(HBĐT) - Suối cá Lương Ngọc thuộc địa bàn xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã được công nhận là di tích lịch sử và di sản văn hóa quan trọng của tỉnh Thanh Hóa từ năm 1993. Trong những ngày hè, suối cá Lương Ngọc là điểm đến “giải nhiệt” và khám phá hấp dẫn đối với du khách Hòa Bình nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung.

 

Thăm suối tự nhiên độc nhất vô nhị Việt Nam

Từ thành phố Hòa Bình, mất hơn 2 h đồng hồ vượt qua chặng đường 100 km, chúng tôi đã có mặt ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Qua chiếc cầu treo vắt qua sông Mã, xe chạy bon bon giữa cánh đồng trải dài một màu lúa xanh mướt mát. Từ điểm dừng xe, du khách phải đi bộ khoảng 500 m mới vào đến khu vực suối cá. Đi trên đường Hồ Chí Minh nắng nóng, oi bức là vậy nhưng khi vào đây, vừa bước chân xuống xe, ngước lên đã thấy hai hàng cây bên đường rợp mát dẫn chúng tôi vào đến suối cá.

Trung bình, mỗi ngày suối cá Lương Ngọc đón khoảng 3.000 du khách đến thăm quan.

Háo hức rảo bước thật nhanh, trước mắt du khách đã là suối cá Lương Ngọc. Điều đặc biệt là suối cá chỉ dài khoảng 150 m. Từ phía cuối của con suối, nước khá nông, chỉ ngập đến đầu gối, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy những con “cá thần” với đủ kích thước to, nhỏ khác nhau đang thong thả bơi. Càng ngược về phía đầu nguồn, dòng suối cá càng tập trung nhiều và đặc biệt ở khu vực cửa hang, chân núi cũng là đầu nguồn của con suối, cá tập trung dày đặc. Mức nước càng về phía đầu nguồn cửa hang càng nông, nhiều con cá to bơi nổi cả vây lưng. Theo khảo tả của các nhà khoa học, đàn cá hàng nghìn con lớn nhỏ ở đây gồm cá dốc (thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinitarbichthys denticulatus, có tên trong sách đỏ Việt Nam), cá chài, cá mại. Cá phổ biến có trọng lượng từ 3 - 8 kg, ngoài ra cũng có rất nhiều cá nhỏ. Vảy cá có sắc vàng lẫn đen, vây và môi cá màu hồng đỏ. Theo người dân nơi đây truyền kể thì suối còn có những con cá to như đứa trẻ, nặng đến 30 - 40 kg nhưng thường ở trong hang và chỉ ra suối vào mùa nước lớn. ở ngay thượng nguồn dòng suối là hai cửa hang nhỏ, thông sâu vào trong lòng núi. Thỉnh thoảng có những con cá bơi ra cửa hang rồi lại quẫy đuôi bơi sâu vào trong lòng núi.

Nằm ngay cạnh suối là đền thờ Thần rắn linh thiêng, vị thần che chở cho đàn cá với truyền thuyết Thần rắn đã đánh nhau với thủy quái để bảo vệ bản làng yên bình. Nhớ ơn Thần Rắn, dân làng Lương Ngọc đã lập đền thờ. Từ khi có đền thờ Thần rắn, hàng ngàn con cá không biết từ đâu tụ về ngày đêm chầu dưới chân đền. Nhân dân gọi đó là cá thần và từ đó đến nay không bao giờ dám đánh bắt về ăn.

 

Sau khi thăm suối cá, thắp nén hương cầu bình an ở đền thờ Thần rắn, du khách hãy leo ngược từng bậc đá của dãy núi Trường Sinh, động Đăng kỷ ảo đang ở ngay trước mắt. Trên đỉnh núi rợp mát, cửa động Đăng mở rộng, thông thoáng chào đón du khách bước vào khám phá thế giới nhũ đá đa sắc màu, lấp lánh bên trong. Khám phá những cột nhũ đá đủ mọi hình thù, màu sắc là một điểm nhấn thú vị trong chuyến hành trình đến Cẩm Lương.

 

Bảo vệ môi trường - yếu tố làm nên thành công của du lịch Cẩm Lương

 

Trên đường quay trở ra, du khách có thể chọn mua được nhiều sản vật của Cẩm Lương để thưởng thức hoặc làm quà như: cơm lam, ngô nướng, thuốc nam, cây lông          cu - li, chuối hạt, hoa phong lan, ốc núi, măng…. Nhà hàng trong khu du lịch cũng tấp nập khách ra, vào thưởng thức các món đặc sản như: ốc núi, măng chua nấu thịt gà, cá suối nướng lá lốt, canh đắng…

 

Theo số liệu thống kê của Ban quản lý khu du lịch, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 du khách đến thăm Khu du lịch Cẩm Lương; vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ, số khách du lịch đến Cẩm Lương có thể lên đến 15 – 20.000 người. Trong khi các khu du lịch khác đang loay hoay tìm cách thu hút khách thì điều gì ở mảnh đất hoang sơ này hấp dẫn du khách? Đó chính là sự nguyên sơ, sự yên bình được tạo nên từ ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây.

Khi trò chuyện với chúng tôi, nhiều du khách đã chia sẻ quan điểm rằng: Đến thăm suối cá Lương Ngọc không phải để nghe về những truyền thuyết mà là để tận mắt chứng kiến sự đồng thuận của nhân dân trong bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ đàn cá. Dòng suối, nguồn nước được bảo vệ không ô nhiễm và người dân cùng đồng lòng không đánh bắt cá quý. Vậy nên cá cứ sinh sôi, dày đặc, trở thành suối cá tự nhiên độc nhất vô nhị của cả nước và dần trở thành điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn của xứ Thanh.

 

ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây còn được thể hiện trong suốt khu du lịch kéo dài cả km nhưng tuyệt đối không có rác thải vứt lung tung. Hàng quán hai bên đường dọc bày biện gọn gàng, rác thải được tập trung và đặc biệt trên cả đoạn suối dài không hề có rác thải, túi bóng, vỏ bánh, kẹo... Ban quản lý khu du lịch đã bố trí nhân viên trông giữ từng đoạn suối, kịp thời nhắc nhở khi du khách tự ý cho cá ăn hoặc xả rác không đúng nơi quy định. Nhờ vậy mà ý thức của người dân được nâng lên, du khách tự giác ý thức cùng chung tay bảo vệ môi trường.

 

Trong khi nhiều khu du lịch đang “đánh vật” với vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải thì Cẩm Lương lại là một điểm đến sạch sẽ, mát mẻ, trong lành. Người dân Cẩm Lương đã nâng niu đàn cá và đối xử với dòng suối một cách trân trọng. “Qủa ngọt” họ nhận được là nguồn thu cho địa phương, tiêu thụ sản vật, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và nhờ thế mà đời sống người dân ngày càng đi lên, no ấm.

 

 

                                                                               Dương Liễu

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục