(HBĐT) - TP Hoà Bình sở hữu tuyến sông Đà thơ mộng kéo dài từ hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình xuống đến Thịnh Minh, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với nhiều xóm, bản, bãi bồi, con nước trải dài, có những cơ hội rất lớn để xây dựng trục cảnh quan, kiến trúc ven sông.


Một góc thành phố Hòa Bình về đêm.

Ông Nguyễn Hùng ở phường Phương Lâm, người gắn bó gần như cả đời với TP Hòa Bình tâm sự: Sông Đà gắn liền với văn hóa lịch sử, từ lâu đã tồn tại trong tâm thức người dân. Thị xã Hòa Bình năm nào đã được nâng cấp là đô thị loại III, rồi thành phố trực thuộc tỉnh. Thành phố đã quan tâm tới đầu tư hạ tầng, xây dựng các cầu qua sông Đà, mở ra không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, ngày càng xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Hai bên bờ sông Đà đã trở nên cân đối, hài hòa hơn. Tuyến đê 2 bên sông cũng được chỉnh trang, nhiều công trình được xây dựng, bảo đảm mỹ quan. Người dân thành phố đều mong muốn chính quyền sẽ có những giải pháp quy hoạch, phát triển hai bờ sông Đà là điểm nhấn cho TP Hòa Bình.

Nếu có quy hoạch tốt chúng ta sẽ có một thành phố ven sông đẹp và hài hòa như các đô thị ven sông Hàn (Đà Nẵng), xa hơn như thành phố ven sông của Hàn Quốc. Thực tế đã có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu triển khai các dự án đô thị dọc tuyến sông Đà, phía hạ lưu. Nhiều năm trước, các nhà quản lý, chính quyền đã đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Đà, trong đó xác định sông Đà là điểm nhấn phát triển đô thị, dịch vụ, cảnh quan, môi trường, dọc hai bên bờ sông được quy hoạch hệ thống đường, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, giao thông đồng bộ, kết nối, tạo cảnh quan và điểm nhấn cho TP Hòa Bình. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau nên việc triển khai chưa thành hiện thực.

Mới đây, trong định hướng quy hoạch chung TP Hòa Bình xác định xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm Đà Giang dọc 2 bên ven sông Đà là điểm nhấn đô thị về đêm, tạo nét riêng cho TP Hòa Bình. Các ngành chức năng và chính quyền thành phố đang có định hướng, giải pháp xây dựng cảnh quan đô thị, dịch vụ ven sông Đà. Trên cơ sở đề xuất của các ngành chức năng và chính quyền thành phố, ngày 9/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1966/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm TP Hòa Bình. Theo đó, phạm vi thực hiện đề án bắt đầu từ đầu đường Hòa Bình (Chi cục Thủy lợi Hòa Bình) đi dọc đường đê Đà Giang, điểm cuối cầu Hòa Bình II, thuộc địa bàn phường Phương Lâm, phường Đồng Tiến. Việc thực hiện xây dựng mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn phường Phương Lâm và phường Đồng Tiến thí điểm từ năm 2022 - 2023, năm 2024 tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm làm căn cứ để phát triển mở rộng mô hình kinh tế ban đêm trên toàn thành phố giai đoạn tiếp theo. Đề án đặt mục tiêu, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành thương mại - dịch vụ, du lịch trong khu kinh tế ban đêm dự kiến tăng 20%/năm. Thu ngân sách địa phương dự kiến tăng 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng//năm. Đến năm 2023, doanh thu dịch vụ - thương mại tại khu kinh tế ban đêm đêm đạt 500 tỷ đồng/năm (chiếm 20 - 25% doanh thu dịch vụ - thương mại tổng hợp trên địa bàn 2 phường Phương Lâm và Đồng Tiến). Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia kinh tế ban đêm cho 500.000 khách du lịch/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch tăng lên, đối với khách nội địa là 1,5 ngày/khách, đối với khách quốc tế là 2 ngày/khách.

 Đề án cũng xác định phát triển kinh tế đêm nói riêng và phát triển du lịch nói chung tại TP Hòa Bình còn nhằm gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; nâng cao trình độ dân trí, nâng cao đời sống vật chất, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân, trình độ quản lý; từ đó tạo ra nhiều việc làm cho xã hội; góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở các khu du lịch phát triển, tích cực cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mô hình kinh tế ban đêm của thành phố sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực: dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống, ẩm thực; dịch vụ mua sắm và tài chính. Quy hoạch tổ chức không gian cho mô hình kinh tế ban đêm gồm: Cổng chào vào khu phố đi bộ và kinh tế ban đêm ở hai đầu; khu vực sân khấu, tổ chức sự kiện; khu trung tâm mua sắm, các cửa hàng tiện ích, tài chính; khu ẩm thực; khu nhà hàng karaoke, quán bar, cafe; phố đi bộ đê Đà Giang.  Cơ sở vật chất đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chỉnh trang tuyến phố đi bộ trong khu kinh tế ban đêm TP Hòa Bình: Chốt bảo vệ an ninh trật tự; nhà vệ sinh công cộng; thùng rác công cộng; bồn hoa trang trí tại dọc bờ tường bao đê; đèn led trang trí; phương tiện cứu hỏa; bãi đỗ xe tĩnh; Trung tâm thông tin hỗ trợ, chỉ dẫn và tiếp nhận phản ánh của du khách trong khu kinh tế đêm… Đây là thông tin vui cho cư dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài tỉnh, từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng TP Hoà Bình là trái tim của tỉnh, vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, là thành phố đô thị, du lịch dịch vụ; khám chữa bệnh, đào tạo, tài chính - ngân hàng với điểm nhấn là sông Đà, mang bản sắc riêng có, là nơi đáng sống của cư dân.


Lê Chung


Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục