(HBĐT) - Thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) có tổng diện tích cây ăn quả 274 ha. Trong đó, cây ăn quả có múi (CAQCM) 244,5 ha, cây ăn quả khác như thanh long, nhãn, ổi 29,5 ha. Thời gian qua, thị trấn Ba Hàng Đồi phát triển cây ăn quả theo đúng kế hoạch, xác định cam, bưởi, thanh long là những cây trồng chủ lực. Địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch của huyện về phát triển ngành trồng trọt. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng đất đai, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác.


Thanh long ruột đỏ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy).

Những năm gần đây, diện tích CAQCM trên địa bàn thị trấn tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng khá. CAQCM là nhóm cây có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tổng sản lượng quả có múi đạt gần 5.000 tấn/năm; thu nhập bình quân đạt khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha/ năm. Trong đó, cam và bưởi chiếm 89,2% diện tích CAQCM. Cam và bưởi được trồng tập trung trên diện tích đất nhận khoán của Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình và một số ít do người dân trồng. Tổng diện tích trồng cam 175 ha. Các giống cam như lòng vàng, cam Vinh, V2 thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt; sản lượng đạt từ 20 - 25 tấn/ha. Diện tích bưởi 67 ha, chủ yếu là giống bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc; sản lượng đạt 25 - 30 tấn/ha. Cam và bưởi tiêu thụ chính qua tư thương.

       Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Văn Cường, khu Đoàn Kết trồng 1,6 ha cam. Gia đình ông mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, trung bình mỗi năm thu khoảng 100 tấn quả. Giá bán trung bình 16.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ trồng cam đạt 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí chăm sóc lãi khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Cùng với cam, bưởi thì thanh long là một trong những cây ăn quả chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con thị trấn Ba Hàng Đồi. Theo thống kê, toàn thị trấn có 26 ha thanh long (chủ yếu là thanh long ruột đỏ); năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha; giá trị kinh tế đạt từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Thị trấn hiện có hơn 40 hộ trồng thanh long ruột đỏ. Nhiều hộ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Một số hộ áp dụng kỹ thuật trồng thanh long trên giàn chữ T giúp chăm sóc dễ dàng, lắp hệ thống tưới tự động để giảm bớt nhân công lao động. Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Ông Trần Quốc Hoàn, khu dân cư Đồi là hộ tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại thị trấn Ba Hàng Đồi. Ông Hoàn chia sẻ: So với các cây trồng khác, thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Năm 2013, gia đình tôi bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ, tổng diện tích 4.000 m2 với 500 gốc thanh long. Gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, thực hiện quy trình sản xuất sạch, cần sử dụng thuốc BVTV thì dùng thuốc sinh học và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly; sử dụng phân chuồng ủ để bón. Ưu điểm của thanh long ruột đỏ là dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11 dương lịch, trung bình 1 tháng thu hoạch 2 lứa quả, mỗi năm gia đình thu trên 10 tấn quả.

Để nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả chủ lực của địa phương, thời gian tới, thị trấn Ba Hàng Đồi phát triển theo đúng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất. Triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch của huyện về phát triển ngành trồng trọt. Phát triển sản xuất cây ăn quả chú trọng vào các giống đặc sản của địa phương, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, mở rộng diện tích, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng…


Thu Thủy


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục