Hiện nay, du khách đến lòng hồ Hòa Bình chủ yếu theo các

Hiện nay, du khách đến lòng hồ Hòa Bình chủ yếu theo các "tour" du lịch văn hóa, tâm linh mà chưa có điểm dịch vụ du lịch chất lượng cao.

(HBĐT) - Mỗi dịp đầu năm, được chứng kiến du khách gần xa “đổ” về vùng lòng hồ sông Đà thăm quan, với các “tua” du lịch văn hoá - sinh thái, tâm linh mới thấy sức hấp dẫn thực sự của du lịch lòng hồ sông Đà. Từ cảng Bích Hạ lên, từ cảng Thung Nai (huyện Cao Phong) tới... trên bến, dưới thuyền, người người tấp nập trẩy hội, du ngoạn cùng sóng nước Hòa Bình. Lượng khách ngày càng đông, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Theo dự tính của ngành chức năng, năm 2014 đã có khoảng 40 vạn lượt du khách đến với vùng lòng hồ Hoà Bình...

 

Khu vực hồ Hòa Bình có dung tích 9, 5 tỷ m3 nước, 47 đảo lớn, nhỏ với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình gắn với các di tích danh thắng và những huyền thoại lưu truyền trong dân gian cùng cuộc sống đa dạng, đặc sắc về văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc vùng lòng hồ. Trong khu vực vùng lòng hồ có đền Bờ - điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh; có động thác Bờ từ ngàn xưa; động Hoa Tiên (Ngòi Hoa - Tân Lạc) là di tích danh thắng cấp quốc gia... Nhận thấy khu du lịch lòng hồ là “viên ngọc” thô chưa được mài dũa, nhiều năm qua, một số nhà đầu tư đã tìm đến và gây dựng nên các điểm du lịch như đảo Dừa, Cối xay gió, đảo Xanh...  Đây cũng là điểm đến của giới  trẻ muốn tìm sự bình yên giữa thiên nhiên, sông nước. Trong đó, có nhiều đoàn du khách là HS - SV từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

 

Đánh giá đúng những tiềm năng to lớn này, với sự tham mưu của Sở VH -TT&DL, các ngành hữu quan, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể du lịch hồ Hòa Bình giai đoạn 2006 - 2020 (tại Quyết định số 198 ngày 26/1/2006 của UBND tỉnh). Ngày 30/12/ 2008, Bộ trưởng Bộ VH -TT&DL ban hành Quyết định số 91 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó, hồ Hòa Bình được xác định là khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao. Khu, điểm du lịch hồ Hòa Bình được xếp vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư du lịch từ năm 2008 - 2020. Căn cứ “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở VH -TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, hiện đang phối hợp triển khai quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo, định hướng và từng bước có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như xây dựng cảng Thung Nai, nâng cấp tuyến đường Bình Thanh - Thung Nai (Cao Phong). Sở VH -TT&DL đang được giao làm chủ đầu tư dự án hạ tầng tu bổ, tôn tạo đền Thác Bờ, nơi đặt bia đá thờ vua Lê Lợi (xã Vầy  Nưa - huyện Đà Bắc). Dự kiến đến hết năm 2015 đầu tư khoảng 9 tỷ đồng (trong tổng kinh phí khoảng 29 - 30 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo do Công ty Hoàng Sơn thực hiện). Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đền Thác Bờ để có thể tổ chức lễ hội đền Bờ vào năm 2016 nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình.

 

Hướng tới dòng chảy chung trong phát triển du lịch lòng hồ, Công ty du lịch Hòa Bình đầu tư đóng mới 2 tàu du lịch 3 sao. Năm qua, Sở VH -TT&DL đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho 120 người tham gia các hoạt động chở, đưa khách tham quan trên lòng hồ. Tuy nhiên, những động thái đó chưa thể “đánh thức” nhanh để du lịch lòng hồ phát triển. Bởi du lịch lòng hồ còn bộc lộ khá nhiều bất cập như chưa  thu hút được các nhà đầu tư phát triển du lịch. Công tác khai thác, quản lý tại một số cảng còn hạn chế. Hiện trên khu vực hồ chủ  yếu có dịch vụ tàu thuyền chở khách đi lễ đền và thăm động Thác Bờ, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí. Tại các điểm du lịch, chất lượng phục vụ còn hạn chế, chưa thu hút được khách du lịch có nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng ở lại dài ngày...

 

Muốn du lịch lòng hồ Hòa Bình ngày một phát triển, tạo được sức hút với du khách, bên cạnh sự đầu tư của T.ư, của tỉnh cùng sự chung tay của các doanh nghiệp rất cần tỉnh có chiến lược quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng này. Cùng với các hoạt động giới thiệu, quảng bá thông qua các lễ hội trên lòng hồ, tờ rơi, áp-phích, sự tuyên truyền cần có tính dài hơi  và kiên trì trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.ư và tỉnh. Tỉnh cũng nên có trang Website chuyên về du lịch hồ Hòa Bình. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH -TT&DL cho rằng, để du lịch lòng hồ Hòa Bình tạo được dấu ấn trong bản đồ du lịch Việt Nam với sự chỉ đạo, định hướng và đầu tư của tỉnh rất cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các sở, ngành hữu quan và huyện, thành phố trong các bước triển khai, thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

                                                                                        

                                                                            Bùi Huy

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục