Lãnh đạo trung tâm Dạy Nghề huyện Kim Bôi thăm tổ sản xuất sản phẩm mây đan tại xóm Khoang.

Lãnh đạo trung tâm Dạy Nghề huyện Kim Bôi thăm tổ sản xuất sản phẩm mây đan tại xóm Khoang.

(HBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm dạy nghề huyện Kim Bôi đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học viên sau khi học nghề. Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp tích cực với các địa phương, qua đó xác định được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để có hướng đào tạo nghề đúng theo nguyện vọng giúp học viên sau khi học nghề áp dụng vào thực tế hiệu quả.

 

Chị Bùi Thị Tuyết Thanh là cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng xã Sơn Thủy (Kim Bôi). Cũng như nhiều chị em phụ nữ trong xã, mong muốn của cô Thanh là có một nghề phụ để làm trong những lúc nông nhàn. Qua sách báo, được biết tại Chương Mỹ (Hà Nội) có nghề đan mây rất nổi tiếng thu hút hàng trăm phụ nữ đến học nghề và làm việc, một mình chị Thanh về tận Chương Mỹ học nghề với mong muốn có thể mang nghề về địa phương.

 

Tuy nhiên, ngay khi đã có nghề trong tay, chị Thanh nhận ra rằng để đưa nghề về với chị em trong xã là điều không tưởng nếu chỉ có một mình, bởi kinh phí dạy nghề không nhỏ, việc vận động chị em vốn chỉ quen với việc làm nông và làm thuê thời vụ theo nghề cũng không hề đơn giản. “ Những cản trở ban đầu đó tưởng như không thể tháo gỡ được nhưng rất may trung tâm Dạy Nghề huyện Kim Bôi đã vào cuộc. Với nguồn vốn của Đề án 1956, Trung tâm đã chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của chị em và khi chúng tôi đề xuất nguyện vọng của mình, Trung tâm đã mời giáo viên tại Hà Nội về dạy, hỗ trợ tiền học cho các hội viên và mở 1 lớp cho 35 hội viên phụ nữ xã. Đến nay, chúng tôi đã đưa được nghề về địa phương với 3 tổ sản xuất cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn”, chị Thanh chia sẻ.

 

Từ một lớp học ban đầu ấy, đến nay nghề đan mây khá phổ biến ở Sơn Thủy. Chị Thanh cho biết: Với mỗi sản phẩm gia công được trả từ 4 – 6 ngàn đồng, mỗi chị em phụ nữ trung bình cũng đạt từ 30 – 40 ngàn đồng/ ngày công. Cái hay của nghề này là chị em có thể tranh thủ làm mọi lúc nhàn rỗi. Đầu ra sản phẩm đã có Công ty bao tiêu.

 

Đó chỉ là một trong nhiều lớp dạy nghề theo nhu cầu do trung tâm Dạy Nghề huyện Kim Bôi đang thực hiện. Đồng chí Phạm Văn Kha, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Kim Bôi cho biết: Trong 9 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức từ đầu năm đến nay đều là các lớp được triển khai dựa trên nhu cầu học nghề của người lao động và xét trên nhu cầu thực tế tại địa phương. Thực tế Kim Bôi không có nhiều nhà máy, doanh nghiệp mà ở đây lao động nông thôn vẫn chủ yếu gắn với nông nghiệp nên Trung tâm đã mở 2 lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn và 2 lớp chăn nuôi gà cho 60 học viên, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo. Ngoài ra, mở 3 lớp thêu thổ cẩm, 1 lớp may túi xách siêu thị và 1 lớp chổi chít, chủ yếu cho lao động nữ. Với những lớp nghề phi nông nghiệp được mở không chỉ do nhu cầu của người học mà đều dựa vào liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hoặc ngoài tỉnh, do chính doanh nghiệp đào tạo và đảm bảo việc làm cho người lao động.

 

Chính vì đào tạo theo nhu cầu của người lao động và có sự liên kết với doanh nghiệp nên hơn 90% lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp đều có việc làm sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, đối với nhóm nghề nông nghiệp, vấn đề hậu đào tạo vẫn là một bài toàn khá nan giải. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Kim Bôi cho biết: Kim Bôi là một huyện thuần nông nên nhu cầu học nghề nông khá lớn. Đối tượng đào tạo ở đây là những người trong độ tuổi lao động nhưng chúng tôi luôn chú trọng đối tượng là thanh niên vì họ mới là những người có nhu cầu giải quyết việc làm. Tuy nhiên, thực tế là khi đào tạo xong, những bạn thanh niên nông thôn này vẫn trong tình trạng lao động nhàn rỗi bởi nhu cầu của các bạn khi đã học xong, có kiến thức muốn mở rộng đầu tư nhưng để tiếp cận được nguồn vốn hiện nay là rất khó. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề, cần thiết phải có chính sách ưu đãi về vốn vay. Có như vậy, người nông dân mới có thể mở rộng sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

 

 

 

                                                                                              P.L

 

 

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục