(HBĐT) - Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, nhằm mở rộng không gian phát triển đô thị cho TP Hòa Bình. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ đề ra do những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), nguồn nguyên liệu đất đắp… Tỉnh chỉ đạo chính quyền TP Hòa Bình, chủ đầu tư, các sở, ngành chức năng khẩn trương tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này.


Nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6 (TP Hòa Bình).

Dự án được khởi công từ trung tuần tháng 3/2022. Hiện nhà thầu tổ chức 3 mũi thi công, gồm hạng mục gờ chắn, lan can... cầu vượt quy hoạch; ép cọc móng BTCT 35x35 và hạng mục móng, thân tường chắn; thi công nền đường đoạn tuyến 2 (km0+300 ÷ km0+660), tuy nhiên phải tạm dừng vì không có vật liệu đất đắp. Quá trình thi công hạng mục cầu quy hoạch và ép cọc BTCT 35x35, tường chắn vướng mắc đường điện 0,4kV và đường cáp viễn thông chạy ngang qua công địa thi công, nhà thầu không thể di chuyển máy móc, thiết bị thi công qua đường dây trên (do đường dây viễn thông rất thấp).

Đến nay, TP Hòa Bình đã chi trả GPMB được 209/386 hộ dân (đạt 54%). Công tác GPMB, TĐC và những vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu đất đắp... chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công. TP Hòa Bình và các đơn vị liên quan đang triển khai các thủ tục để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để chủ đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện. Đối với GPMB tại phường Dân Chủ, đã triển khai công tác kiểm đếm đất nông nghiệp các hộ còn lại. Phường Thái Bình triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm đất nông nghiệp cho các hộ dân. Địa phận phường Phương Lâm, theo hồ sơ địa chính, địa phận phường chỉ có 1 loại đất nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên thực tế có đất nuôi trồng thủy sản, nhà ở và ruộng lúa. Hiện tại chưa thực hiện cắm cọc, trích đo, chưa thông báo thu hồi đất. Chính quyền đã mời các hộ dân đến họp và thông báo, nhưng qua 2 lần tổ chức, các hộ dân không đến họp. UBND thành phố đang xin ý kiến về khu TĐC cho dự án làm cơ sở thông báo thu hồi đất để bố trí vốn đầu tư dự án TĐC tại khu Đồng Trùng, phường Thống Nhất phục vụ GPMB.

Về đất đắp cho công trình, đơn vị tư vấn thiết kế dự kiến vị trí PH1 (tại km73+800 quốc lộ 6 (trái tuyến) thuộc phường Quỳnh Lâm) để khai thác đất đắp cho công trình. Tuy nhiên, khu đất trên không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2014 - 2019, tầm nhìn đến năm 2024 theo Quyết định số 1752/QĐ-UBND, ngày 17/8/2022 của UBND tỉnh, mà vẫn thuộc quyền quản lý của các cá nhân, tập thể. Ngoài ra, để khai thác đất đắp tại trị trí này phải di chuyển một số ngôi mộ và chi phí khác (đền bù hoa màu, tài sản trên đất, hỗ trợ di chuyển mộ, làm đường công vụ, xử lý ổn định mái...) chưa có trong dự toán xây dựng công trình. Đồng thời, việc di chuyển mộ, các hộ đề nghị phải thực hiện trong tháng 3, tháng 4 (âm lịch) và phải được quy tập lên nghĩa trang địa phương. Để tìm được các vị trí khai thác đất đắp cho dự án là rất khó khăn. Do đó, việc khai thác vật liệu đất đắp tại vị trí PH1 và các khu vực lân cận không khả thi. Vị trí hộ dân có nhu cầu san hạ, cải tạo mặt bằng tại thửa đất số 18 và số 50 thuộc địa phận phường Đồng Tiến, sau khi điều tra, rà soát, vị trí khu đất này nằm trong quy hoạch khu TĐC, có cột điện, đường dây 35kV đi qua nên việc khai thác vật liệu đất đắp tại vị trí trên cũng không khả thi…

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thủ tục xin cấp phép phạm vi bảo vệ thi công đê Quỳnh Lâm. Ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Chủ đầu tư đang phối hợp các sở, ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trên để đẩy nhanh tiến độ GPMB, triển khai các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Kiểm tra tiến độ thi công dự án vào cuối tháng 3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo đó, chỉ đạo chủ đầu tư (Sở GTVT) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh dự án, đồng thời chủ động làm việc với Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) về phương án đảm bảo thoát lũ, an toàn đê Quỳnh Lâm, thống nhất phương án điều chỉnh thiết kế cầu suối Chăm và đường dẫn đến quốc lộ 6. Khẩn trương rà soát các vị trí để bổ sung quy hoạch mỏ đất đắp phù hợp cung cấp cho dự án, hoàn thành chậm nhất ngày 30/5/2023. Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoàn thành dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết.

UBND TP Hòa Bình chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND các phường khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, đẩy nhanh tiến độ di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục vận động các hộ dân đồng thuận trong công tác đo đạc, kiểm đếm. Thu thập thông tin và lập dự toán, phương án bồi thường cho các hộ đã được kiểm đếm. Đối với phần diện tích đất thuộc phường Phương Lâm, đề nghị UBND thành phố ban hành thông báo thu hồi đất đối với đất nông nghiệp lý trình từ km0+660 - km0+865... Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp UBND phường Dân Chủ sớm kiểm tra, xác định, làm rõ diện tích đất tăng, giảm cho 20 hộ dân tại tuyến 01 địa phận phường Dân Chủ, tuyên truyền, vận động 2 hộ chưa nhận tiền tại tuyến 02 đến nhận tiền. UBND phường Thái Bình tuyên truyền, vận động 8 hộ còn lại phối hợp trong công tác đo đạc, kiểm đếm. Đối với xin cấp phép phạm vi bảo vệ đê Quỳnh Lâm, đề nghị các bên quan tâm xem xét, làm việc với Bộ NN&PTNT về việc thỏa thuận cấp phép thi công đối với các hạng mục suối Chăm để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ.

Lê Chung


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục