(HBĐT) - Nuôi cá lồng đã và đang đem lại sinh kế cho khoảng 2 nghìn hộ dân ở vùng lòng hồ Hòa Bình. Hơn một năm qua, nghề nuôi cá phát triển ổn định, tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, để nghề này đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, bên cạnh chú trọng khâu sản xuất thì việc liên kết tiêu thụ sản phẩm là tất yếu...


Cần có sự liên kết để nâng cao giá trị, phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ Hoà Bình.
 Ảnh chụp tại xã Hiền Lương (Đà Bắc).

Với lợi thế có vùng hồ rộng lớn, những năm qua, huyện Đà Bắc phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, tập trung ở các xã ven lòng hồ Hòa Bình như: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong. Hiện, toàn huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 96 ha, với 2.252 lồng cá. Năm vừa qua, sản lượng thủy sản đạt trên 1.453 tấn, trong đó, đánh bắt trên 215 tấn, nuôi trồng 1.238 tấn.

Đồng chí Bàn Anh Thắng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc chia sẻ: Từ năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh thủy sản tương đối ổn định, việc tiêu thụ cá của người dân thuận lợi. Tuy nhiên, sản xuất của bà con vẫn tiềm ẩn rủi ro, bởi việc tiêu thụ chủ yếu cho các tư thương, chưa có chuỗi liên kết. Do đó, thời gian qua, huyện chú trọng kết nối với các doanh nghiệp, hướng tới xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cá Sông Đà. Cùng với đó là thúc đẩy nghề nuôi cá gắn với phát triển du lịch. 

Nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch là hướng đi mới ở xã Hiền Lương (Đà Bắc). Toàn xã có khoảng 80 hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, với hơn 200 lồng cá. Trước đây, sản phẩm cá lồng được tiêu thụ chủ yếu qua tư thương nên bấp bênh, không ổn định. Hiện nay, bà con tìm thêm đầu ra mới cho sản phẩm cá lồng, đó là kết hợp du lịch với nghề nuôi cá. Như homestay Sánh Thuấn (xóm Ké), khi khách đến nghỉ sẽ được trải nghiệm nghề nuôi cá lồng và thưởng thức các sản phẩm cá sông Đà. Kết thúc kỳ nghỉ, du khách mua sản phẩm cá để làm quà. Cách làm này vừa đa dạng thêm sản phẩm du lịch, vừa là kênh mới để tiêu thụ cá.

Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương Nguyễn Đăng Giáp chia sẻ: Năm 2014, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiền Lương ra đời đã tập hợp các hộ nuôi trồng thủy sản, giúp nghề nuôi cá lồng phát triển ổn định. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ giảm sút nên số lượng cá nuôi của HTX cầm chừng, việc tiêu thụ cá lồng phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Hướng phát triển nghề nuôi cá gắn với du lịch đã tạo thêm kênh để tiêu thụ sản phẩm. Song, để nâng cao giá trị và phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững thì cần phải xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.  

Hiện nay, toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và 4,9 nghìn lồng nuôi cá. Có 6 hợp tác xã được thành lập và hoạt động nuôi trồng thủy sản. Năm vừa qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, giá trị sản xuất đạt trên 330 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo  đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Như tỷ trọng ngành tăng khá, song giá trị còn thấp và thiếu bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ và phân tán, tỷ lệ chuỗi được xác nhận chưa cao; diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chưa cao; công tác dự báo thị trường hạn chế nên sản xuất còn gặp nhiều rủi ro. 

Trước thực tế đó, Chi cục Thủy sản đã đề ra các giải pháp để phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Đối với vùng hồ Hòa Bình, ngành tiếp tục mở rộng vùng nuôi trồng tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; quan tâm chứng nhận lồng nuôi đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quảng bá và xúc tiến thương mại. Ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển thủy sản, trước hết là khâu sản xuất các loại giống đặc sản có giá trị kinh tế cao. 


Viết Đào

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục