(HBĐT) - Hiệu quả từ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh đã được khẳng định. Chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế đều tăng. Từ những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tạo cho tỉnh bản đồ nông sản phong phú, đa dạng, mang đặc trưng riêng của từng địa phương.


Cá sông Đà là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đầu tư, liên kết nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn VietGAP.

Vùng sản xuất cây ăn quả có múi (CAQCM) tập trung được hình thành tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Đến cuối năm 2021, diện tích CAQCM toàn tỉnh đạt 9.687 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 7.429 ha, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 đạt 166,7 nghìn tấn; giá trị thu nhập trên 1 ha ước đạt trên 450 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả CAQCM, tỉnh đang thực hiện Đề án tái canh CAQCM giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đã công nhận 227 cây đầu dòng CAQCM phục vụ công tác nhân giống; xác định được 780 ha đang trong giai đoạn luân canh cải tạo đất, triển khai trồng tái canh giai đoạn 2022 - 2025. 

Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có gần 2.000 ha CAQCM, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 ước đạt trên 22.000 tấn. Huyện là một trong những vùng sản xuất CAQCM lớn nhất tỉnh, có điều kiện thâm canh cao với bộ giống đa dạng, năng suất, chất lượng tốt như cam CS1, cam Canh, cam V2… Giá trị thu nhập trong sản xuất CAQCM bình quân đạt 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, do quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu. Quá trình tăng nóng diện tích trong thời gian ngắn khiến một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng, nhiễm dịch hại nguy hiểm gây suy tàn, nhanh thoái hoá vườn cây. Nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu sản phẩm, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án tái canh CAQCM trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, huyện tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha, với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất.

Cùng với CAQCM, vùng sản xuất rau hàng hóa, tập trung có thị trường tiêu thụ, phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng như: Vùng trồng bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày... tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; rau hữu cơ Lương Sơn; rau su su Mai Châu, Tân Lạc; tỏi tía Mai Châu. Sản xuất rau của tỉnh bước đầu hình thành các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm; mô hình trồng rau đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP. Tổng diện tích khoảng 11 nghìn ha/năm, sản lượng 14 - 16 vạn tấn/năm, giá trị thu nhập khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra còn các vùng sản xuất tập trung nhãn, na, chuối, dong riềng, khoai sọ, lạc đã tạo sự đa dạng hóa sản phẩm của từng địa phương.

Song song với lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa cũng được đẩy mạnh. Đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Công tác quản lý giống lợn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện, công tác bảo tồn, phát triển giống lợn, gia cầm được chú trọng, quan tâm. Tỉnh xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm "Gà Lạc Thủy”, "Gà Lạc Sơn”, "Lợn bản địa Đà Bắc”, "Dê Lạc Thủy”, "Dê núi Lương Sơn”. Đã có 15 sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Nhiều liên kết chuỗi trong chăn nuôi được hình thành và hoạt động hiệu quả, thành lập được 60 HTX chăn nuôi, trong đó có 28 HTX liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 8.800 nghìn con; tổng sản lượng đạt trên 50.000 tấn. 

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT, sản xuất hàng hóa phát triển đã cung cấp cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng so với giai đoạn trước. Một số sản phẩm hàng hóa đã xây dựng được thương hiệu như cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, nhãn Sơn Thủy… mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho nông dân. Năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh được nâng lên. Tư duy, nhận thức của cán bộ và Nhân dân thay đổi, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế được điều chỉnh mở rộng quy mô so với mục tiêu ban đầu, công tác chế biến, xúc tiến xây dựng thương hiệu bước đầu được quan tâm nên giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt cao. Nhiều nông sản trong lĩnh vực trồng trọt được cấp, giám sát mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu của tỉnh. Dự kiến trong năm 2022, tỉnh sẽ xuất khẩu trên 1.000 tấn sản phẩm trồng trọt các loại, gồm: Chuối, nhãn, bưởi đỏ, bưởi Diễn, mía tím, mía trắng. 

Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục