(HBĐT) - Cách thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) hơn 30 km, giữa bạt ngàn núi rừng, nơi chỉ toàn đá tai mèo sắc lẹm, khô cằn, nhờ bàn tay lao động cần cù và óc thông minh, sáng tạo, những con người dám nghĩ, dám làm đã thực sự biến “sỏi, đá thành cơm” làm nên một kỳ tích. Đó là anh Hà Văn Hưng ở xóm Bái, xã Nam Sơn. Năm 1996, với ý chí quyết tâm thoát nghèo, không chịu khuất phục trước khó khăn, anh Hưng đã cùng gia đình cải tạo biến vùng đất rộng hơn 6.000 m2 lởm chởm đá thành trang trại cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Ngày vợ chồng anh Hưng đặt nhát cuốc đầu tiên xuống mảnh đất này, với ý định làm trang trại, anh đã bị nhiều người cho là “gàn dở” bởi khu đất toàn đá này không chỉ nằm tách biệt hẳn làng xóm, không đường, điện, thiếu nguồn nước..., bản thân gia đình anh thiếu vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật, thâm canh còn hạn chế, thậm chí, khi đó anh Hưng cũng chưa biết nên trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả.

 

Thấm thoắt cũng được hơn 15 năm anh Hưng rời làng, đưa gia đình lên núi với cuộc sống tự cung, tự cấp, đơn độc. Là người  từng trải, mang nhiều nỗi trăn trở về những khát vọng đổi đời, anh Hà Văn Hưng đã từng lặn lội trong Nam, ngoài Bắc, vào tận miền đất đỏ Tây Nguyên để tìm đất làm trang trại với ước mong đổi đời. Đất đai, giàu có không thấy đâu nhưng bao nhiêu vốn liếng tích cóp hàng năm trời của 2 vợ chồng anh cũng đã vơi dần theo những chuyến đi tìm “miền đất hứa”.

 

Năm 1996, sau nhiều lần thất bại, anh Hưng bàn với vợ trở về quê hương. Trong một lần đi núi, anh thấy vùng đất chân núi Thung Lụt có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng lại bị bỏ hoang, anh về vận động gia đình và quyết tâm lên núi lập nghiệp. Đất nhiều đá, ngày ngày anh Hưng cày cuốc, động viên vợ con nhặt đá gom thành đống để lấy chỗ trồng trọt. Đất không phụ công người, từ một khu đất hoang dần dần hơn 6.000 m2 đã trở nên bằng phẳng, không còn lẫn đá, hình thành một trang trại hàng năm cho thu nhập khá ổn định.

 

Vượt qua những khó khăn trong suốt thời gian qua, anh Hưng đã cùng với gia đình đào đất, phá đá, dẫn nước từ khe núi về và từng bước tìm ra những giống cây trồng phù hợp với đồng đất, khí hậu nơi đây... Đôi bàn chân chai sần của anh nông dân Hà Văn Hưng cứ thoăn thoắt đạp lên đá núi lởm chởm, sắc lẹm đưa chúng tôi về phía rừng quế của gia đình nằm sâu trong núi. Đến nay, đồi quế ở vùng núi Thung Lụt đã trồng được khoảng hơn 3 ha và tiếp tục trồng thêm để phủ xanh nốt diện tích còn lại... Cứ thế, từng ngày từng ngày, những khu đất núi đá tai mèo khô cằn đã hồi sinh, khoác lên nó một màu xanh, màu xanh của cây cối, màu xanh của sự sinh sôi phát triển với nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây quýt, quế... Thành quả của sự lao động cần cù, vất vả đã được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, trên khu đất dốc lởm chởm đá tai mèo này, gia đình anh Hưng đã trồng được trên 600 gốc quýt cổ Nam Sơn. Cây quýt đã phát triển tốt và cho thu hoạch mỗi năm vài chục triệu đồng. Nhìn lượng quả vụ quýt năm nay, anh Hưng ước tính chắc chắn sẽ có trăm triệu đồng trong tay. Với những khoảng đất trống còn lại, để tận dụng, gia đình anh trồng xen cây màu ngắn ngày như: ngô, sắn, đậu tương. Không chỉ vậy, cách đây 9 năm, anh Hưng đã đưa cây quế lên vùng đất đá này để trồng, hợp đất, hợp khí hậu, cây quế cứ thế đua nhau vươn lên. Đến nay, lứa quế đầu tiên đã được 9 năm tuổi và phát triển tốt. Ngoài cây quế, quýt, anh còn chú trọng phát triển gia súc, gia cầm. Hiện nay, trong chuồng gia đình anh lúc nào cũng duy trì được đàn gà khoảng 200 con và vài con trâu.

 

Với sự quyết tâm, anh Hưng đã làm được điều kỳ diệu. Tấm gương của anh nông dân Hà Văn Hưng sẽ làm cho nhiều người phải suy nghĩ: trong cuộc sống phải biết nỗ lực, vững tin vào cuộc sống ngày mai tươi đẹp hơn. Khi có sức, có nỗ lực, có niềm tin, có đất thì sẽ làm được tất cả. Sự cần mẫn, ý chí, dám nghĩ, dám làm của anh Hưng đã có tác dụng cổ vũ rất lớn cho phong trào tận dụng, cải tạo đất đồi bãi hoang hóa để phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu của nhiều nông dân nơi đây.

 

 

 

                                                              Minh Thủy

                                              (Trung tâm Truyền thông GDSK)

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục