(HBĐT) - Chính quyền huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ người dân phát triển cây cam - giống cây chủ lực. Huyện đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, thực hiện có định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.


Nông dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc cam, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cao Phong là vùng đất của cam. Khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ thâm canh đã tạo thương hiệu cam Cao Phong. Từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, cam Cao Phong đã được biết đến. Nhiều năm nay, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu cam; khuyến khích định hướng cho các hộ dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các công nghệ sinh học; tổ chức quản lý và sản xuất giống có chất lượng, bố trí cơ cấu giống theo hướng rải vụ, thực hiện chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững. Qua đó, chất lượng cam được nâng lên, cam có vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng, nhiều giống cam gần như không có hạt phù hợp với nhu cầu thị trường. Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014. Năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của Vietnam Airlines… Thời hoàng kim của cam Cao Phong bắt đầu từ năm 2013 đến những năm 2017 -2019, có những niên vụ, sản lượng cam của Cao Phong trên 3 vạn tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú sau mỗi vụ cam.

Với hiệu quả kinh tế lớn đem lại, diện tích không chỉ ở huyện Cao Phong mà cả các địa phương khác trong và ngoài tỉnh "nóng” phát triển nhanh, cam được trồng đại trà ở nhiều nơi, diện tích và sản lượng cam không chỉ của Cao Phong tăng nhanh, sức ép tiêu thụ sản phẩm ngày một căng thẳng, giá cam liên tục giảm. Nếu như những năm 2015 - 2018, giá cam lòng vàng có lúc lên tới 40 - 50 nghìn đồng, thậm chí bán lẻ lên tới 60 - 70 nghìn đồng/kg thì gần đây có thời điểm giảm còn 10 - 15 nghìn đồng/kg. Việc giữ được thương hiệu cam Cao Phong ngày càng khó khăn. Hiện nay, một số diện tích cam đã qua thời kỳ kinh doanh, vào thời kỳ thoái trào theo chu kỳ, cùng với đó là nhiều diện tích cam bị sâu bệnh nên trồng cam đối với nhiều hộ dân không còn hiệu quả, dẫn đến tình trạng phá bỏ cây cam để trồng các loại cây khác.

Theo kinh nghiệm những người trồng cam lâu năm ở Cao Phong, cam vẫn là cây trồng truyền thống và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Bắc Phong Khương Xuân Lịch khẳng định, ở Cao Phong không cây trồng nào có thể thay thế được cam. Giá có thể lên xuống, song biết quản lý kinh tế, có trình độ thâm canh thì cam vẫn đem lại thu nhập đáng mơ ước. Cam đòi hỏi mức đầu tư và trình độ thâm canh cao, như người dân địa phương nói: Người giàu trồng cam, người nghèo trồng mía. Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Nếu biết đầu tư, chăm sóc, giữ được chất lượng cam, những niên vụ gần đây, người trồng cam vẫn có lãi. Huyện hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha. UBND huyện đang triển khai "Đề án tái canh cây có múi trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, với 9 nhóm giải pháp và 8 mục tiêu cụ thể. Trong đó, thực hiện tái canh cây cam với diện tích trồng mới giai đoạn 2022 - 2025 là 670 ha. Dự kiến năm 2022 huyện trồng tái canh và tổ chức lại sản xuất 20 ha; năm 2023 trồng tái canh 150 ha, tổ chức lại sản xuất 200 ha; năm 2024 trồng tái canh 250 ha, tổ chức lại sản xuất 280 ha; năm 2025 trồng tái canh 250 ha, tổ chức lại sản xuất 350 ha. UBND huyện chỉ đạo rà soát diện tích cam trong thời kỳ kiến thiết, thời kỳ kinh doanh hết chu kỳ, diện tích bị sâu bệnh để triển kế hoạch tái canh hàng năm; từ đó, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các loại cây ngắn ngày như đậu đỗ, ngô sinh khối, chuối. Đến nay, có 780 ha cây có múi được trồng luân canh sang các cây trồng khác; hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm.

Huyện đang triển khai thực hiện dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung, tới nay cơ bản hoàn thành trên 90%, còn lại hạng mục sửa chữa, nâng cấp hồ Lầy, xã Bắc Phong. Thực hiện hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh. Huyện đã lựa chọn vùng lõi để triển khai đề án tái canh, từ đó rút kinh nghiệm nhân diện nhằm bảo đảm hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi; tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; lấy doanh nghiệp, HTX làm nòng cốt, là trung tâm kết nối người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo UBND huyện Cao Phong, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí để thực hiện đề án lớn, trong đó ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ một số nội dung cho các hộ sản xuất. Nhận thức về tái canh cây ăn quả có múi ở một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Trước thực tế trên, huyện đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án, cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, chăm sóc các loại cây trồng phù hợp với đề án tái canh cây cam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…

Lê Chung

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục