Thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp, người dân xã Thung Nai tranh thủ lúc nông nhàn chẻ tăm tre để bán tăng thêm thu nhập.

Thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp, người dân xã Thung Nai tranh thủ lúc nông nhàn chẻ tăm tre để bán tăng thêm thu nhập.

(HBĐT) - Bình yên ngay từ trong tên gọi, xã Thung Nai (Cao Phong) nằm trên thượng lưu vùng hồ Hòa Bình giống như một dấu lặng nhỏ xinh giữa mênh mang sông nước. Trái ngược với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống của người dân nơi đây còn quá chật vật với gánh nặng mưu sinh, bài toán giảm nghèo bao năm nay vẫn chưa tìm được đáp án.

 

Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuy đã ra khỏi xã 135 nhưng Thung Nai vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là dân sinh. Nhìn chung, người dân trong xã mưu sinh rất chật vật vì chưa xác định được nhân tố mới trong phát triển kinh tế. Nông nghiệp thì manh mún, nhợt nhạt, kém hiệu quả. Du lịch – dịch vụ mới dừng ở mức manh nha. TTCN thì èo uột. Trên địa bàn xã không có doanh nghiệp nào. Các dự án đầu tư tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng vắng bóng…

         

Là xã vùng cao của huyện Cao Phong, xã Thung Nai nằm trên thượng lưu hồ Hòa Bình, dân tộc Mường chiếm 93% dân số. Trong cơ cấu kinh tế của xã, ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 70%, còn lại là ngành du lịch – dịch vụ và TTCN. Tuy nhiên, nói như Chủ tịch xã Bùi Văn Nhân, cả “ngành chính” lẫn “ngành phụ” đều nghèo nàn, bấp bênh, chật vật. Điều này đồng nghĩa với mức thu nhập ít ỏi mà người dân Thung Nai sở hữu. Đơn cử như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người nơi đây chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 52,96% dân số trong xã. Theo kế hoạch, năm nay, xã phấn đấu đến hết năm sẽ giảm tỷ lệ này xuống còn 50%. Chỉ nhìn vào con số thôi cũng đã đủ để hình dung chặng đường dài mà chính quyền và người dân xã Thung Nai phải vượt qua trên hành trình xóa đói  - giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nói về chuyện cơm áo, gạo tiền, anh Bùi Văn Huy, trưởng xóm Tiện thở dài: “Thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, tự sản, tự tiêu nên nhiều hộ đã thoát được cái đói, còn cái nghèo thì vẫn bám riết không tài nào dứt ra được…”

 

Quả thực, nếu chỉ bám vào nông nghiệp thì cố gắng lắm, người dân xóm Tiện cũng chỉ “xóa đói” được thôi chứ chưa thể “giảm nghèo”. Sau bao nhiêu năm gắng gượng, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xóm vẫn “treo” lơ lửng trên cao với con số 70%. Nghĩa là trong 127 hộ dân sinh sống nơi đây có tới 90 hộ nghèo. Những hộ còn lại, dù không thuộc diện nghèo nhưng kinh tế cũng chẳng lấy gì làm khấm khá.

 

Trưởng xóm Bùi Văn Huy buồn rầu kể: Trên địa bàn xóm Tiện, đất đai chủ yếu là đất đồi, còn mấy chục ha đất nông nghiệp thì chủ yếu là đất bán ngập, bởi vì sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước sông Đà nên cũng bấp bênh theo sự lên xuống của con nước. Nông dân chúng tôi rất chật vật khi gieo trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, mía, ngô, rau, đậu…. Không chỉ riêng xóm Tiện, cả xóm Chiềng và xóm Đoàn Kết gần đây cũng thế. Nói đâu xa, ngay như vụ hè - thu vừa rồi, hơn chục hộ dân xóm Chiềng đã rơi vào thế lao đao khi không kịp thu hoạch thì nước đã dâng lên làm ngập gần chục ha mía. “Trồng cây trên đất của mình mà mạo hiểm như đánh bạc với con nước. Khó làm lắm…” – trưởng xóm Bùi Văn Huy không nén nổi tiếng thở dài.

 

Tại xã Thung Nai, nông nghiệp là kinh tế chủ đạo nhưng giá trị lại không cao với quanh đi, quẩn lại chỉ có những cây, con quen thuộc đến mức nghèo nàn như lúa, ngô, khoai, mía, trâu, bò, lợn, dê… Đây là nguyên nhân khiến đời sống của người dân rơi vào thế bí. Mưu sinh quá chật vật, không còn lựa chọn nào khác, nhiều người trong độ tuổi lao động – nhất là thanh niên phải rời bỏ quê hương để đi làm ăn xa. Gần thì ra thành phố Hòa Bình, xa thì bươn xuống Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí vào tận miền Nam tìm kế sinh nhai.

 

Anh Nguyễn Xuân Sang, Phó ban xóa đói - giảm nghèo xã cho biết: Cả xã có khoảng 300 người trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm ổn định, nhất là vào những lúc nông nhàn. Chính vì vậy, lựa chọn bất đắc dĩ là rời quê hương đi làm ăn xa. Nhiều hộ gia đình chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Có hộ nghèo đến nỗi mâm cơm không có đủ đũa lành mà ăn. Nợ ngân hàng ít hộ trả được lãi định kỳ hàng tháng nên cứ lãi mẹ đẻ lãi con, sau mấy năm không trả được nợ, số tiền lãi đã dồn lên bằng với tiền gốc, thế là nợ chồng lên nợ. Hiện, Thung Nai là xã có tỷ lệ lãi tồn tại Ngân hàng CSXH cao nhất huyện Cao Phong – anh Sang ngượng ngùng xác nhận.

 

Trong 6 xóm của xã Thung Nai, có lẽ bức tranh kinh tế của xóm Mới là sắc nét hơn cả với sự xuất hiện của nghề nuôi, đánh bắt thủy sản. Hiện, cả xóm có 9 hộ nuôi cá lồng, tổng diện tích nuôi thủy sản khoảng 5 ha. Trong 9 tháng năm 2012, sản lượng nuôi thủy sản và đánh bắt cá tự nhiên đạt khoảng 15 tấn, giá trị khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, một số hộ còn mạnh dạn đầu tư thuyền và các dịch vụ ăn uống để phục vụ khách du lịch. Đây là những đốm sáng ít ỏi, giống như ánh sáng của loài đom đóm, dù chỉ lập lòe thôi cũng đủ để xua bớt phần nào bóng tối đang bao trùm trong đêm. Trong hành trình xóa đói - giảm nghèo, người dân xã Thung Nai luôn mong mỏi có thêm những đốm sáng như vậy.    

 

 

                                                                             Thu Trang

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục