Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cuối cùng đã trượt khỏi thương vụ mua tài sản của Tập đoàn Dầu khí Anh BP ở Việt Nam, dù PVN luôn thể hiện những thông điệp ấn tượng cho sự hiện diện của mình.

 

Đầu tư vào lĩnh vực dầu khí rất gian truân, dù dầu thô là tài nguyên sẵn có.
 
Sở trường, sở đoản

Thương vụ trị giá 1,8 tỷ USD của công ty dầu khí lớn thứ 3 ở Nga, TNK - BP (50% cổ phần của BP, 50% còn lại của Tổ hợp AAR gồm các tập đoàn Alfa, Access và Renova) liên quan đến các tài sản của BP tại Việt Nam và Venezuela đã kết thúc những đồn đoán về danh tính người mua.

Dĩ nhiên, giá trị hợp đồng của riêng các tài sản tại Việt Nam không được tiết lộ nhưng chắc chắn số tiền mà TNK-BP bỏ ra ở Việt Nam sẽ không thấp hơn nhiều so với Venezuela, nếu xét trên các lợi ích mà những tài sản này đang mang lại.

Trong thông báo của mình, BP cho hay, tổng sản lượng của BP tại Venezuela tương đương với 25.000 thùng dầu/ngày. Còn tổng sản lượng sản xuất của BP tại Việt Nam tương đương với 15.000 thùng dầu/ngày.

Nhưng lợi ích của BP tại Việt Nam không đong đếm cụ thể được như ở Venezuela khi ngoài khai thác khí tại Lô 06.1, BP còn lợi ích trong việc vận chuyển khí vào bờ và góp vốn trong nhà máy điện Phú Mỹ 3.

Tổng vốn đầu tư của cả 3 dự án mà BP tham gia cổ phần ở Việt Nam là 1,379 tỷ USD và đang hoạt động khá hiệu quả. Đơn cử như dự án phát triển mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ kể từ khi đi vào hoạt động, tháng 4/2005 tới hết năm 2006 đã thu hồi được khoảng 552 triệu USD và lợi nhuận đạt được cũng là 552 triệu USD, không kể phần thu của bên Việt Nam.

Còn trong dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, với cổ phần 51%, PVN đã thu được gần 60 triệu USD lợi nhuận kể từ tháng 11/2002 tới cuối năm 2005. Điều này cũng đủ thấy, nếu muốn mua tài sản của BP, PVN chắc phải có khoản dằn túi gần tỷ USD, nhất là khi người bán đang cần tiền ngay chứ không chờ trả góp!

BP bên cạnh thông báo tới Chính phủ để xin được bán tài sản ở Việt Nam cũng tiếp xúc chính thức với Bộ Công thương và cả đối tác Việt Nam trong liên doanh, mà ở đây là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) - thành viên của PVN để thông báo quyết định của mình.

Điều này không có gì lạ bởi PVN cũng có quyền lợi liên quan trong các dự án này. Thậm chí PVN cũng đã cất công tìm kiếm tài liệu liên quan đến nhà máy điện Phú Mỹ 3, dự án mà PVN không có cổ phần, để tìm kiếm cơ hội.

Nhưng bỏ ra cả tỷ USD để mua các tài sản đang sinh lợi này lại không dễ dàng với PVN, nhất là khi cơ chế quản lý vốn của các DNNN cũng rất phức tạp. Bởi vậy “không biết gì” có lẽ là lý do thích hợp nhất để PVN nói về việc không mua lại tài sản của BP.

Trên thực tế, trong đa phần các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí hiện có tại Việt Nam, bên Việt Nam không phải tốn nhiều tiền cho các khâu chuẩn bị, thăm dò ban đầu mà một mũi khoan có thể tới vài triệu USD nhưng chưa chắc đã có kết quả như mong muốn.

Trong giai đoạn phát triển, khai thác mỏ, phần góp vốn của nước chủ nhà cũng được quy định ở một tỷ lệ nhất định nhưng nếu dư dả, nước chủ nhà sẽ có điều kiện để tham gia với tỷ lệ lớn hơn, kèm theo đó là hiệu quả cũng tốt hơn khi dầu ngày một khan hiếm và có giá trên thế giới. Bằng không, có thể trả dần bằng nguồn dầu thu được.

Tại Việt Nam, sau khoảng 30 năm kể từ ngày có hợp tác với đối tác Nga trong Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro, số lượng các mỏ dầu khí do PVN tự thăm dò, khai thác cực kỳ hiếm hoi. Đi cùng với các đối tác nước ngoài và sử dụng phương thức “mỡ nó rán nó” là điều thường thấy trong các dự án khai thác dầu khí hiện nay khi lực vẫn bất tòng tâm.

Đáng chú ý là những lĩnh vực được PVN đầu tư ào ạt trong vài năm qua như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng… lại không phải là sở trường của ngành dầu khí. Ngay cả sản xuất điện, phân bón nếu không có lợi thế mặc định trong tham gia các dự án phát triển mỏ khí ngoài khơi thì việc kinh doanh phân bón hay bán điện đều không phải là sở trường của PVN.

Đáng nói trong khi đó, Công ty Dầu khí Malaysia là Petronas có cùng thời gian sinh ra với PVN lại đã phát triển lên những nấc thang cao hơn rất nhiều trong chuyên ngành dầu khí.

Hiệu quả tổng thể

Trong tổng kết công tác đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, điều khiến nhiều người băn khoăn là dự án triển khai mất 13 năm với vốn đầu tư đội lên hơn 2 lần lại được tính toán là hiệu quả hơn so với các tính toán trước đây. Tổng mức đầu tư tạm tính hiện tại của NMLD Dung Quất là 3.053,5 triệu USD, tương đương với hơn 51 nghìn tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với dự tính 1,5 tỷ USD cách đây 13 năm.

Tuy nhiên, tổng giá trị quyết toán dự kiến và vốn lưu động ban đầu (43,80 nghìn tỷ VNĐ) thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt (51,72 nghìn tỷ VNĐ) được PVN lý giải là bởi trong thời gian chạy thử, chưa được bàn giao chính thức từ nhà thầu sang (chậm hơn 7 tháng do sự cố kỹ thuật), chủ đầu tư không phải chịu các chi phí vận hành trong khi vẫn có sản phẩm để bán lấy doanh thu.

Điều này khiến cho có chuyên gia đã nhận xét, nếu vậy cứ chưa giải quyết triệt để hết các tồn tại như trên thực tế thì có phải “càng chạy càng có lãi”!?

Không một ai có thể phủ nhận được những hiệu quả về mặt xã hội mà NMLD Dung Quất mang lại khi đặt tại miền Trung nhưng những hiệu quả về mặt kinh tế thì không đơn thuần chỉ là những con số. Về bản chất, NMLD Dung Quất là một hình thức gia công, nhằm làm tăng giá trị của dầu thô đầu vào. Như vậy, trong doanh thu bán xăng dầu của NMLD Dung Quất có tính cả chi phí mua dầu đầu vào.

Trên thực tế, dầu thô Bạch Hổ khi đưa vào NMLD Dung Quất vẫn tính như khi xuất khẩu. Khi đó, toàn bộ nguồn thu của dầu thô và thuế xuất khẩu của dầu thô Bạch Hổ này được tính cho Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro.

Theo các tính toán mới nhất được PVN đưa ra, với tổng mức đầu tư được duyệt 3,053 tỷ USD, trên cơ sở các chi phí đầu vào và cơ chế chính sách theo qui định hiện hành, dự án vẫn đạt tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 7,66%, tổng thu nộp NSNN trong suốt đời dự án là khoảng 27,8 tỷ USD. IRR này cũng cao hơn so với IRR là 5,87% được tính toán vào thời điểm tháng 6/2005. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, IRR cao hơn hiện nay của dự án NMLD Dung Quất là bởi đã có các cơ chế tài chính nhất định được áp dụng cho dự án.

Ngoài công lọc dầu, hiện thế giới đang ở mức 5 - 6 USD/thùng, giá bán xăng dầu của NMLD Dung Quất tương đương như giá xăng dầu thị trường quốc tế (mà ở đây là thị trường Singapore) cộng với phần thu thuế hộ nhà nước theo mức thuế suất nhập khẩu quy định hiện hành. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho NMLD non trẻ này, một khoản tương đương với 7% thuế nhập khẩu xăng dầu cũng được để lại cho NMLD.

Như vậy, nếu thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành là 20% thì NMLD Dung Quất sẽ thu hộ ngân sách 13% thuế và được để lại 7% thuế cho hoạt động của mình. Bởi vậy, hiệu quả kinh tế cũng khác hẳn so với các tính toán trước đây - thời điểm chưa có các ưu đãi này.

Với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, tương đương khoảng 148.000 thùng dầu/ngày, mỗi ngày doanh thu từ tiền lọc của NMLD Dung Quất (theo thời giá hiện nay) là khoảng 800.000 USD và một năm là 273 triệu USD. Dĩ nhiên, nếu chỉ con số này thì thời gian để thu hồi hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư đã bỏ ra, không kể các chi phí về tài chính, vốn vay, các nguyên liệu phục vụ cho việc lọc dầu là không ít.

Có lẽ, cũng bởi vậy mà trong dự án lọc dầu số 2 có quy mô khoảng 6 tỷ USD, PVN chỉ còn tham gia khoảng 25% cổ phần. Hay trong dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam gần 4 tỷ USD, phần vốn góp của PVN cũng chỉ còn chiếm 18%.

Điều đó cho thấy đầu tư vào lĩnh vực chính là dầu khí cũng rất gian truân, dù dầu thô là tài nguyên sẵn có. Bởi vậy PVN có lẽ không ngại ngần khi đi tìm kiếm các lĩnh vực năng lượng khác như điện để không “bỏ trứng vào 1 giỏ”.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm xung phong nhận cả 13 dự án điện mà Tập đoàn Điện lực (EVN) trả lại Chính phủ, mà trên thực tế chỉ được giao 3 dự án, PVN vẫn đang loay hoay tìm vốn để thúc đẩy triển khai chứ chưa bắt đầu xây dựng được nhà máy nào.

 

                                                                                     Theo DanTri

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục