Giá nhiều loại thuốc đua nhau tăng khiến người bệnh thêm khốn khó

Giá nhiều loại thuốc đua nhau tăng khiến người bệnh thêm khốn khó

Theo các chuyên gia y tế, việc vin vào cớ ngoại tệ lên giá hay dịch bệnh, thiên tai để tăng giá thuốc, “bóp cổ” người bệnh là điều không thể chấp nhận

 

Cục Quản lý dược Bộ Y tế vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, TP và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh dược phẩm yêu cầu kiểm tra, giám sát thị trường thuốc chữa bệnh để góp phần bình ổn giá mặt hàng này. Đây là động thái can thiệp khẩn của cơ quan đầu ngành y tế khi giá thuốc “té nước theo mưa”, tăng chóng mặt thời gian qua.

 
Ào ào tăng!
 
Khu phân phối sỉ dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 – TPHCM những ngày gần đây có khá đông người đến mua thuốc theo toa. Nhiều người cho biết thuốc ở đây vốn rẻ hơn nhà thuốc bệnh viện hay nhà thuốc bán lẻ.
 
Tuy nhiên, không như trước đây, họ phải trả thêm hơn 10% số tiền cho mỗi toa do giá thuốc tăng. Ông Đào Văn Thinh (quê Khánh Hòa) cho biết: “Hằng tháng, tôi lại vào TPHCM khám viêm gan siêu vi B. Mỗi lần mua thuốc, tôi thường cầm toa tới khu Tô Hiến Thành này. Trước đây, trung bình mỗi lần tôi mua hết 750.000 - 800.000 đồng nhưng lần này phải mất hơn 1 triệu đồng”.
 
Khảo sát một số nhà thuốc và chợ sỉ thuốc tại TPHCM trong tuần qua, chúng tôi nhận thấy nhiều loại tân dược, đông dược, thuốc nội, thuốc ngoại, kháng sinh, vitamin, biệt dược... đều tăng giá.
 
Trong đó, có loại đã tăng đến gần 3 lần, như thuốc Tam thất OPC từ 17.000 đồng tăng lên 42.000 đồng. Nga Phụ Khang từ 110.000 đồng nay niêm yết giá 157.000 đồng/hộp; Genteal Collyre từ 59.900 đồng lên 64.000 đồng/lọ; Cipro Floxacin 500 mg 45.000 đồng lên 50.000 đồng/hộp...
 
Tại Hà Nội, các nhà thuốc ở các phố Hai Bà Trưng, Bạch Mai... cho biết từ đầu tuần đã nhận được thông báo điều chỉnh giá nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng của nhà phân phối.
 
Trong đó, điều chỉnh mạnh nhất là các loại thuốc Cerebrolysin 10 ml, Cerebrolysin 5 ml, Viatril.S, Tegretol 200 mg hộp, Voltaren...; các thực phẩm chức năng Estromineral, Ceclor 125 mg, Augmentin, Zinnat...
 
 
Giá nhiều loại thuốc đua nhau tăng khiến người bệnh thêm khốn khó. Ảnh: NGỌC DUNG


Theo chị Thu Hằng, nhân viên một nhà thuốc trên phố Bạch Mai, điều chỉnh tăng giá đợt này hầu hết là các loại thuốc nhập khẩu. Ngoài một số được điều chỉnh tăng khoảng 5.000 đồng, giá nhiều loại thuốc nhập khẩu đã tăng phổ biến 10.000 - 30.000 đồng.
 
“Không hiểu sao giá thuốc cứ ào ào tăng những ngày qua. Trong đó, nhiều loại mới nhập giá còn cao hơn các hiệu thuốc đang bán” - chị Hằng cho biết.
 
Theo Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh dược VN, trong tháng 10-2010, hàng loạt mặt hàng thuốc đã tăng giá. Tại TPHCM, trong 1.000 mặt hàng tân dược được khảo sát, nhiều loại kháng sinh, hạ sốt, vitamin ngoại nhập đều tăng giá, có loại tới 11,6%.
 
Còn tại Hà Nội, có 37 lượt mặt hàng thuốc tăng giá với mức trung bình 3,8%. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường dược phẩm trong nước có thể có điều chỉnh tăng giá.
 
Tăng giá trước, kê khai sau
 
Theo quy định của Bộ Y tế, muốn tăng - giảm giá thuốc thì bắt buộc phải kê khai lại giá trước. Tuy nhiên, không ít hãng dược tăng giá trước, xin kê khai sau. Ngoài ra, nhiều DN kinh doanh, sản xuất thuốc ghim hàng từ đầu năm, chờ đến thời điểm cuối năm lại tung ra và tăng giá.
 
Có nhiều lý do để giới kinh doanh, sản xuất đồng loạt đẩy giá thuốc lên cao, trong đó chủ yếu là vin vào cớ giá ngoại tệ (USD, euro) tăng. Thậm chí, có nhiều đơn vị “ăn theo” cả dịch bệnh, lũ lụt.  Theo các chuyên gia y tế, đây là điều khó chấp nhận, không thể cứ lợi dụng chuyện ngoại tệ lên giá hay dịch bệnh, thiên tai để “bóp cổ” người bệnh.
 
Một chuyên gia phân tích: “Thông thường, vào thời điểm cuối năm, các hãng dược trong nước giữ nguyên giá bán và tăng khuyến mãi rất nhiều, thời gian khuyến mãi cũng rất dài nên khó có thể có chuyện tăng giá mạnh. Còn về phía DN nhập khẩu thuốc, tỉ giá USD/VNĐ chỉ tăng vài chục đồng, tính trên giá thành của hàng triệu viên thuốc là không đáng kể. Vì vậy, không thể lợi dụng điều này để tăng giá thành thuốc”.
 
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, đang soạn thảo thông tư thay thế quy định cũ theo hướng tăng cường trách nhiệm và siết chặt quản lý giá thuốc.
 
Một trong những nội dung “siết” này quy định: Cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc nếu không tiến hành kê khai, kê khai lại giá thuốc theo quy định, bán thuốc cao hơn giá đã kê khai sẽ bị tạm dừng cấp số đăng ký và dừng tiếp nhận hồ sơ thông tin quảng cáo...
 
Hạn chế tối đa việc tăng giá
 
Theo văn bản gửi sở y tế các địa phương nêu trên, Cục Quản lý dược yêu cầu tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá thuốc, kê khai, kê khai lại giá thuốc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, đặc biệt đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, tăng giá khi chưa tiến hành kê khai lại theo quy định và chưa được tổ công tác liên ngành xem xét tính hợp lý. 
 
Cục Quản lý dược yêu cầu các DN sản xuất, kinh doanh dược không được tự ý tăng giá, không để gián đoạn việc cung ứng thuốc, đặc biệt đối với loại trúng thầu cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
 
Nghiêm cấm DN kinh doanh đầu cơ, tích trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sản xuất cầm chừng hoặc không tiến hành sản xuất, gây khan hiếm thuốc giả tạo, đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.
 
Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo các DN sản xuất, kinh doanh dược phẩm bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng, chữa bệnh; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhất là các loại thiết yếu, chuyên khoa, đặc trị; hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc. Nếu DN được phép điều chỉnh giá thuốc phải báo cáo để cục công bố kịp thời.

Tăng lực cho thuốc nội

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thuốc ngoại lấn thuốc nội trên sân nhà là thực tế phổ biến hiện nay.
 
Bởi lẽ, thuốc ngoại được ưu ái hơn về mọi phương diện, trong đó việc quảng bá sản phẩm. Hơn nữa, người bệnh và cả bác sĩ kê toa cũng chưa đặt niềm tin ở thuốc nội.
 
Chính vì vậy, thuốc nhập khẩu có cơ hội làm giá, tăng giá tràn lan. “Chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” do Sở Y tế TPHCM vừa triển khai với sự tham gia của hàng chục DN dược phẩm sẽ góp phần nào làm tăng lực cho thuốc Việt.
 
Tuy nhiên, về vĩ mô, căn cơ lâu dài, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích thuốc Việt, bảo hộ thuốc trong nước, hạn chế nhập các loại thuốc mà trong nước đã có sản phẩm thay thế, không để thuốc ngoại bành trướng...” – bà Lan nói.
 
Trong khi đó, ông Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, cho rằng để ngăn chặn việc tăng giá thuốc bất hợp lý, Nhà nước cần nhanh chóng xác định danh mục các thuốc cần kiểm soát giá, chủ yếu là khoảng 1.000 loại độc quyền trên thị trường dược phẩm VN.
 
Theo ông Truyền, thị trường thuốc hiện chỉ có 2 loại là thuốc độc quyền và không độc quyền. Ngoài ra, cần xây dựng phương pháp định giá trần đối với các thuốc độc quyền, các biệt dược mới phát minh; BHYT cần kiểm soát giá thuốc và đấu thầu thuốc...

Điều tra để dự báo chính xác

Làm việc với Bộ Y tế cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để quản lý giá thuốc có hiệu quả, phải giải được bài toán cung - cầu.
 
Do đó, Bộ Y tế cần tiến hành điều tra quy mô toàn quốc nhu cầu sử dụng thuốc của thị trường để đưa ra những dự báo chính xác, tạo điều kiện cho DN sản xuất theo nhu cầu để tránh tình trạng liên kết tăng giá thuốc bất hợp lý.
 
Luật Dược quy định rõ Bộ Y tế phải công bố giá thuốc tối đa đối với các thuốc do ngân sách Nhà nước và quỹ BHYT chi trả nhưng theo cơ quan quản lý, việc công bố giá trần này có thể sẽ làm tăng giá thuốc.
 
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, thị trường đang lưu hành khoảng 22.000 mặt hàng thuốc với trên 1.500 hợp chất, mỗi hợp chất lại có nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nơi sản xuất khác nhau... nên việc xác định mức giá trần cho tất cả là điều không thể.
 
Nếu công bố giá trần thì dù thuốc nội hay thuốc ngoại, cứ cùng chủng loại sẽ có cùng mức giá. Như vậy, vô hình trung sẽ đẩy giá thuốc trong nước lên cao ngang bằng thuốc ngoại, dù thực tế thấp hơn nhiều.
 
Quy định đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế công lập dù đã thực hiện 4 năm nay nhưng ngày càng bộc lộ nhiều kẽ hở.
 
Theo nguyên tắc mua sắm đơn giản nhất, mua nhiều giá sẽ thấp nhưng thực tế ở nhiều nơi, giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện lại cao hơn giá thị trường.
 
Vì thế, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nghị định về đấu thầu thuốc

 

                                                                                 Theo NLĐ

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục