Sau thành công liên tiếp ở SEA Games, Asiad rồi Olympic trẻ, kình ngư 19 tuổi Nguyễn Huy Hoàng vẫn đang tiến bộ không ngừng. Mới nhất, anh xuất sắc giành chuẩn A dự Olympic 2020 khi thi đấu tốt ở Giải vô địch bơi lội thế giới 2019.


Huy Hoàng đặt mục tiêu vươn đến tầm thế giới - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH - Đồ họa: N.THÀNH

Thành tích của Huy Hoàng ở đợt bơi vòng loại nội dung 800m là 7 phút 52,74 giây. Thành tích này tuy chỉ giúp anh đứng thứ 15 ở vòng loại và không thể giành vé vào chung kết, nhưng đã đủ vượt qua chuẩn A Olympic của Liên đoàn Thể thao dưới nước (FINA) đưa ra là 7 phút 54,31 giây.

Không đi tập huấn vẫn tiến bộ đều

Đây không phải là thành tích tốt nhất của Huy Hoàng ở nội dung 800m tự do. Tại Olympic trẻ 2018, kình ngư quê Quảng Bình này từng đạt thành tích 7 phút 50,2 giây - qua đó giành luôn HCV.

Nhưng nói vậy không có nghĩa thành tích của Huy Hoàng đang thụt lùi. Thành tích ở Giải vô địch bơi lội thế giới mới đây của Huy Hoàng vẫn tốt hơn nhiều so với ở Asiad 2018 - giải đấu anh giành HCĐ nội dung 800m tự do với 7 phút 54,32 giây.

Con số 7 phút 50,2 giây mà Huy Hoàng từng chạm tới tại Olympic trẻ 2018 gần như là màn trình diễn xuất thần, tâm lý anh thoải mái khi tham dự một giải trẻ.

Ở nhiều đấu trường lớn hơn như Asiad và Giải vô địch thế giới, các vận động viên đỉnh cao vẫn thường bị căng cứng tâm lý, dẫn đến việc không thi đấu tốt bằng các giải nhỏ. Việc Hoàng thi đấu tốt hơn Asiad cho thấy phong độ và đà tiến bộ rất ổn định của anh lúc này.

Đáng chú ý ở chỗ sau gần 2 năm vụt sáng, Huy Hoàng vẫn chưa đi tập huấn nước ngoài.

Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - giải thích: "Trong mục tiêu nhiệm vụ chuẩn bị cho SEA Games năm nay, bản thân tôi từng đề nghị chuyên gia Hoàng Quốc Huy bố trí cho Hoàng đi tập huấn nước ngoài như Mỹ hay Hungary chẳng hạn, nhưng chuyên gia nói để ông tính toán. Cho Hoàng đi tập huấn nước ngoài vẫn nằm trong kế hoạch của Tổng cục Thể dục thể thao. Dù vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ và tôn trọng quyết định của chuyên gia".

SEA Games bỏ thì... kệ SEA Games

Huy Hoàng tham dự Giải vô địch thế giới ở 2 nội dung sở trường là 800m và 1.500m tự do. Một số chuyên gia khi trò chuyện với chúng tôi trước thềm giải đấu từng e ngại có thể Hoàng sẽ chỉ đặt trọng tâm ở nội dung 1.500m.

Lo ngại này bắt nguồn từ việc nước chủ nhà SEA Games 2019 là Philippines quyết định bỏ nội dung 800m tự do khỏi chương trình thi đấu môn bơi lội.

Mặt khác, bấy lâu nay làng thể thao Việt Nam vẫn vướng một "căn bệnh": quá tập trung cho SEA Games. Điển hình như Ánh Viên, "tiểu tiên cá" nhiều năm qua bị chỉ trích vì thi đấu sa sút so với chính mình ở những giải đấu lớn. Kình ngư này ra sức "cày cuốc" ở SEA Games với hơn chục nội dung nhưng khi đến các giải lớn cỡ như Asiad, cô lại trình diễn kém hơn cả SEA Games ngay tại những nội dung sở trường.

Những người chịu trách nhiệm cho phong độ của Ánh Viên vì thế bị đặt câu hỏi: Phải chăng bơi lội Việt Nam chỉ cần "vơ vét" huy chương vàng SEA Games là đủ?

Nhưng ít ra trường hợp của Huy Hoàng hiện không tồn tại nỗi lo này. Anh vẫn đang thi đấu rất tốt ở đường đua 800m, bất chấp việc SEA Games 30 đã loại nội dung này. Đó là tín hiệu đáng mừng, bởi rõ ràng với một vận động viên đã khẳng định được năng lực ở tầm châu lục như Huy Hoàng, SEA Games không còn là mục tiêu tối trọng.

"Vì không có cự ly 800m tự do sở trường, nên Hoàng đã có tập thêm cự ly 400m tự do chuẩn bị cho SEA Games. Nhưng qua quá trình làm việc với chuyên gia Hoàng Quốc Huy, chúng tôi khẳng định Hoàng phải tiếp tục tập trung cho Olympic và Asiad hai cự ly sở trường 1.500m và 800m tự do, không phải vì SEA Games không có mà bỏ được. Huy Hoàng luôn được đánh giá rất cao về tinh thần, thái độ tập luyện chăm chỉ và ý chí quyết tâm rất kinh khủng" - ông Trần Đức Phấn nói.

Sáng 27-7, Huy Hoàng sẽ tiếp tục xuất trận ở nội dung 1.500m sở trường nhất của anh. Đây là nội dung mà Huy Hoàng suýt chút nữa đã vượt mặt kình ngư nổi tiếng Tôn Dương của Trung Quốc tại Asiad 2018.

"Thành công nhờ các huấn luyện viên"

Trao đổi ngắn qua tin nhắn với chúng tôi, Huy Hoàng khiêm tốn khi nói về thành tích: "Tôi duy trì được phong độ ổn định như thế này là nhờ các huấn luyện viên ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ cũng như trên đội tuyển. Các huấn luyện viên đã hướng dẫn cho tôi biết nên phân phối sức lực, tập trung như thế nào cho phù hợp với các nội dung".

 

                    TheoTuoitre

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục