(HBĐT) - Xúc cảm trước câu chuyện cổ “Khảm Khắc - A Nàng” của xứ Mường Vang, trên cửa voóng ngôi nhà sàn ngay cạnh chân dốc A Nàng (xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn), nhạc sỹ Huy Tâm đã có những giây phút “xuất thần” để viết lên ca khúc “Lời thương” chỉ trong một buổi chiều. Đây là một trong những ca khúc “để đời” góp phần làm nên tên tuổi nhạc sỹ Huy Tâm. “Lời thương” đã từng đoạt giải A của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2006, huy chương bạc tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 và nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật khác.

 

Nhạc sỹ Huy Tâm (bên phải) trao đổi với PV về những chất liệu dân ca Mường đã được tác giả sử dụng trong ca khúc“Lời thương”.

 

Trong  nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh diễn ra trong năm 2016, ca khúc “Lời thương” liên tục được cất lên và tiếp tục mang lại ấn tượng tốt đẹp, sự yêu mến trong khán giả.

 

Trò chuyện với chúng tôi, nhạc sỹ Huy Tâm cho biết: Khoảng năm 2005, khi đó tôi có dịp về Mỹ Thành (Lạc Sơn) cùng tham dự buổi sinh hoạt của CLB dân gian Mường Vang. Tại đây, tôi đã được các cụ cao niên kể cho nghe câu chuyện cổ “Khảm Khắc - A Nàng”. Chuyện kể rằng, ở đất Mường Vang xưa có chàng trai nghèo tên là Khảm Khắc đem lòng yêu A Nàng là con gái quan lang xứ Mường Vang giàu có, quyền lực nhưng tàn ác. Cảm mến trước sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó và chân thành của chàng trai Mường, A Nàng xinh đẹp cũng đã đem lòng yêu mến Khảm Khắc. Nhưng tình yêu của chàng trai nghèo Khảm Khắc dành cho A Nàng không được quan Lang chấp thuận. Quan lang đã ra điều kiện, đó là nàng A Nàng sẽ đứng trên đỉnh một con dốc cao, trong một khoảng thời gian nhất định, Khảm Khắc phải chạy từ chân dốc đến đỉnh dốc nơi A Nàng đang đợi. Nếu Khảm Khắc vượt qua được thử thách thì sẽ được cưới A Nàng, nếu không sẽ phải trả giá bằng tính mạng.

 

Con dốc rất cao và dài nhưng với sự khỏe mạnh của chàng trai Mường “sức vần đá tảng” và đôi chân “nhanh như con thú trên rừng” nên Khảm Khắc đã nhanh chóng vượt qua được một nửa con dốc. Lúc này, từ trong bụi rậm lưng chừng dốc, một mũi tên độc do quan lang chuẩn bị sẵn vút bay ra cắm đúng vào lưng Khảm Khắc. Máu từ vết thương chảy ra, thuốc độc ngấm vào cơ thể nhưng Khảm Khắc không dừng lại. Tình yêu đã nâng bước chân để cho Khảm Khắc đã tiếp tục chạy lên đến đỉnh dốc với mũi tên độc vẫn cắm trên lưng. Đúng thời gian theo điều kiện của quan lang, Khảm Khắc đã chạy được lên đến đỉnh dốc nhưng chàng đã gục chết trong vòng tay của A Nàng. Sau khi Khảm Khắc chết, A Nàng không ăn, không ngủ, rầu rĩ, héo hon rồi cùng theo người yêu về “Mường Trời”. ở “Mường Trời”, họ đã được yêu nhau và không bao giờ phải xa cách. Con dốc mà Khảm Khắc đã chạy vượt qua dù tên độc đang cắm trên lưng sau này được đặt tên là dốc A Nàng   (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn).

 

Nhạc sỹ Huy Tâm cho biết: Bi kịch tình yêu của Khảm Khắc - A Nàng là đại diện cho rất nhiều, nhiều câu chuyện tình trái ngang thời lang dạo. Không hiểu vì sao mà con gái nhà Lang đa phần cô nào cũng thật xinh đẹp. Các chàng trai Mường chỉ biết gửi đến nàng tình yêu da diết qua tiếng sáo ôi trong những đêm trăng sáng và “Lời thương” chính là tiếng gọi đầy khắc khoải, da diết của không chỉ riêng Khảm Khắc mà còn là của những chàng trai Mường trót đem lòng yêu con gái nhà lang.

 

Mở đầu “Lời thương” là câu gọi khắc khoải: “ơi người thương, anh gọi anh như con cuốc kêu mùa hè, anh đợi em”.  Cứ thế cảm xúc được đẩy dần lên cao trào nhưng cũng rất chân thật: “ơi người thương, sao em không sinh ra từ nghèo khó, cho anh được thương em, cho ta được yêu nhau như cây lúa yêu đồng Mường ta”. Đồng thời, chàng trai đã tha thiết thể hiện tình yêu của mình, bất chấp mọi cách ngăn, chàng tìm người yêu trong tuyệt vọng: “Bỏ cửa, bỏ nhà anh đi tìm em, bỏ xóm, bỏ Mường anh bơ vơ lạc đường”. Nhưng vì “Hình bóng của em ở nơi Mường Trời, vời xa, vời xa, ngàn năm, ngàn năm” nên mãi mãi tình yêu của chàng trai Mường chỉ có thể gửi gắm trong tiếng gọi da diết: “ơi người thương, ơi người thương…”.

 

Ngoài việc sử dụng tích truyện cổ của người Mường, điểm “cộng” của ca khúc “Lời thương” là nhạc sỹ Huy Tâm đã để cho dấu ấn của dân ca Mường xuất hiện đậm nét, xuyên suốt tác phẩm. Những nét đặc sắc của rằng thường, hát ru ban ngày, hát ví Mường Vang…được tác giả sự dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và rất hiệu quả. Chính những chất liệu dân ca đó đã làm cho “Lời thương” thêm mượt mà, da diết và đi vào lòng người.

 

Tuy nhiên, sau khi ca khúc “Lời thương” ra đời đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều, khen - chê. Nhạc sỹ Huy Tâm chia sẻ: Người nghe khi chưa biết đến câu chuyện cổ Khảm Khắc - A Nàng thì có lẽ không hiểu, không cảm nhận được hết ý nghĩa của bài hát. Đã có những thông tin không chính thức yêu cầu tôi phải sửa lời hoặc kỷ luật tôi vì cho rằng tư tưởng có vấn đề. Nhưng sự thực “Lời thương” chỉ đơn thuần là tiếng gọi của tình yêu, là khát vọng vượt qua khoảng cách sang hèn để đến được với nhau chứ “Lời thương” tuyệt đối không phải là sự phân biệt giàu nghèo. Vì ý nghĩa và mục đích đó nên tôi đã cương quyết giữ nguyên “Lời thương”. Theo thời gian, khán giá đã dần hiểu, đón nhận và yêu mến “Lời thương”. Tôi rất hạnh phúc vì “Lời thương” hiện thường xuyên được lựa chọn biểu diễn trên các sân khấu từ cơ sở cho đến vùng miền, toàn quốc. 

                                  

                                                                           

                                                               Dương Liễu

 

 

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục