(HBĐT) - Thời gian vừa qua, trong bối cảnh thiếu nguồn cung nên tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh bán kiểu "nhỏ giọt”, với lý do đảm bảo đủ cung cấp cho người dân địa phương, tránh tình trạng đầu cơ... 


Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra bể téc chứa xăng dầu tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).

Diễn biến cung ứng xăng dầu thời gian qua ở tỉnh cùng chung tình trạng như các tỉnh, thành phố do khan hiếm nguồn. Tại một số địa bàn như Mai Châu, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, TP Hoà Bình… có tình trạng một số cửa hàng khống chế lượng bán ra hoặc có cửa hàng không còn xăng dầu để bán.

Thực tế, ngoại trừ 28 cửa hàng xăng dầu (CHXD) thuộc Chi nhánh Xăng dầu Hoà Bình luôn ổn định nguồn cung nhiên liệu cho người dân tại 10 huyện, thành phố thì nhiều CHXD khác xuất hiện tình trạng cạn kiệt nhiên liệu; có những cửa hàng thiếu xăng, còn dầu và ngược lại. Chính vì vậy, một số cửa hàng đã khống chế người mua từ vài chục nghìn cho 1 xe máy, từ 200.000 - 300.000 đồng cho 1 phương tiện ô tô.

Qua tìm hiểu, trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát đồng loạt tại các CHXD trên toàn tỉnh nhằm đảm bảo hoạt động bán lẻ xăng dầu đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Theo đồng chí Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường (QLTT), trong tỉnh hiện có khoảng 180 CHXD đăng ký kinh doanh. Ngày 7/11, qua kiểm tra, giám sát thực tế từ lực lượng QLTT tỉnh, có 3 CHXD tạm ngưng bán hàng.

Cụ thể, tại CHXD Cù Giang, thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thịnh Giang, địa chỉ xã Lạc Lương (Yên Thủy) tạm ngừng bán hàng do bể chứa xăng dầu của cửa hàng có dấu hiệu ngấm nước, đã được Sở Công Thương chấp thuận cho cửa hàng tạm ngừng hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Công văn số 1986/SCT-QLTM, ngày 16/9/2022. CHXD Cao Dương, thuộc xã Cao Dương (Lương Sơn) hiện đang sửa chữa, nâng cấp hạ tầng cây xăng đã được Sở Công Thương chấp thuận cho tạm ngừng hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Công văn số 1330/SCT-QLTM, ngày 28/6/2022. CHXD Hoàng Sơn, xã Trung Minh (TP Hòa Bình) tạm ngừng bán hàng do bể téc chứa xăng, dầu có dấu hiệu bị ngấm nước, đã được Sở Công Thương chấp thuận cho cửa hàng tạm ngừng hoạt động. Hiện, cửa hàng đang triển khai khắc phục tình trạng ngấm nước để sớm đưa hoạt động bán xăng dầu trở lại trong thời gian sớm nhất.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu trong những ngày vừa qua xuất hiện ở các huyện, thành phố trong tỉnh do nhiều doanh nghiệp không nhập được nguồn vào nên hạn chế bán ra, hoặc không còn xăng dầu để bán. Tại TP Hoà Bình, một vài ngày qua có tình trạng một số cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không còn xăng dầu để bán. Tại huyện Đà Bắc có các cửa hàng hết dầu gồm: CHXD Tuấn Doanh, Hùng Nga thuộc DNTN Luân Thành; CHXD Văn Lai thuộc DNTN Thành Long.

Tại huyện Tân Lạc có các cửa hàng hết xăng dầu gồm: Cửa hàng số 8, số 9 thuộc Công ty TNHH Trung Linh Phát; CHXD Bảo Trang I thuộc Công ty CP Hồng Gia Bảo hết xăng và dầu; CHXD Phú Cường thuộc DNTN Phú Cường, CHXD Ba Kha thuộc DNTN Ba Kha đã hết dầu.

Tại huyện Mai Châu có CHXD Sầu Anh thuộc Công ty TNHH Sầu Anh có tình trạng hết xăng. Tại huyện Lạc Thuỷ có các cửa hàng hết dầu như: CHXD của DNTN Anh Hoàng; CHXD Trường Chiến thuộc DNTN Lý Huỳnh; CHXD Tám Chuyên thuộc Công ty TNHH MTV Tám Chuyên.

Tại địa bàn huyện Cao Phong có CHXD số 18 thuộc DNTN Tuấn Khánh hết xăng và dầu; CHXD số 15 thuộc DNTN Tuấn Khánh hết dầu; CHXD Anh Quân thuộc Công ty TNHH Thái Dương hỏng cột đo, hết xăng, dầu, cửa hàng đã có văn bản gửi Sở Công Thương xin tạm ngừng hoạt động. Tại địa bàn huyện Lạc Sơn có CHXD Thúy Tứ thuộc DNTN Thúy Tứ hết xăng và dầu.

Được biết, qua kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng của tỉnh chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào ngừng hoạt động, găm hàng, đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tạo khan hiếm nguồn hàng. Nhiều cửa hàng vẫn hoạt động nhưng đã hết xăng dầu để bán. Có cửa hàng còn xăng dầu nhưng bán hạn chế hoặc nhiên liệu xăng dầu được thương nhân phân phối về tới đâu bán tới đó.

Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, hành vi không bán hàng hoặc ngừng bán hàng, cắt giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra, tắt điện cột bơm hoặc đóng cửa hàng mà không có lý do chính đáng; đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý và đề xuất xử phạt ở mức cao nhất. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu có thời hạn đối với cửa hàng, doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.

Được biết, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu phải đảm bảo các CHXD thuộc hệ thống phân phối của mình bán hàng đủ thời gian; cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường; ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu cả về lượng và cơ cấu chủng loại theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hàng năm của thương nhân. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý, CHXD thuộc hệ thống, không để xảy ra tình trạng các cửa hàng đóng cửa, giảm thời gian bán hàng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.



 Hồng Trung

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục