Huyện Cao Phong có khoảng 2.500 ha mía tím,  đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Huyện Cao Phong có khoảng 2.500 ha mía tím, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

(HBĐT) - Xuân về, trên các sườn đồi, đất bãi trải dài màu xanh của cây mía tím. Những cây mía sẫm màu mật ngọt như nét đặc trưng của người dân vùng núi tỉnh Hòa Bình. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, cây mía tím giống như một biểu tượng của tâm linh, của sự giao hòa đất, trời. Chính vì vậy, theo truyền thống, trong những ngày Tết, người dân thường bày cây mía tím hai bên bàn thờ cho đến hết rằm tháng giêng để mong cho một năm mới tràn đầy ngọt lành.

 

Lý giải về cây mía tím tồn tại và phát triển suốt bao năm qua trong tỉnh chỉ có thể nhờ sự vượt trội về hiệu quả kinh tế so với nhiều cây trồng khác. Vậy nên cây mía tím được trồng nhiều không những xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo cơ hội cho hàng ngàn hộ vươn lên làm giàu.

 

Tại huyện Cao Phong, một trong những vùng cam nổi tiếng nhưng cây mía tím vẫn được người dân xác định là cây trồng chủ lực. Theo đồng chí Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, thu nhập từ cây mía tím đạt từ 130 - 180 triệu đồng/ha, giá bán từ 3.000 - 5.000 đồng/cây,  trừ chi phí, lợi nhuận đạt 50%. Hiệu quả từ cây mía tím tuy chưa thể so với cây cam nhưng gấp nhiều lần so với trồng lúa và nhiều cây trồng khác.

 

Thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh trồng trên 9.000 ha mía, trong đó, khoảng 6.000 ha mía tím, các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn và Kim Bôi. Trong đó, riêng Cao Phong tính đến nay có khoảng gần 2.500 ha. Huyện tiếp tục định hướng nhân dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mía tím.

Trao đổi với đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&CN được biết, cây mía tím được trồng nhiều tại tỉnh Hòa Bình từ 40 - 50 năm trước đây. Ngoài tên gọi là cây mía tím, người dân còn đặt tên là cây mía thuốc bởi chất lượng ngon, bổ, thậm chí dùng để giải cảm. Màu tím đẹp, dóng dài, giòn. Tuy nhiên, hiện nay do trồng lâu năm, các dòng mía tím trong tỉnh đang có dấu hiệu thoái hóa, chất lượng tuy vẫn đảm bảo nhưng không thể so với giống ban đầu, hiệu quả kinh tế do vậy cũng bị ảnh hưởng. 

 

Từ thực tiễn đó, từ năm 2011 - 2014, Sở KH&CN phối hợp cùng các đơn vị chức năng triển khai đề tài tuyển chọn và phục tráng các giống mía tím trên địa bàn tỉnh. Qua chọn lựa, sàng lọc từ 7 dòng mía tím khác nhau, sở đã chọn ra một dòng mía tím Cao Phong có độ giòn, dóng dài, màu sắc đẹp, kích thước đảm bảo giống mía gốc ban đầu.

 

Trên cơ sở hiệu quả từ phục tráng giống mía, Sở KH&CN có văn bản đề nghị UBND tỉnh triển khai chương trình bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc sản địa phương, trong đó có cây mía tím. Đồng thời, giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN triển khai thực hiện và đã nghiên cứu thành công, nhân nhanh giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô. Năm 2014, đầu năm 2015, Trung tâm đã trồng thử nghiệm 2 vạn cây mía giống từ nuôi cấy mô tại huyện Cao Phong và Tân Lạc, mỗi địa phương khoảng 1 ha.

 

Qua thử nghiệm, mặc dù trồng mía tím nuôi cấy mô chậm hơn 2 tháng so với cây mía tím trồng theo giống truyền thống nhưng  trong 2 tháng, giống mía từ nuôi cấy mô trồng đã lớn nhanh, vượt trội với gióng dài gấp rưỡi đến gâp đôi giống thường, lá mía mềm mại hơn, ít sâu bệnh, khả năng đẻ nhánh cao. Cũng theo đồng chí Bùi Văn Thắng, thấy được hiệu quả từ giống nuôi cấy mô mang lại, ngành KH&CN tới đây sẽ chịu trách nhiệm nhân nhanh giống. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật cho người dân tiếp tục nhân giống bằng hom như cách trồng truyền thống. Với giải pháp này nếu triển khai làm bài bản, Sở KH&CN kỳ vọng trong 3 - 4 năm tới sẽ triển khai trồng mía tím giống mới trên phạm vi cả tỉnh, nhất là các vùng mía chủ lực.

 

Để đảm bảo tìm đầu ra bền vững cho 250 -  300 triệu cây mía tím mỗi năm, tỉnh đã triển khai xây dựng thương hiệu cho cây mía tím Hòa Bình. Bên cạnh đó, phối hợp với trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu sản xuất 400 lon và chai nước mía tím tươi nguyên chất đóng hộp cùng với  đóng gói mía tím tươi trong túi nilon. Bước đầu đánh giá nước mía tím nguyên chất có chất lượng về dinh dưỡng, là loại thực phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Hiện nay, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, thiết bị nhằm tạo ra sản phẩm nước mía tím đóng hộp chất lượng cao hơn. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào xây dựng khu chế xuất các sản phẩm từ mía tím với nhiều ưu đãi về nguồn vốn, đất đai... Với những bước đi và kế hoạch phát triển vùng hàng hóa trọng điểm đối với cây mía tím. Hy vọng trong những năm tới, cây mía tím Hòa Bình sẽ là một trong những cây trồng chủ lực tại các địa phương, đem lại những vị ngọt cho người nông dân trong tỉnh.

 

                                                                                   

                                                                         Hồng Trung

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục