Nguyễn Văn Toàn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(HBĐT) - Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa chiếm hơn 63% dân số, là trung tâm đồng bào dân tộc Mường cả nước. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

 

Mo Mường - Sử thi thần thoại

 

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam và lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận cho 20 nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. ảnh: H.L

 

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường, không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo (hoặc ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức Mo, không những thuộc lòng hàng vạn câu mo mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Trong xã hội Mường, ông Mo là những trí thức dân gian, là người có uy tín trong cộng đồng.

 

Người Mường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ trong đời sống rất phổ biến, qua khảo sát cho thấy, có tổng số 23 nghi lễ được thực hiện có sử dụng Mo. Một trong những nhóm nghi lễ đặc biệt nhất thể hiện đầy đủ và tập trung giá trị cốt lõi của Mo Mường là Mo tang lễ với hàng chục nghìn câu thơ, văn vần được diễn xướng 12 ngày đêm trong tổ chức tang lễ cổ truyền của người Mường. Các câu thơ, văn vần này được chia thành các cát Mo, có nơi gọi là roóng Mo (trong văn học gọi là các chương, hồi). Mỗi chương Mo có chủ đề, có mục đích sử dụng riêng cho từng đề mục nghi lễ trong một chuỗi nghi lễ được tiến hành trong tang lễ, chứa đựng các giá trị sử thi dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian với ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi đã định nghĩa: “Mo Mường là sử thi thần thoại được diễn xướng trong đám tang    của người Mường. Mo Mường cùng với   nghi lễ là công việc làm cho cái chết trở thành văn”.

 

Hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có 3 bản Mo chính đã được sưu tầm, xuất bản có dung lượng và quy mô lớn. Theo nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44.000 câu thơ Mo. Trong công trình Mo Mường dài 3 tập của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi có hơn 22.000 câu Mo. Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 2010 có dung lượng hơn 22.500 câu.

 

 

Một áng Mo được biểu diễn trong lễ đón bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam cho di sản văn hóa Mo Mường Hoøa Bình. ảnh: H.L

 

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, phản ánh đậm nét đặc trưng văn hóa từ cổ sơ của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Tất cả những lý giải về lịch sử loài người, bài học về đời sống cộng đồng, những tri thức văn hóa dân gian... đọng lại qua ký ức thời gian, thêu dệt bằng màu sắc huyền thoại, dưới nhiều góc độ, được phản ánh trong Mo Mường. Mo Mường gắn với nhiều nghi lễ và tín ngưỡng, chuyển tải tinh thần đoàn kết của gia đình, dòng họ, cộng đồng và dân tộc; góp phần bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Ngoài ra, Mo Mường còn chứa đựng những giá trị vật thể quý giá, một số di sản vật thể liên quan Mo Mường như vật tế    khí (túi “khót” của ông Mo Mường) gồm các cổ vật như: rìu đá, rìu đồng, mảnh trống đồng, nham thạch, xương và nanh mãnh thú… được sưu tập lưu truyền từ nhiều đời, các vật tế lễ có nhiều giá trị về văn hóa vật chất và tinh thần của văn hóa cổ truyền dân tộc Mường.

 

Nỗ lực bảo tồn

 

Hiện nay, di sản văn hóa Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức khi toàn cầu hóa đang trở thành một xu thế lớn, nhất là về mặt văn hóa. Đó là sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thêm vào đó, sự phát triển về kinh tế ngày càng tiệm cận miền xuôi, khiến các giá trị văn hóa truyền thống tự biến đổi phù hợp với điều kiện mới. Mặt khác, việc bảo tồn lưu truyền Mo Mường được xác định thông qua truyền khẩu. Các nghệ nhân (ông Mo, thầy Mo, ông Tlượng) hiểu biết, nắm giữ tri thức Mo, có bề dày kinh nghiệm và trình độ diễn xướng Mo ngày càng cao tuổi, số lượng ngày càng ít đi, trong khi thế hệ trẻ được truyền thừa có hạn (toàn tỉnh Hòa Bình có hơn 200 ông Mo). Bên cạnh đó, xu thế    hội nhập và ảnh hưởng của nhiều hoạt động văn hóa dẫn đến tình trạng giản lược các bài Mo trong quá trình diễn xướng Mo tang lễ.

 

Bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa phi vật thể có nghĩa là giữ được những nền tảng văn hóa căn bản của dân tộc, làm cho người dân cảm nhận rõ nền văn hóa, văn minh của dân tộc, khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc; làm cho di sản văn hóa trở thành tài sản, là hành trang chung của dân tộc. Nhận thức vấn đề trên, những năm gần đây, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định Mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ rõ: “Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH -TT&DL quyết định công nhận Mo Mường, Chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

 

UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo Mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trình Bộ VH -TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia,  tiến tới đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa   phi vật thể của nhân loại. Ngày 19/1/2016, Bộ trưởng VH -TT&DL đã có Quyết định   số 246/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể     quốc gia.

Từ việc lưu truyền Mo Mường thông qua truyền khẩu (vì người Mường chưa có chữ viết) đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật Mo Mường theo phương pháp phiên âm từ tiếng La -tinh nhưng do nhiều cách ghi khác nhau nên chưa truyền tải được hết nội dung và giá trị của Mo Mường. Vì vậy, lập hồ sơ khoa học về Mo Mường và xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường có thể coi là “khâu đột phá” bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác để từ bản ghi chính thức này dịch Sử thi Mo Mường sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về Mo Mường. Sở KH &CN phối hợp Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Đến nay đề tài đã được nghiệm thu và trình UBND tỉnh phê chuẩn.

 

Ban Chỉ đạo Mo Mường tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành và các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ:

 

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Tăng cường giới thiệu, quảng bá những  giá trị tốt đẹp của Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trên các trang web của tỉnh Hòa Bình.

 

Thứ hai, xây dựng các đề án, chương trình hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy tốt những giá trị tốt đẹp của Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Lựa chọn một số nội dung phù hợp để đưa Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình vào chương trình giáo dục di sản trong bậc học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

 

Thứ ba, các địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức; khuyến khích cá nhân có những đóng góp, hỗ trợ cộng đồng, nghệ nhân trong việc truyền dạy, phục hồi, lưu truyền các áng mo đã bị mai một, các tập quán xã hội tốt đẹp, tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến Mo Mường; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ giá trị văn hóa Mo Mường Hòa Bình trong cuộc sống đương đại, gắn với phát triển du lịch của các địa phương; tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê, tư liệu hóa Mo Mường Hòa Bình.

 

Mo Mường Hòa Bình là tài nguyên văn hóa xứng đáng được bảo tồn và phát huy, phục vụ mục tiêu phát triển KT -XH của địa phương và đất nước.

 

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục