Cơ sở hạ tầng bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) được đầu tư, đáp ứng nhu cầu của khách đến thăm quan du lịch.

Cơ sở hạ tầng bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) được đầu tư, đáp ứng nhu cầu của khách đến thăm quan du lịch.

(HBĐT) - Từ lâu nay, thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa độc đáo của huyện Mai Châu đã có tên trên bản đồ du lịch quốc gia và được được Tạp chí Business Insider của Mỹ đánh đánh giá có nền văn hóa bản địa đáng khám phá và là 1 trong 10 địa điểm du lịch đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.

 

Đúng là Mai Châu đang sở hữu tài nguyên du lịch quý giá. Huyện chỉ cách Hà Nội chừng 3 giờ xe chạy dọc theo QL 6 quanh co, uốn lượn trong trập trùng mây núi, thiên nhiên mê hoặc lòng người. Qua dốc Cun, dốc Quy Hậu tới đèo Thung Khe là bước vào địa phận huyện Mai Châu. Từ đỉnh Thung Khe nhìn xuống phố Vãng đẹp mơ màng với những nếp nhà sàn người Thái, thửa ruộng xanh rì xếp như hình bàn cờ ẩn hiện trong làn sương trắng mỏng. Mảnh đất này là của núi non hùng vĩ, khu rừng nguyên sinh thăm thẳm, huyền bí, là tiếng suối réo rắt đêm ngày không nghỉ bắt nguồn từ những khu rừng già, là những sản vật vùng cao đặc thù như: rượu ngô men lá, cá nướng thơm lừng, tỏi tía Noong Luông, cải đắng Pù Bin, trà tuyết Pà Cò, ngô nếp Thung Khe... Bên cạnh đó, Mai Châu còn hấp dẫn du khách bằng tình người mộc mạc, đậm đà bản sắc các dân tộc Thái, Mông.

 

Huyện Mai Châu hiện có 12 di tích, danh thắng, trong đó, 5 di tích được Bộ VH-TT&DL công nhận là hang Khoài (Xăm Khòe), hang Chiều (thị trấn Mai Châu); hang Nhật, hang Láng, hang Mỏ Luông (Chiềng Châu). Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm có tiềm năng lớn để phát triển du lịch như hồ Sang Tạm, Noong Luông, Hang Kia, Pà Cò, các khu rừng nguyên sinh, rừng già cổ thụ... Mai Châu còn lưu giữ một kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú với các lễ hội đặc trưng như: lễ hội cầu mưa,  chá chiêng của dân tộc Thái; lễ hội  gầu tào của dân tộc Mông. Hàng chục năm trước, huyện Mai Châu đã có dấu ấn trên bản đồ du lịch, đến nay, loại hình du lịch cộng đồng phát triển khá mạnh tại các thôn, bản như Pom Coọng, bản Văn (thị trấn Mai Châu); bản Bước, xã Xăm Khòe; bản Xô, xã Nà Mèo và một số bản ở các xã Piềng Vế, Mai Hịch, Pà Cò... Nhiều năm nay, huyện Mai Châu đã triển khai các giải pháp khai thác những lợi thế đặc thù để phát triển các loại hình du lịch, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Trên địa bàn huyện có 102 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có 5 khách sạn, 20 nhà nghỉ, 77 nhà nghỉ cộng đồng. Gần đây, huyện đã thu hút các nguồn lực, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng, tổ chức liên doanh liên kết, xây dựng các tua, tuyến du lịch đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Trong đó đã đưa vào khai thác có hiệu quả một số điểm du lịch mới như: điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ecolodge (xã Nà Phòn), điểm du lịch sinh thái  Mặt Trời (xã Chiềng Châu), điểm du lịch sinh thái Mai Châu (xóm Cha Lang - xã Mai Hịch) góp phần đem lại giá trị gia tăng lớn hơn từ hoạt động du lịch. Một số ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm tiếp tục được khôi phục tạo nên sắc thái mới cho du lịch Mai Châu. Loại hình du lịch “homestay” - sống chung với người dân bản địa tại nhà của họ đem đến sức hấp dẫn cho du lịch Mai Châu.

 

Với tiềm năng lớn về thiên nhiên, văn hóa bản sắc, lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch của huyện tăng trưởng khá mạnh. Vài năm trước, lượng khách đến Mai Châu chỉ khoảng vài vạn lượt khách/năm, doanh thu gần 10 tỷ đồng, đến nay, Mai Châu đã thu hút hàng chục vạn lượt người, doanh thu cũng đã lên tới gần 50 tỷ đồng. Du lịch đã tạo việc làm và thu nhập khá cho nhiều hộ dân làm du lịch cộng đồng ở bản Văn, Pom Coọng, bản Bước... Dự tính trong năm nay, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu đón 34 vạn lượt người tới thăm quan du lịch, trong đó, khách quốc tế là 8 vạn lượt người, khách nội địa 26 vạn lượt người; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 51 tỷ đồng.

 

Nhằm khai thác hiệu quả và tính bền vững về tài nguyên du lịch, huyện Mai Châu tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư khai thác những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia hấp dẫn du khách với những sản phẩm đặc trưng như tìm hiểu bản sắc văn hóa các DTTS gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí. Cùng với đó sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và các loại hình dịch vụ tiện ích khác để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

 

                                                                                 Hương Lan

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục