Chỉ vài năm nữa, mỏ than Hà Lầm sẽ dừng khai thác lộ thiên, trong khi than hầm lò ở độ sâu âm 50 mét cũng bắt đầu cạn kiệt. Thợ mỏ Hà Lầm đã đột phá vào lòng đất, mở ra một khai trường mới ở độ sâu âm 300 mét. Nhưng để duy trì sản lượng mỗi năm 2,5 triệu tấn "vàng đen" từ hầm lò sâu nhất nước này, những người thợ mỏ phải được nâng cao kỹ năng khai thác, được hỗ trợ bởi thiết bị, công nghệ tiên tiến và quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn nữa, cả về vật chất lẫn tinh thần.

 

Chúng tôi nai nịt bộ bảo hộ lao động, đèn mỏ và chiếc bình dưỡng khí tự cứu rồi vào ca-bin mô-nô ray để xuống lò ở độ sâu âm 50 mét so với mặt biển. Từ đây, mọi người đi bộ chừng hai cây số ngoằn ngoèo qua các đường hầm rồi bám vào một sợi cáp để leo ngược lên khu lò chợ đang khai thác ở độ sâu âm 36 mét. Ði trong hầm lò, người sau bao giờ cũng phải đặt bàn chân vào vết ủng của người đi trước. Sơ suất bước chệch là thụt hố nước, kẹt vào ray hoặc bị băng cào cuốn đi như chơi. Còn bên trên, bất cẩn va đầu vào những thanh đỡ chống lò là nhẹ, nguy hiểm hơn là quệt phải hệ thống tro-lay tải điện cao thế để trần chỉ cách đỉnh đầu non tầm tay với.

Ðang chuẩn bị rẽ vào Công trường khai thác số 6 thì Quản đốc Phạm Bá Tước ra hiệu dừng lại: Chuẩn bị nổ mìn.

Bụp! Bụp! Bụp! Một loạt quả nổ.

Tiếng mìn trong lòng đất không lớn nhưng cũng khiến lồng ngực tưng tức. Hầm lò rung lên và than lả tả rơi xuống đầu, làm tôi nhớ lại cảnh ngồi hầm chữ A tránh bom tọa độ thời chiến tranh.

Còi báo yên vang lên. Máng cào than bắt đầu chạy. Dưới ánh đèn mỏ, một dòng suối than lấp lánh từ trong lòng đất hun hút tuôn ra, mải miết chảy về phía đường lò chính. Chúng tôi men theo bờ suối than mà ngược lên tận nguồn. Từ xa đã thấy loang loáng ánh đèn mỏ và tiếng người, tiếng cuốc, nhộn nhịp và hối hả. Lò chợ đang vào buổi 'chợ đông'. Trên đoạn hầm lò chừng 60 mét, mấy chục thợ tất bật, người cuốc than, người điều chỉnh giá đỡ. Không khí đặc quánh bụi than, hầm hập hơi nóng. Có quãng, than đùn ra lấp chật lòng hầm, chúng tôi phải nhoài người trườn qua những đống than hôi hổi nóng. Công trường số 6 là đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu sản lượng của mỏ than Hà Lầm. Chín tháng đầu năm, họ đã khai thác 190 nghìn tấn than nguyên khai và đưa thu nhập bình quân đầu người lên 9 triệu đồng/tháng. Ở một ngã ba hầm lò dày đặc cột chống thủy lực, chúng tôi bắt chuyện với thợ trẻ Ðỗ Văn Vương. Anh cười thật thà: Làm thợ lò vất vả lắm nhưng quen rồi thấy vui. Vui nhất là những tháng vượt nhiều ngày công và nhận được nhiều tiền. Vương mới vào nghề một năm, lương mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Chàng trai 26 tuổi tâm tư: 'Em cố gắng làm mỗi tháng từ 22 đến 25 ngày công để có tiền giúp gia đình và còn để lấy vợ, làm nhà nữa'.

Công nhân mới vào nghề một năm mà lương tháng hơn 10 triệu đồng, nghe qua thật hấp dẫn. Nhưng với thợ lò, để có được 25 ngày công mỗi tháng như Vương không phải dễ. Tôi đã gặp Nguyễn Trọng Thái, người sáu năm liền được tuyên dương là thợ đào lò giỏi nhất của ngành than, luôn có mặt ở nơi khó khăn, như  khi vượt khay gặp đá, gặp nước hoặc đường lò sâu. Thái bộc bạch: Vào nghề từ năm 20 tuổi, 17 năm làm thợ đào lò, đến nay mỗi tháng anh làm 'kịch trần' cũng khoảng 22-24 ngày công. Thợ lò là nghề lao lực nên những người trên 45 tuổi rất khó theo kịp, vì thế bình quân lao động chỉ đạt khoảng 18-20 ngày công mỗi tháng.

Có xuống tận lò chợ xem thợ mỏ đào than và nghe chuyện đi rửa phổi mới hiểu phần nào nỗi nặng nhọc của nghề làm than. Không những thế, đây là nghề nguy hiểm. Con số mới nhất mà ngành Lao động, Thương binh - Xã hội tỉnh Quảng Ninh đưa ra quả nhức nhối: Mười tháng đầu năm, trong 23 vụ tai nạn lao động làm chết 27 người trên địa bàn tỉnh thì ngành than đã có 19 vụ, làm chết 23 người. Mới đây nhất, ngày 12-11 một vụ bục nước ở mỏ than Dương Huy cũng đã làm bốn người chết, một người bị thương. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất cũng ước tính có khoảng 1.500 thợ lò bỏ việc từ đầu năm đến nay. Hỏi chuyện thợ lò, một số  người thẳng thắn: Nếu có một công việc ổn định, dù thu nhập chỉ bằng một nửa mức lương thợ lò nhưng được ở gần nhà và không lao lực thì họ sẵn sàng đổi nghề. Bởi thế, giữ chân thợ lò đang là vấn đề thời sự nóng ở vùng than Quảng Ninh. Ðồng chí Lê Minh Chuẩn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, ngành than vừa có một cuộc hội thảo về vấn đề này, đồng thời phân tích: Xã hội càng phát triển, cơ hội lựa chọn nghề của người lao động càng nhiều. Vì vậy, muốn giữ chân thợ lò, vấn đề mấu chốt là phải cải thiện cơ bản điều kiện, môi trường làm việc cũng như chế độ lương và chính sách khác để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của công nhân vùng mỏ.

Từ nhiều năm nay, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò là một nội dung rất được ngành than chú trọng. Lao động cơ bắp của người thợ đã giảm nhiều. Trước đây, để khai thác một nghìn tấn than phải sử dụng đến 50 m3 gỗ làm cột chống lò thì nay chỉ cần 10 m3, có nơi giảm chỉ còn 3 m3. Ðiều này đồng nghĩa với việc giải phóng sức thợ trong vận chuyển vật liệu chống lò. Thợ mỏ đi làm đã có xe đưa đón hoặc lên xuống hầm lò bằng mô-nô ray. Không chỉ áp dụng hệ thống chống lò thủy lực, nhiều đơn vị đã đưa vào sử dụng giá khung di động, vừa nâng năng suất khai  thác vừa bảo đảm an toàn cao hơn cho thợ lò. Chúng tôi cũng đã được tắm chung với thợ lò lúc tan ca, có đầy đủ nước nóng, xà-phòng, khăn sạch và hệ thống giặt, sấy áo quần trong nhà tắm khá hiện đại và sạch sẽ. Càng hiểu vì sao khi từ dưới hầm lò lên mặt đất, đồng chí Phó Giám đốc, Bí thư Ðảng ủy Công ty CP than Hà Lầm Vũ Thanh Nhàn động viên: 'Chúng ta chịu khó leo bộ, để dành ca-bin mô-nô ray cho anh em thợ'. Rồi anh hướng dẫn chúng tôi thắt đai nối vào hệ thống cáp tời hỗ trợ để leo cả ngàn bậc dốc từ dưới lòng đất lên miệng lò.

Các đồng chí lãnh đạo Công ty CP than Hà Lầm kiến nghị: Doanh nghiệp sẽ cố hết sức để anh em thợ giảm tải vất vả trong công việc và có đời sống vật chất, tinh thần khá hơn. Nhưng chưa đủ. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất lao động nặng nhọc và nguy hiểm của thợ mỏ. Cần quy định thợ lò là nghề đặc thù để tính tỷ lệ thâm niên ưu đãi và giảm độ tuổi quy định xuống dưới 50 tuổi. Mặt khác, ngoài việc tạo cơ chế để doanh nghiệp nâng lương cho người lao động, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ công nhân mỏ như ưu tiên quỹ đất và ưu đãi vốn vay làm nhà ở, v.v.

Hà Lầm không phải là điểm nóng về vấn đề thợ lò nghỉ việc, không chỉ vì nằm gần trung tâm thành phố Hạ Long, mà quan trọng hơn là đơn vị này đã có cách để không trở thành điểm nóng. Tôi nhớ mãi 'giấc mơ làm nhà, lấy vợ' thật giản dị của chàng thợ mỏ Ðỗ Văn Vương và những nụ cười lấm lem than bụi nhưng rất tự tin và rạng rỡ của anh em trong lò chợ Công trường số 6 khi họ đùa tếu hát câu 'Tôi là người thợ lò' thành 'Lo là người thợ tồi'. Tôi nhận ra, dẫu nghề làm than vẫn còn 'lầm than' và lao lực, nhưng vùng mỏ này đã và đang hấp dẫn, dưỡng nuôi khát khao và ý chí lập nghiệp,  lập thân của bao chàng trai trẻ.

Không lâu nữa, Hà Lầm sẽ chính thức đóng cửa các mỏ than lộ thiên. Ðể chuẩn bị cho tương lai, một khai trường mới ở dưới độ sâu âm 300 mét sắp được mở ra với trữ lượng cỡ 120 triệu tấn, bảo đảm sản xuất cho bốn nghìn rưỡi thợ mỏ trong vòng 45 năm. Cũng như Hà Lầm, lần lượt các khu mỏ khác rồi sẽ chuyển hướng chiến lược khai thác xuống sâu trong lòng đất. Nhưng muốn xuống càng sâu thì phải có điều kiện càng cao. Ðiều kiện đó trước hết là công nghệ, thiết bị khai thác hiện đại và một đội ngũ thợ mỏ có trình độ, kỹ năng tiên tiến.

Hai năm nữa, một dòng suối than bắt nguồn từ hầm lò có độ sâu nhất Việt Nam sẽ chảy tràn lên mặt đất. Cho dù thời khắc đó chưa đến, nhưng tôi tin chắc rằng dòng suối 'vàng đen' càng đen thì càng lấp lánh và săn chảy. Bởi trong mỗi hòn than nhỏ ấy không chỉ tiềm tàng nguồn năng lượng trầm tích từ hàng trăm triệu năm xưa mà còn tinh kết cả ý chí và cảm xúc của những người thợ mỏ ngày hôm nay.

 

                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục