Hộ cận nghèo còn 2.760 hộ, chiếm 18,83%. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư huyện uỷ cho biết: Là huyện nghèo, theo đó Đà Bắc phải giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%/năm. Công tác giảm nghèo ở huyện còn khó khăn như: Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo; địa bàn huyện chia cắt; điều kiện sản xuất, thời tiết, đời sống... dẫn đến tình trạng tái nghèo và giảm nghèo không bền vững. Huyện mong nhận được sự phối hợp với các sở, ngành đánh giá kết quả, hiệu quả các mô hình giảm nghèo, các hình thức hỗ trợ sản xuất, sinh kế vùng dân tộc thiểu số và các chương trình phát triển KT-XH; có giải pháp hiệu quả lồng ghép tốt các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện nhiều giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt những kết quả quan trọng. Năm 2021, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã cho 33.562 lượt khách hàng vay trên 1.260 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Trong đó, 4.506 hộ nghèo vay 193,95 tỷ đồng, 5.003 hộ cận nghèo vay 220,356 tỷ đồng, 4.381 hộ mới thoát nghèo vay 205,528 tỷ đồng và một số chương trình khác... Bên cạnh đó, tỉnh huy động tốt nguồn lực để chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người lao động hoàn cảnh khó khăn, phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh cho biết: Công tác giảm nghèo của tỉnh có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và đạt kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống Nhân dân được cải thiện. Nhiều địa phương thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tốt. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 61,1 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,6%.

Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2022-2025 xuống 13,49% (tương đương giảm 2%). Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, biết tận dung cơ hội để giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo. Xây dựng và triển khai thực hiện chương tình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách giảm nghèo. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành chương trình giảm nghèo ở các cấp; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm...


Lê Chung

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục