Sau một ngày vinh dự nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã lại tất bật chuẩn bị cho chuyến công tác nước ngoài khá dài ngày.

 

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ông dành cho chúng tôi ngay trước chuyến đi, phần nhiều, những câu chuyện của ông đều dành cho Hà Nội, về tình yêu ông đã dành cho mảnh đất, con người nơi đây.

Một tình yêu đặc biệt mà công chúng nào cũng cảm nhận được thông qua rất nhiều bộ phim về Hà Nội của ông, trong đó, không ít phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt.

Phóng viên: Điện ảnh, trong đó có các tác phẩm điện ảnh về Hà Nội đã mang về cho ông nhiều giải thưởng và danh hiệu. Danh hiệu công dân ưu tú của Hà Nội 2016 có ý nghĩa như thế nào với ông trong thời điểm hiện tại, thưa đạo diễn?

NSND Đặng Nhật Minh: Tôi đã từng nhận không ít giải thưởng và danh hiệu nhưng với tôi, đây là lần hạnh phúc và cảm động nhất.

Đây là danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, tôi được đứng cạnh những con người cực kỳ bình dị nhưng đẹp đẽ của Hà Nội.

Tôi rất cảm động khi được đứng cạnh họ. Đó là cô chủ tịch hội người mù, bà chủ tịch hội khuyến học hay ông tổ trưởng tổ tuần tra khu phố, một bác sĩ rất tận tình với bệnh nhân v…v… Họ mới chính là những người làm nên nét đẹp vô giá của Hà Nội.

Nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, tôi còn có cảm giác hạnh phúc như mình đang yêu ai đó và được yêu lại. Tôi yêu Hà Nội và được Hà Nội yêu lại mình.

 

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong buổi sáng mùa thu Hà Nội.

 

Phóng viên: Đến thời điểm này ông có nhớ đã viết, đã làm bao nhiêu tác phẩm về Hà Nội không?

NSND Đặng Nhật Minh: Phim về Hà Nội thì tôi có rất nhiều. Thứ nhất là “Hà Nội mùa đông 46”. “Trở về” là bộ phim nói về một cô giáo dạy học, rất Hà Nội.

Thứ ba là “Mùa ổi”, một bộ phim về Hà Nội sau những ngày tiếp quản Thủ đô, về tầng lớp trí thức, tiểu tư sản cũ trong những biến động về thời cuộc. Gần nhất có “Đừng đốt”, nhân vật bác sĩ Đặng Thùy Trâm là cô gái Hà Nội 100%.

Ngoài ra, rất nhiều phim khác cũng mang dấu ấn Hà Nội. Phim “Thương nhớ đồng quê” là quan hệ giữa thành thị và nông thôn, một nông thôn gần sát Hà Nội. “Hoa nhài” là truyện vừa, nếu thành phim thì cũng là phim về Hà Nội.

Phim nói về những người nông thôn ra Hà Nội kiếm sống và người Hà Nội cưu mang, giúp đỡ thông qua câu chuyện của một ông thợ cạo ngồi cắt tóc vỉa hè với cậu bé đánh giày từ nông thôn lên Hà Nội kiếm sống.

Phóng viên: Điều gì khiến ông dành nhiều cảm xúc và tâm huyết cho các bộ phim về Hà Nội như thế?

NSND Đặng Nhật Minh: Tôi là gốc Huế nhưng ở Huế chỉ có những năm tuổi thơ, trưởng thành thì gắn bó với Hà Nội.

Tôi gắn bó với Hà Nội đến bây giờ là 60 năm. Hà Nội là mảnh đất hình thành nên tính cách, nhân cách của mình. Tôi có một tình yêu Hà Nội rất mãnh liệt. Đi đâu cũng nhớ Hà Nội.

Vì tình yêu đó mà tôi làm phim và tất cả phim tôi làm về Hà Nội không phải do Hà Nội đặt hàng. Cứ tự mình rung động, khi cảm xúc tràn đầy thì thoát ra ngòi bút rồi từ ngòi bút đi lên hình ảnh.

Ngay phim “Hà Nội mùa đông 46” có hình ảnh Bác Hồ từ đầu đến cuối. Nhiều người cứ tưởng tôi làm theo đơn đặt hàng nhưng không có đơn đặt hàng nào cả. Tôi viết, thậm chí viết xong còn bị gạt ra.

Hai năm sau, nhờ Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Trần Hoàn, bộ phim mới có cơ hội ra đời. Kịch bản “Mùa ổi” cũng thế. Phải nhờ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Nguyễn Khoa Điềm can thiệp mới thành phim… 5 kịch bản hiện nay của tôi, nếu thành phim, tôi nghĩ cũng không kém những phim tôi đã làm.

Phóng viên: Thời gian trước ông có chia sẻ sẽ làm phim về cha mình (bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam), hiện nay, việc thực hiện bộ phim này đến đâu rồi, thưa đạo diễn?

NSND Đặng Nhật Minh: Hiện nay tôi làm nhiều phim chứ không riêng phim này, nhưng mà là làm trên giấy. Tôi viết kịch bản, chờ khi có tiền thì làm thành phim. Hiện nay tôi có 5 kịch bản.

Kịch bản “Chim én bay” chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tri Huân. Đây là tác phẩm từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Các kịch bản “Nước mắt khô”, “Hoa nhài”, “Nhà điều dưỡng nước khoáng” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên đã xuất bản của chính tôi. “Huyền nhiệm” là kịch bản phim về cuộc đời của người trí thức đi theo cách mạng.

Người ấy là bố tôi. 5 kịch bản điện ảnh này tôi gọi là 5 bộ phim trên giấy vì khi đọc độc giả có thể hình dung ra 5 bộ phim tôi sẽ làm.

Phóng viên: Nếu được sản xuất, ông mong muốn “Huyền nhiệm” là bộ phim như thế nào?

NSND Đặng Nhật Minh: Mơ ước như thế nào thì đã nằm cả trong kịch bản. Xưa nay tôi cũng không mơ ước viển vông. Nghĩ gì tôi viết ra giấy. Viết ra là được, còn lời nói gió bay.

Viết ra rồi, có tiền thì làm phim, không có tiền thì xuất bản cũng không sao. Không phải vì không có kinh phí làm phim mà nản chí, không làm việc.

Từ năm 2005 đến nay tôi đã viết 5 kịch bản điện ảnh, 2 tập truyện, làm phim tài liệu, viết Hồi ký điện ảnh được Nhà Xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu năm 2005…

Tôi làm việc là để thỏa mãn khát vọng của chính mình. Tôi cũng xác định, những phim kiểu của mình không thể kiếm tiền, không làm giàu được nhưng đúng với quan niệm của mình.

Nói như thế cũng không có nghĩa là những người làm phim thị trường họ kém cỏi mà là mỗi người một lĩnh vực. Tôi xác định phim thị trường không phải là lĩnh vực của mình. 

Tôi bắt đầu làm điện ảnh từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Điện ảnh thời kỳ đó không có khái niệm giải trí. Hồi đó, muốn giải trí thì đi xem xiếc, không ai nói đi xem phim để giải trí.

Người ta đi xem phim là để muốn hiểu thêm về cuộc sống, hiểu thêm về cuộc đời, để làm sao con người ta sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. Xem xong về có khi suy ngẫm cả tuần.

Phóng viên: Khi tiêu chí của thị trường về phim ảnh lệch với mình như thế, ông có buồn không?

NSND Đặng Nhật Minh: Tôi chẳng có gì phải buồn, vì mình không thể níu kéo tiêu chí của thời trước đến thời bây giờ.

Cũng như Hà Nội, nhiều người cứ luyến tiếc Hà Nội xưa yên ả, thanh bình. Nhưng xưa là thành phố chỉ có năm, bảy vạn dân, nay lên đến 7 triệu dân, làm sao như xưa được. Tôi không phải là người chỉ biết hoài cổ mà chấp nhận cuộc sống. Chỉ có một điều, thời nào thì thời, tôi vẫn là tôi.

Tôi làm phim theo cảm xúc của chính mình và trước hết phải làm đúng, thành thật với quan niệm của chính mình. Vì, nếu nói làm phim phục vụ khán giả thì khán giả đầu tiên chính là mình. Nếu mình hài lòng thì người khác mới hài lòng.

Có thể người khác cho rằng quan điểm này cực đoan nhưng đấy mới là tôi.

Sở dĩ tôi có chút nào thành công trong sáng tác điện ảnh cũng vì tôi làm phim không vì chiều ai hết. Nếu tôi chung chiêng, vừa làm vừa nghe ngóng thì không bao giờ có những “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Bao giờ cho đến tháng mười”…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

                                                                              Theo CAND

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục