Để có điện thắp sáng, gia đình chị Bùi Thị Bảy phải sử dụng bình ắc quy và đèn dầu.

Để có điện thắp sáng, gia đình chị Bùi Thị Bảy phải sử dụng bình ắc quy và đèn dầu.

(HBĐT) - Tiểu khu 7, xóm Khả, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) có 23 hộ sinh sống, tiểu khu được hình thành theo chương trình giãn dân của xã từ năm 2008. Tuy nhiên, cái tên tiểu khu 7 chỉ có trên danh nghĩa bởi từ lâu, người dân xã Bắc Sơn vẫn quen gọi tiểu khu này là “xóm đèn”. Nguyên nhân dẫn đến cái tên bất đắc dĩ này là vì sau gần chục năm giãn dân, người dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu.

 

Gia đình chị Bùi Thị Bảy chuyển về sống tại tiểu khu 7 từ năm 1993, trước khi có chương trình giãn dân của xã. Gần 20 năm sống ở đây, nhà chị vẫn chưa có điện thắp sáng, buổi tối mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào mấy chiếc đèn dầu. Nhìn quanh trong ngôi nhà nhỏ của chị Bảy không có mấy vật dụng đắt tiền chỉ có hai chiếc tivi, một cái lớn xếp trong góc nhà còn một cái nhỏ làm giá sách cho các con. Lý giải cho điều này, chị Bảy cười buồn, hai vợ chồng đi làm thuê ở ngoài thành phố, thấy người ta bán ti vi cũ, mua lại mang về hi vọng khi nào có điện thì mở cho các cháu xem nhưng ti vi mua về 2 – 3 năm nay rồi, không có điện, ti vi cũng chẳng có giá trị gì. Ngược lại, thứ có giá trị nhất đối với gia đình chị Bảy lại là một cái bình ắc quy, mấy chiếc đèn pin và một cái đài nhỏ chạy bằng 4 cục pin nối. Chị Bảy tậm sự: nhà có 4 người, bố mẹ không có điện thì không sao, chỉ thương các con, 12 năm đi học toàn học trong ánh đèn dầu tù mù, chưa được một ngày nào có điện thắp sáng. Văn nghệ, giải trí gì cũng chẳng có, may mà sắm được chiếc đài nhỏ, mọi tin tức từ dự báo thời tiết đến mùa vụ đều từ cái đài đó. Ngày mát thì không sao, những ngày nắng nóng cả nhà lại đưa nhau lên hang đá ăn ở trong ấy, đến tối mới lại về nhà.

 

Gia đình anh Bùi Văn Luyện cũng là một trong những hộ đầu tiên về đây định cư. Cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và  đi làm thuê. Nhờ chịu khó tích cóp, gia đình đã xây được nhà mái bằng nhưng nhìn trong nhà không có vật dụng đồ điện nào. Anh Luyện chia sẻ: Nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, mấy năm nay, gia đình đã cải tạo vườn tạp và trồng cây atiso nên thu nhập cũng đã cải thiện hơn trước đây. Kinh tế không phải quá khó khăn nhưng cuộc sống không có ánh điện thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Để có điện thắp sáng, gia đình tôi đã mua một bình ắc quy loại nhỏ, tuy nhiên cứ 3 ngày tôi lại phải mang bình vào tận trong xóm để nạp, mỗi lần nạp mất 1 ngày và hết 10 ngàn đồng.

 

Nhà không có đồ điện, sống trong cảnh đèn dầu là thực trạng gần chục năm nay của 23 hộ dân tiểu khu 7, xóm Khả, xã Bắc Sơn. Anh Bùi Văn Toàn, Phó trưởng xóm Khả cho biết: trước đây, khu này chỉ có 7 hộ tự ra làm nhà tại đây đã đành, năm 2008, với chủ trương giản dân của xã, hơn 10 hộ đã tình nguyện ra đây sinh sống, xã phải có kế hoạch đầu tư đường điện để đảm bảo cuộc sống của người dân. Thực tế gần 10 năm không có điện, người lớn khổ đã đành, trẻ nhỏ khổ hơn gấp nhiều lần, ngày nào cũng phải học bài trong ánh đèn tù mù, nhiều cháu cũng vì nản mà bỏ học giữa chừng. Hiện, tiểu khu còn gần 20 cháu đang theo học phổ thông, nếu hỏi ước gì, các cháu chỉ ước là được học bài dưới ánh điện.

 

Người dân phải sống trong cảnh không ánh điện, tuy nhiên nghịch lý ở chỗ tiểu khu này không phải là KDC nằm tách biệt và đường điện cao thế cách tiểu khu này chỉ khoảng vài chục mét, đó là đường điện kéo lên xóm Đằng Long, xã Bắc Sơn. “Cột điện chạy quanh làng nhưng dân trong làng lại không có điện”, lời nhận xét của ông Bùi Văn Rậm, một trong những người cao niên của xóm đã phản ánh đúng thực trạng của người dân “xóm đèn”.  Theo thông tin được biết, mới đây xã Bắc Sơn cũng đã được đầu tư nâng cấp hệ thống dây điện cũ toàn xã với mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên tiểu khu 7, xóm Khả lại một lần nữa không có tên trong danh mục đầu tư và 23 hộ dân nơi đây lại phải tiếp tục chờ đợi trong cảnh đèn dầu.

 

Khổ sở vì không có điện, nhiều hộ bức xúc bởi tiểu khu 7 được hình thành từ chương trình giãn dân của xã, nhiều năm sau khi tách khu về đây sinh sống, tất cả các hộ dân đều chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mọi khoản ủng hộ, đóng góp do xóm, xã phát động người dân đều đồng thuận hưởng ứng,  không hiểu vì lý do gì  sau rất nhiều năm thực hiện chủ trương của xã, người dân vẫn không được quan tâm để có một cuộc sống ổn định hơn. Bức xúc hơn nữa, Bắc Sơn là một trong những xã quyết tâm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2015 và trong rất nhiều hội nghị, lãnh đạo xã đã báo cáo hoàn thành tiêu chí về điện với 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt. Trong khi thực tế, 23 hộ dân tiểu khu 7 vẫn hàng ngày đánh vật với cuộc sống khốn khổ không ánh điện. Bức xúc này, người dân mong chờ một câu trả lời thỏa đáng từ cấp ủy Đảng, chính quyền xã Bắc Sơn và huyện Kim Bôi trong thời gian sớm nhất.

                                                                             

         

                                                                                     Đinh Hòa

 

 

 

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục