Có những tiếng khóc bật ra khỏi vòm họng, nức nở suốt 30 phút chạy phim “Mầm sống”. Chùm phim “Đáng sống” của Đặng Hồng Giang lại đốt lửa chúng tôi, bằng những cảm xúc tích cực, thêm trân quý từng giây phút có nhau trong cuộc sống bộn bề.

 

Sau thành công của "Lửa Thiện Nhân", đạo diễn Đặng Hồng Giang chọn ba câu chuyện rất điển hình để tái hiện lên màn ảnh với “Mầm sống”, “Đáng sống” và “Một con đường”. 30 phút một câu chuyện, nhưng nó là những bài học đáng phải suy ngẫm.

Mỗi câu chuyện là một kỳ tích

Không có người dẫn chuyện, mọi thứ được diễn tả bằng cảm xúc và giọng nói của nhân vật chính. “Mầm sống” tái hiện lại hành trình đầy nước mắt của chị Kim Dung – người mẹ mất chồng khi con gái mới tròn 6 tháng tuổi và đã quyết định sinh thêm em bé nữa, từ tinh trùng của người chồng quá cố.

Suốt hành trình quay, không ít nước mắt đã rơi, những tiếng nấc nghẹn ngào mà anh chỉ giữ làm hậu trường. Cuộc chia ly quá đỗi ngỡ ngàng của người chồng chị Kim Dung là anh Sĩ Ngọc chỉ sau 6 tháng được làm cha lại bất ngờ không làm chị Kim Dung gục ngã. Là một tiến sĩ - giảng viên tại trường Đại học Bách khoa, với sự tiệm cận kiến thức tiên tiến, chị đã có quyết định dứt khoát phải giữ tinh trùng của chồng, để hoàn thành tâm nguyện sinh cho anh thêm một đứa con như đã hứa.

“Đáng sống” là câu chuyện về nhiếp ảnh gia nổi tiếng Tăng A Pẩu. Anh được coi là nhiếp ảnh gia sở hữu bộ ảnh về chim quý hiếm nhất Việt Nam và quý hiếm trên thế giới. Nhưng đằng sau sở thích sưu tầm đó, ít ai biết, anh đã có 11 năm để vượt qua cơn bạo bệnh vì bị ung thư gan. Đã có lúc rơi vào cảnh tuyệt vọng, vì bác sĩ kết luận anh bị hai khối u, không can thiệp được. Nhưng anh vẫn quyết tâm làm tới cùng, phải cắt bỏ nó, chọn lối sống an nhiên giữa đời với ngô, khoai, sắn, rau củ; bằng việc vác máy lên phóng xe vài trăm km để thỏa chí của mình, tiếp tục lưu giữ lại hình ảnh những loài chim quý hiếm. Và anh sẽ chia sẻ với khán giả quá trình tìm được lối thoát cho riêng mình để có một cuộc sống lạc quan và vui vẻ.

Với "Một con đường", Đặng Hồng Giang tái hiện hiện thực khắc nghiệt ở mảnh đất Quảng Trị - nơi mà người dân vẫn chọn cách mưu sinh bằng nghề đào cuốc phế liệu chiến tranh. Tương lai của họ mịt mờ, tăm tối khi chọn cách kiếm sống từ nghề nguy hiểm nhất. Anh Nguyễn Ngọc Triệu với câu chuyện thực tế cuộc đời mình, mưu sinh vì hai đứa con thơ dại... sẽ đưa khán giả đi cùng cuộc mưu sinh chết chóc đó để chứng kiến anh đã tìm một lối thoát cho mình hoàn toàn bất ngờ mà đẹp đẽ.

Những chuyến thực tế đầy nước mắt

Đặng Hồng Giang vẫn miệt mài với những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Vì thế, nhân vật trong truyện kể của anh luôn khó để gật đầu khi trở thành nhân vật chính trên màn ảnh. Trong ba câu chuyện mà anh ấp ủ suốt 4 năm qua, anh phải mất hành trình dài để thuyết phục họ chia sẻ những lúc khổ tâm, đấu tranh, dằn vặt... giữa lằn ranh sống và chết.

Câu chuyện của chị Kim Dung đã làm hàng triệu bà mẹ ở Việt Nam rung cảm. Đây là nhân vật khó thể hiện nhất với Hồng Giang bởi chị Kim Dung không muốn xuất hiện trên màn ảnh, lại càng không muốn nổi tiếng. “Cô Kim Dung là người khó thuyết phục nhất. Những anh em làm phim tôi nhờ liên hệ đều nói cô Dung không muốn lên phim. Dung nói đây là câu chuyện cá nhân của cô ấy. Nhưng tôi phải thuyết phục, rằng cuộc đời của Dung có ý nghĩa xã hội rất lớn. Chúng tôi muốn làm phim về Kim Dung để cô ấy bước vào câu chuyện kể của tôi”. Hoàng Giang đã phải mất rất nhiều thời gian chờ cái gật đầu của "bà mẹ kiên cường" này.

Hành trình đến với nhân vậtTăng A Pẩu cũng không hề giản đơn. Ban đầu, Tăng A Pẩu trong mắt đạo diễn Đặng Hồng Giang là một nhiếp ảnh gia sở hữu bộ sưu tập ảnh chim quý giá nhất Việt Nam, trong đó có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng trong hành trình tìm hiểu nhân vật, anh mới biết, đằng sau nụ cười lạc quan, đằng sau niềm đam mê với những con chim quý hiếm đó, là một Tăng A Pẩu đã từng rơi vào tuyệt vọng vì mắc bệnh ung thư.

“Có nhiều người nói với tôi đừng bao giờ nhắc tới chuyện bệnh tật vì nó như cứa thêm vào nỗi đau của anh. Nhưng một câu chuyện hay như thế, tại sao lại không thể xây dựng thành phim để gửi thông điệp đến khán giả. Và anh Tăng A Pẩu cũng phải đắn đo mới hé lộ về cuộc sống đau đớn và sự kiên cường vượt qua bệnh tật của mình” - Hoàng Giang cho biết: “11 năm qua,Tăng A Pẩu vẫn sống khỏe mạnh. Sự lạc quan của anh ấy khiến chúng tôi rất đỗi kinh ngạc”.

Câu chuyện đáng sợ trong hành trình này, chính là tìm đến mảnh đất còn tồn tại bom đạn sau chiến tranh khốc liệt. Người dân nơi đây, không ít sống bằng nghề thu gom đồng, sắt và bom đạn để bán sắt vụn.

Trước khi ê kíp làm phim gồm 11 người vào Quảng Trị, đạo diễn Đặng Hồng Giang đã phải mua bảo hiểm cho cả đoàn. Vào tới nơi, quay thực tế những cảnh cuốc đất, dò mìn... đạo diễn có lúc nói với nhân vật vừa pha chút lo lắng vừa hài hước: "Anh lạy chú, chú cuốc nhè nhẹ thôi". “Lúc ấy, chỉ sợ một nhát cuốc mà bùm một cái, thì cả đoàn đi tong. Nhưng làm phim nguy hiểm là thế, nhưng 11 anh em chẳng ai chối từ” - đạo diễn thổ lộ. Và thế là, cuộc đời của nhân vật Nguyễn Ngọc Triệu lên màn ảnh, với tất cả sự sống động đầy nguy hiểm trong cuộc đời đi mót phế liệu tàn dư của chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị.

Với sự trở lại bằng chùm 3 phim ngắn rất ý nghĩa, Đặng Hồng Giang một lần nữa làm khán giả được sống lại những cảm xúc yêu thương tích cực và lạc quan hơn trong cuộc đời nhiều bất trắc. Chùm phim “Đáng sống” đã thuyết phục được Hội đồng duyệt phim của BHD và được nhận chiếu trên toàn bộ hệ thống 7 cụm rạp của BHD tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cụm rạp Tháng 8 - Hà Nội.

                                           

                                      Theo Nhân dân điện tử

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục