(HBĐT) - Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Liên Sơn (Lương Sơn) đã và đang mang lại những kết quả rất đáng phấn khởi cho bà con nông dân. Mô hình không chỉ góp phần làm cho xã Liên Sơn hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2015 mà còn giúp nhiều hộ nông dân trong xã thoát nghèo và làm giàu bền vững.

 

Theo đoàn công tác của Hội Nông dân huyện Lương Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hoạt ở xóm Sum một trong những hộ đầu tiên nuôi bò sữa. ông Hoạt cho biết:  “Gia đình đã trải qua nhiều nghề, từ nuôi từ lợn đến nuôi gà rồi nuôi vịt, nuôi ong nhưng nuôi con gì cũng không bằng nuôi bò sữa. Năm 2013, thấy nông dân một số địa phương trong tỉnh thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa và được Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân nên gia đình tôi quyết định đầu tư chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, trong chuồng có 6 con bò sữa, trong đó 3 con đang cho thu hoạch sữa. Với giá thu mua của công ty 12.000 đồng/lít, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 40 triệu đồng/con”.

 

Theo ông Hoạt, nuôi bò sữa không khó bởi ít bị dịch bệnh, nhưng người nuôi phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng và thời gian cho ăn hàng ngày. Nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và chất lượng sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, ông cho bò ăn thêm thức ăn tổng hợp. Trung bình mỗi ngày, một con bò ăn hết khoảng 10 kg thức ăn tổng hợp và 20 kg cỏ tươi. Toàn bộ diện tích đất vườn gia đình ông tận dụng trồng cỏ voi, đảm bảo đủ thức ăn cho bò quanh năm. Không dừng lại ở đó, ông Hoạt luôn có ý tưởng mở rộng chăn nuôi, phát triển thêm đàn bò và hướng dẫn các hộ nông dân khác cùng phát triển kinh tế từ nuôi bò sữa.

 

Đến nay, xã Liên Sơn đã có gần 20 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn trên 60 con. Trong đó, trên 30 con đang cho thu hoạch sữa với sản lượng đạt 11 tấn sữa/tháng. Đây là hướng đi mới, phù hợp, giúp bà con trong xã phát triển kinh tế,  vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu. Theo tính toán, một con bò đang cho sữa có thể đem về cho người chăn nuôi bình quân khoảng trên 200.000 đồng/ngày. Ngoài sản phẩm chính là sữa tươi, bò sữa còn mang lại các nguồn thu khác như: bê cái sinh con để nhân giống; bê đực nuôi để bán thịt; nguồn phân bò cung cấp khí biogas phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình và còn có thể bán với giá 250.000 đồng/m3. Đây là mô hình chăn nuôi có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế này, trong thời gian qua, xã Liên Sơn và Hội Nông dân huyện Lương Sơn đã tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế từ mô hình này. Bà Phùng Thị Lan - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Nuôi bò sữa là nghề mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư ban đầu không nhỏ, do đó để hỗ trợ các hội viên nông dân xã Liên Sơn có thêm nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi, Hội đã tham mưu cho UBND huyện và phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quỹ hỗ trợ nông dân của T.ư, tỉnh và huyện. Đồng thời nhận ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn để hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, để tạo động lực và khuyến khích hội viên nông dân chăn nuôi bò sữa, xã tạo điều kiện cho các hộ thầu đất để trồng cỏ nuôi bò.

 

Sau hơn 3 năm thành lập, với vai trò là điểm tựa của người nông dân, Ban chủ nhiệm tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Liên Sơn đã ký kết với các đại lý thu mua sữa giúp hộ chăn nuôi có đầu ra sản phẩm ổn định. Anh Nguyễn Văn Sinh - Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Liên Sơn cho biết: Trước khi bước vào chăn nuôi bò sữa, các hội viên trong tổ hợp tác đã tổ chức đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Đồng thời, thông qua Hội Nông dân phối hợp với các ban, ngành chức năng, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn khoa học kỹ thuật giúp nông dân hiểu thêm cách chăm sóc và thu hoạch sữa từ đàn bò. Nhờ vậy mà việc chăn nuôi có nhiều thuận lợi. Dịch bệnh trên đàn bò sữa không xảy ra, chất lượng sữa luôn được bảo đảm.

 

 

 

Trần Trang

(Đài Lương Sơn)

 

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục