Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại hội trường.

(HBĐT) - Sáng ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, sau khi nghe Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014; nhiệm vụ năm 2015 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, có thể nói Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá đầy đủ và toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực trong tổ chức quản lý, điều hành của Chính phủ cho thấy: Tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các công trình hạ tầng giao thông được đẩy nhanh vượt tiến độ và đạt chất lượng; Lãi suất liên tục giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tốc độ nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý; Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh, tình trạng đôla hóa, vàng hóa từng bước giảm dần; Việc ban hành Luật đầu tư công và kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tạo sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước; điều hành thu ngân sách đạt khá so với cùng kỳ năm trước, các nhiệm vụ chi đảm bảo theo dự toán, nợ công vẫn trong giới hạn cho phép. Điều hành giá xăng dầu ổn định theo cơ chế thị trường, bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mang lại lợi ích cho xã hội và người tiêu dùng. Cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan có những chuyển biến tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều cử tri cho rằng nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

 

Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Sản xuất- kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Trong 9 tháng năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525 doanh nghiệp, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244 doanh nghiệp, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873 doanh nghiệp. Trong đó, có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3%, so với cuối năm 2013. Trước tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp dẫn đến nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định tập trung chủ yếu vào tầng lớp thanh niên. Sự khó khăn của doanh nghiệp chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế đất nước. Do đó, nhiều cử tri cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua thời khắc khó khăn này.

 

Cử tri Hòa Bình rất băn khoăn về tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động. Một số loại tội phạm gia tăng đáng kể như tội phạm ma túy, tội phạm hình sự, tội phạm mạng, buôn bán người, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế….đang gây bức xúc dư luận và lo lắng trong nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực chuyển dân, tái định cư phục vụ các công trình trọng điểm Quốc gia.

 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong những tháng cuối năm 2014, và năm 2015, tôi xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số nội dung sau:

 

Một là, Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt nợ công và nợ nước ngoài, kiên trì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế cũng như việc điều chỉnh linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Hai là, đề nghị Chính phủ tính toán cân đối trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ dành riêng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời chỉ đạo tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm đầu tư công như hình thức đầu tư (Hợp tác công tư PPP, BOT, BT...). Thực hiện tăng đầu tư ngoài ngân sách. Thời gian qua, Bộ Giao thông- Vận tải cũng đã thực hiện có hiệu quả nội dung này, nhằm góp phần giúp giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

 

Ba là, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là chương trình trọng điểm quốc gia, nhằm hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực để phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Do đó, thực hiện chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hoàn toàn phù hợp, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; nếu để chậm trễ sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển, mất lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vì vậy, tôi đề nghị tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để Chính phủ có kế hoạch, thời gian đưa ra lộ trình triển khai các bước tiếp theo và tập trung thu hút các nguồn vốn từ Nước ngoài.

 

Bốn là, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ - TTg ngày 09/10/2009 trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Đề án không thể hoàn thành theo kế hoạch. Mặt khác, do chế độ chính sách đã có sự thay đổi, một số nội dung của Đề án không còn phù hợp với tình hình thực tế đã được Quốc hội, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho điều chỉnh lại tổng mức Đề án. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, đời sống của nhân dân khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, cử tri và nhân dân ở đây mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và đưa vào kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 để Đề án nhanh chóng được triển khai, góp phần giúp người dân trong khu vực chuyển dân lòng hồ sông Đà làm thủy điện vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững, có được cuộc sống ngang bằng những người dân sống ở khu vực xung quanh và một số địa phương khác cũng các dự án công trình trọng điểm quốc gia.

 

 

             

                                                                    Bích Ngọc

                                    Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (TH)

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục