Được xây dựng công phu, có chiều sâu cả về nội dung và nghệ thuật, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2016) mang chủ đề “Hà Nội - một trái tim hồng” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Công ty Cổ phần Truyền thông Nhân Tâm tổ chức vào tối 10-10 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã thành công, ca ngợi một thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng và giàu đẹp...

 

    Liên khúc hát múa mở màn chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Một trái tim hồng". 

 

Tới dự chương trình có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban tổ chức chương trình, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và Hà Nội, các tướng lĩnh, sĩ quan, các cựu chiến binh và đông đảo người hâm mộ nghệ thuật Thủ đô.

 

Những năm tháng không thể nào quên

Chương trình nghệ thuật “Hà Nội - một trái tim hồng” mở màn với liên khúc múa hát gồm 2 bài hát: “Mười chín Tháng Tám”, sáng tác Xuân Oanh; “Tiến về Hà Nội”, sáng tác Văn Cao; biên đạo múa NSƯT Tuấn Ngọc - NSƯT Anh Thoa, với phần biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố…” - những lời ca vang vọng của bài hát “Tiến về Hà Nội” dần lật giở cho khán giả nhớ về hình ảnh những anh bộ đội Cụ Hồ trở lại Thủ đô qua cuộc trường kỳ kháng chiến. Hình ảnh những người lính vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc, trong nụ cười và cả những giọt nước mắt, sự trở về của đội quân bách chiến bách thắng đã mở ra trang sử mới cho Hà Nội.

Trong suốt thời gian diễn ra chương trình, cùng với các phóng sự sinh động, khán giả đã được lắng nghe những ca khúc cách mạng tái hiện những khoảnh khắc lịch sử bi tráng, hào hùng của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô giàu đẹp, thành phố vì hòa bình. Các tiết mục đã ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại;  nhân dân và quân đội anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những bài hát bất hủ kết hợp với phần trình diễn chuyên nghiệp, đầy cảm xúc của các nghệ sĩ tạo nên bầu không khí đầy xúc động nhưng cũng tràn ngập niềm tự hào. Đó là: “Người Hà Nội”, sáng tác Nguyễn Đình Thi, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, sáng tác Hoàng Vân, “Hà Nội - Điện Biên Phủ”, sáng tác Phạm Tuyên và “Khi thành phố lên đèn”, sáng tác Thái Cơ. Qua phần biểu diễn sâu lắng của NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Thành Lê, Lan Anh và các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, các ca khúc thêm một lần nữa góp phần thể hiện niềm tự hào với thủ đô Hà Nội anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và xây dựng, giữ gìn và tô thắm từng tấc đất linh thiêng.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Sáng (Khu tập thể Quân đội Nam Đồng - Hà Nội) chia sẻ, những ca khúc trong chương trình khiến ông bồi hồi nhớ lại những năm tháng xếp bút nghiên lên đường cứu nước. Đó là những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy tự hào. 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô năm 1972 là những giây phút không thể nào quên. Những trận bom hủy diệt ở khắp mọi nơi. Trong đau thương, tinh thần đoàn  kết, lòng quả cảm, ý chí kiên cường là bệ phóng cho những chiến công. Tinh thần đó, ý chí đó của người Hà Nội nói lên sự chiến đấu ngoan cường của quân và dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao hàng chục “pháo đài bay B-52”, những “con ma”, “thần sấm” phải phơi xác ngay trên mảnh đất Thăng Long - Đông Đô-

Hà Nội.

 

Niềm tin và hy vọng của cả nước

Qua biết bao biến cố thăng trầm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội không chỉ là một kinh đô  hơn ngàn năm tuổi mà còn là trái tim của một đất nước anh hùng và tươi đẹp. Để rồi mỗi người con của dân tộc trong suốt bao thế kỷ qua vẫn luôn giữ gìn trong tiềm thức về một thủ đô Hà Nội cốt cách, hào hoa, thanh lịch, mến khách, xứng đang là niềm tin và hy vọng của dân tộc Việt Nam. Những ca khúc “Hà Nội - niềm tin và hy vọng”, sáng tác Phan Nhân; “Hà Nội mùa thu”, sáng tác Vũ Thanh; “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, sáng tác Ngọc Khuê; “Hà Tây quê lụa”, sáng tác Nhật Lai và “Hà Nội trái tim hồng”, sáng tác Nguyễn Đức Toàn với phần thể hiện của NSƯT Đăng Dương, và các ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh, Thành Lê và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội ở phần 2 với tựa đề “Một trái tim hồng” là những minh chứng sinh động.

Bên cạnh các ca khúc cách mạng của không gian nghệ thuật, khán giả xem trực tiếp cũng như khán giả truyền hình còn được xem phóng sự “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” trong phần kết với lời tựa cùng tên. Qua phóng sự, hình ảnh sắc thu Hà Nội của hiện tại hiện lên đầy tự hào. Từ một Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, một Hà Nội thanh bình và lãng mạn, một Hà Nội tinh tế, dịu dàng và thân thiện, với những món ẩm thực níu lòng du khách đến một Hà Nội bình dị và sang trọng, một Hà Nội sôi động và sầm uất... Tất cả đã mang đến diện mạo mới của một Thủ đô văn minh và hiện đại, thể hiện tầm quy hoạch chiến lược và tư duy mới trong sự phát triển của Thủ đô.

Khép lại 90 phút của chương trình nghệ thuật “Hà Nội - một trái tim hồng” là liên khúc múa hát “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” và “Hà Nội những công trình” với phần thể hiện của Hợp ca Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. “Ôi Việt Nam anh dũng những đoàn quân. Vượt lên bão táp đã trăm lần. Mang cả bốn ngàn năm vào trận thắng. Cho Việt Nam tươi sáng mãi những mùa xuân” - lời ca khúc “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” cùng " Những con người đang căng sức Xuân . Bên nhau xây dựng Thủ đô"-lời ca khúc "Hà Nội những công trình" vang lên hào sảng tại sân khấu chương trình thêm một lần nữa nhân lên niềm tin và hy vọng của người dân dành cho mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

 

                                                                               Theo QĐND

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục