(HBĐT) - Thật có cơ duyên khi sau hàng chục năm, lần này trở lại thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh - Hải Dương) đúng dịp lễ hội mùa thu, một trong 2 mùa lễ hội lớn trong năm của di tích quốc gia đặc biệt này. Cảnh cũ, người xưa đã thay đổi quá nhiều. Những vạt cây sim, cây mua một thời trên đồi Côn Sơn, nay đã nhường chỗ cho bạt ngàn cây rừng xanh ngát nối dài lên tận đỉnh. Du khách nối du khách hành hương trong mùi hương trầm thoang thoảng, tinh khiết không gian. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa thu năm 2016 đã thu hút hàng vạn du khách đến thắp hương, chiêm bái, cầu mong điều tốt lành.

 

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016 thật sôi động, hấp dẫn khi có nhiều hoạt động khiến du khách thấy hào hứng hơn bao giờ hết. Đó là lễ tưởng niệm 716 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; lễ tưởng niệm 574 ngày mất anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Đó là lễ cáo yết, lễ khai ấn tại đền Kiếp Bạc; lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu; lễ giỗ Đức thánh Trần trên núi Mâm Xôi; lễ hội diễn xướng dân gian, liên hoan múa rối tỉnh  Hải Dương và giải đua thuyền chài.

 

Mỗi hoạt động đều có nét riêng độc đáo, tạo sức hút đối với du khách bởi họ được sống lại với hình ảnh, hào khí một thời tại vùng đất địa linh nhân kiệt này. Độc đáo và thú vị nhất có thể kể đến lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Hào khí Đông A thời Trần, khí thế hừng hực một thời, cả dân tộc chung sức đánh tan 3 lần xâm lược của quân Nguyên - Mông lại trở về qua màn trình diễn của 40 tàu, thuyền của bà con ngư dân Kênh Giang (Chí Linh) trên dòng Lục Đầu Giang. Trên bờ rợp cờ phướn, ào ạt sóng nước cùng tiếng trống trận thúc giục cùng các màn múa rồng, múa lân, quyền thuật, gậy, kiếm của hàng trăm võ sinh thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông. Quy mô, hoành tráng và ấn tượng. Lịch sử như hiện về, vang vọng trong lòng… Bác Nguyễn Chính, người xã Hưng Đạo (thị xã Chí Linh) chia sẻ: Du khách đến với lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016 đông hơn mọi năm. Cùng với sự trở lại với lịch sử, cội nguồn, du khách đều muốn được bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn các bậc anh hùng, tiền nhân; lòng thành, hướng thiện  cầu mong điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc cho bản thân, gia đình dòng họ, cộng đồng…

 

 

Du khách đến với Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016.

 

Đến Kiếp Bạc, Côn Sơn là đến với miền đất có bề dày lịch sử, văn hóa, đất “địa linh nhân kiệt”. Kiếp Bạc là địa danh có từ thời Trần. Đây vốn là phòng tuyến quân sự được Trần Hưng Đạo xây dựng vào thế kỷ XII để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thì 2 lần có các trận đánh quan trọng diễn ra tại nơi này. Đền Kiếp Bạc là nơi thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và toàn thể gia quyến. Đền được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIV, qua bao thăng trầm của thời cuộc, năm 2014, Nhà nước đã tiến hành đại trùng tu bằng tiền công đức của toàn dân. Đến đền Kiếp Bạc, du khách được hiểu thêm về lịch sử truyền thống đánh giặc của cha ông; thấm đẫm những giá trị tinh thần vì con người và cảm nhận được tính nghệ thuật của các kiến trúc nghệ thuật cùng các tín ngưỡng dân gian độc đáo qua bao thế kỷ. Trong hệ thống quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc, Côn Sơn được biết đến là khu di tích danh thắng, một trong những chốn tổ của dòng thiền Phật Giáo Trúc Lâm; nơi hun đúc nên những con người đức độ, tài năng vĩ đại của dân tộc. Hầu hết các vua chúa và danh nhân văn hóa ở các triều đại Trần, Lê, Nguyễn đã từng đến Côn Sơn. Trong đó, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi gắn bó cuộc đời với sự nghiệp với mảnh đất này. Một trong những điểm nhất ở Côn Sơn là ngôi chùa Côn Sơn cổ kính nằm dưới chân núi được xây dựng từ thế kỷ XIII. Chùa Côn Sơn là nơi bảo lưu nhiều di vật có giá trị như 16 tấm văn bia quý. Trong đó, Bia Thanh Hư động được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được chế tác bằng đá xanh, còn nguyên vẹn hình dáng, hoa văn trang trí và chữ viết; chứa đựng giá trị nghệ thuật thư pháp rất phong phú cả về nội dung, hình thức, ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Trần, thời Lê. Ngoài ra, Côn Sơn còn có giếng Ngọc, bàn cờ tiên. Chùa Côn Sơn cũng từng là điểm mà Bác Hồ từng đến và bức ảnh Bác đọc bia Côn Sơn là tư liệu quý hiếm. Đền Nguyễn Trãi đã được xây dựng, tôn tạo là điểm đến của du khách mỗi lần dạo bước đến nơi đây…

 

Ngoài các giá trị về lịch sử, văn hóa, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là miền đất có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, quyến rũ làm say đắm lòng người. Kiếp Bạc có dãy núi Trán Rồng hùng vĩ bao quát cả một vùng sông nước Lục Đầu Giang. Trên bến, dưới thuyền, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Côn Sơn có núi Kỳ Lân thơ mộng, thông reo bốn mùa. Vẻ đẹp của sông, suối, đồi, rừng cây, các kiến trúc cổ và tình đất, tình người làm tăng thêm sức hút đối với du khách thập phương đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội mùa thu năm nay đã có trên 3 vạn người trẩy hội.

Du khách tìm đến Côn Sơn - Kiếp Bạc hầu như quanh năm và lễ hội mùa xuân Côn Sơn và lễ hội mùa thu Kiếp Bạc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

 

 

 

                                                                                     Bùi Huy

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục