Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Seyoung INC Hàn Quốc (KCN Lương Sơn) phát triển sản xuất, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may của tỉnh đạt 24,8 triệu USD, tăng 73,35% so với năm 2012.

Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Seyoung INC Hàn Quốc (KCN Lương Sơn) phát triển sản xuất, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may của tỉnh đạt 24,8 triệu USD, tăng 73,35% so với năm 2012.

(HBĐT) - Tỉnh ta đi qua năm 2013 - một năm biết bao khó khăn, thách thức. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Lãi suất giảm nhưng dư nợ chưa tăng nhiều. Chỉ số lạm phát ở mức thấp cho thấy, nguồn tiền cạn kiệt, doanh nghiệp, người dân chắt bóp chi tiêu. Dù số thu ngân sách đạt dự toán nhưng một số địa phương hụt thu lớn rồi thiên tai, dịch bệnh, thời tiết khó khăn, giá cả đầu vào tăng, hiệu quả sản xuất, chăn nuôi thấp...

 

Chính trong bối cảnh muôn vàn khó khăn ấy lại càng khẳng định sức mạnh nội lực từ tinh thần đoàn kết thống nhất, trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta đồng lòng, sáng tạo vận dụng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể với nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đi vào thực chất và đạt được hiệu quả đã mang lại vượt khó của các cấp chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đậm màu tươi mới. Tăng trưởng kinh tế cả tỉnh đạt 10,2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,35%. Thu nhập bình quân đạt 20,7 triệu đồng/người. Trong khó khăn chung, nhiều lĩnh vực then chốt của  tỉnh đã có những khởi động tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Về thu ngân sách Nhà nước, những tưởng cả năm sẽ hụt thu, ấy vậy, tỉnh đã đáp đích hơn 2.000 tỷ đồng, vượt dự toán. Dư nợ tín dụng lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 17%, hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt trên 6.627 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế chậm phục hồi, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đem lại tín hiệu lạc quan, chứng tỏ Hòa Bình tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án triệu đô được khởi công, đi vào vận hành, tạo ra năng lực sản xuất mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi Comfeed Jafa của Japfa Comfeed (Indonesia) - Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi, tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm chính thức hoạt động, thực hiện mô hình sản xuất - kinh doanh khép kín từ chế biến sản phẩm, lai tạo con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Hàng loạt các dự án của  nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông đã chọn KCN Lương Sơn triển khai dự án đang đi vào hoạt động thử, góp phần “phá băng” tình hình ảm đạm trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh. Tập đoàn BTG Holding (Slovakia) triển khai dự án xây dựng nhà máy bia Tiệp lớn nhất châu á, vốn đầu tư 86 triệu euro. Dự kiến tháng 11/2015, khi đi vào hoạt động, nhà máy có công suất 190 triệu lít/năm. Tập đoàn này  không chỉ triển khai đầu tư hạ tầng KCN Lạc Thịnh (Yên Thủy) diện tích trên 200 ha mà có kế hoạch triển các dự án nhà máy khí đốt sinh khối, nhà máy sản xuất vật liệu cách điện bằng bông sợi khoáng, nhà máy chế biến sữa và nhà máy pin mặt trời, nhà máy sản xuất chip điện tử, nhà máy sản xuất sợi tổng hợp qua tái chế, nhà máy sản xuất cồn... Trong tương lai gần, các dự án này sẽ mang lại những cơ hội cho Hòa Bình cất cánh. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi cũng phát huy tác dụng cao. Tình hình giải ngân các nguồn vốn tiếp tục được cải thiện. Nhiều công trình, dự án được gỡ khó về nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhiều công trình phát huy hiệu quả đầu tư. Với dự án đường 12B - Kim Bôi hoàn thành, Hòa Bình trở thành điểm sáng trong tháo gỡ khó khăn của tỉnh đến cơ sở và người dân, tỉnh ứng ngân sách hỗ trợ triển khai dự án, người dân ứng mặt bằng thi công dù cho đến nay chưa nhận tiền đền bù. Đối với lĩnh vực nông nghiêp trong khó khăn vẫn có sự phát triển ổn định và bền vững. Trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến đang mang lại cơ hội xóa nghèo cho nông dân.  Đã xuất hiện tư duy mới, cách làm mới trong phát triển vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn kết với thị trường tiêu thụ ở nhiều miền quê. Người dân tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Số hộ thu nhập tiền trăm triệu, tiền tỷ đồng từ chăn nuôi, trồng trọt không ngừng gia tăng. Nông dân Cao Phong thắng mía, trúng cam có tiền tỷ, tiền trăm triệu. Nông dân vùng cao Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc trồng ngô mà có của ăn, của để. Nông dân Lương Sơn có tiền trăm triệu từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ... 

Hòa Bình bước vào năm mới trong hành trang của thành tựu KT-XH. Hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở được kiện toàn, củng cố đang phát huy sức mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục chuyển biến mạnh. Tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được củng cố,  tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng lòng xây dựng quê hương. 

Những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh giành được là sự phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp từ cội nguồn dân tộc, từ bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, từ truyền thống kiên cường cách mạng của tỉnh ta, từ sự đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm và trong cách tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ sự cộng đồng trách nhiệm cao của cấp, ngành, địa phương cùng lo toan việc dân, việc nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH đổi mới, năng động theo hướng gần dân, sát thực tiễn, nắm bắt những khó khăn của cơ sở, đưa ra các phương thức chỉ đạo quyết liệt và kịp thời.

Xuân đang tới ngọt ngào, no ấm, trải dài, rộn rã khắp mọi miền quê hương. Biết bao chương trình, dự án tạo ra nguồn lực mới phát triển KT-XH đang làm thay đổi căn bản cuộc sống người dân. Núi rừng có điện đã thay sao. Những con đường xóa đói - giảm nghèo nối dài vươn tới vùng cao, khó khăn. Trong nhà nông dân đầy ngô, thóc, đầy ắp tiếng cười vui hạnh phúc. Sản vật nông nghiệp sẵn sàng đón xuân sang. Tiếng cồng Mường Thàng âm vang trên thảo nguyên lộng gió bạt ngàn mía, cam. Đồng ruộng lên xanh màu tươi mới khắp quê hương Mường Động. Những chàng trai, cô gái  ánh mắt rạng ngời trên vựa lúa Mường Vang. Nông dân Yên Thủy cần mẫn ươm mầm xuân trên đất đá khô cằn. Núi rừng Hang Kia - Pà Cò đón xuân trong sắc trắng hoa mơ, hoa mận, trong sắc đỏ hoa đào, trong tiếng khèn gọi bạn đong đưa, lảnh lót dưới chân núi Xà Lĩnh. Men rượu cần đắm say, dập dìu lứa đôi, lúng liếng đưa tình đêm bản Lác. Núi rừng Mường Bi hồi hộp mong ngày Khai hạ  trong tiếng chồi non cựa mình thức giấc.  

Hòa Bình đang bước vào mùa xuân mới Giáp Ngọ 2014 với những khát khao cháy bỏng. Xuân trong hành động trách nhiệm cao của các cấp lãnh đạo, đến mỗi người dân cùng nỗ lực chăm lo phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

 

                                                                   Lê Chung

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục