(HBĐT) - Từ xa xưa, dân tộc Mường đã coi dân ca Mường là loại hình giao tiếp, lời tâm sự, tỏ tình với người khác giới, là sự rung động của trái tim. Khi hát, họ được thể hiện tâm tư, tình cảm, nỗi lòng mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trong nhiều năm, hát dân ca Mường tại các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn huyện Kim Bôi cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh không còn được người dân mặn mà như trước nữa. Không chỉ các cháu nhỏ mà ngay các bà, các chị hiểu, hát được và yêu thích các làn điệu dân ca Mường không còn nhiều. Một số bài dân ca có nguy cơ thất truyền, lãng quên. Thấy được điều đó, nhiều năm nay bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết và với mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như bảo tồn các làn điệu dân ca Mường, bà Đinh Thị Kiều Dung, xóm Bo, xã Kim Bình (Kim Bôi) đã mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, hát dân ca tại nhiều địa phương cho phụ nữ cùng các cháu nhỏ tham gia học để thêm hiểu và yêu dân ca Mường hơn.

 

Các làn điệu dân ca: hát xắc bùa, thường rang, bộ mẹng, ví đúm, hát mỡi... là những làn điệu được phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân địa phương. Họ hát thường rang khi đi làm trên nương rẫy, hát ru bên nôi, xắc bùa trong lễ hội đầu xuân hay hát bộ mẹng bên những vò rượu cần và cả những lúc tỏ tình nam nữ… Qua các lớp học, các học viên sẽ là lực lượng nòng cốt “giữ lửa” và khơi dậy phong trào hát dân ca ở địa phương, để các làn điệu dân ca Mường tiếp tục vang vọng trong các thế hệ người dân tộc Mường.

 

 

Đội văn nghệ huyện Tân Lạc biểu diễn tiết mục “Ngọn lửa đất Mường” tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh năm 2016.

 

Cùng với bà Dung, ở các địa phương khác cũng có nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân luôn đau đáu với làn điệu dân ca, dân vũ Mường. ở Mường Bi – Tân Lạc có ông Bùi Văn ểu, bà Bùi Thị Miên; Mường Thàng - Cao Phong có ông Quách Công Thọ, bà Bùi Thị Lịnh… Mặc dù không có thù lao hay kinh phí nhưng các nghệ nhân, nghệ sỹ ngày ngày miệt mài truyền dạy và lưu giữ dân ca, dân vũ của đồng bào Mường. Cũng từ đây, nhiều câu lạc bộ dân ca Mường ở các địa phương trong tỉnh được thành lập gồm các nghệ nhân, những người yêu dân ca Mường để cùng bảo tồn, lưu giữ và phát triển dân ca Mường, như câu lạc bộ dân ca Mường xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn); câu lạc bộ gìn giữ và bảo tồn dân ca Mường xã Kim Bình (Kim Bôi); CLB giữ gìn và phát huy bản sắc dân ca Mường xã An Lạc (Lạc Thủy)… 

 

Cùng với sự đóng góp tích cực của các nghệ nhân, hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng đã góp phần không nhỏ để dân ca, dân vũ có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở phát triển mạnh với trên 2.000 tổ, đội, thành viên vừa là những người nông dân vừa là diễn viên, tuyên truyền viên tích cực, gần gũi, góp phần đưa những làn điệu dân ca vang vọng khắp xóm, bản. Hàng năm, Sở VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm VH-TT các huyện mở lớp truyền dạy dân ca Mường ở các xóm, bản cho các bạn trẻ. Mỗi lớp có khoảng trên 30 người do các nghệ nhân truyền dạy, giúp bạn trẻ tiếp cận và đưa dân ca đến với nhiều người hơn. Đồng thời, hàng năm Sở VH-TT&DL tổ chức hội thi tuyên truyền cổ động, hội diễn nghệ thuật quần chúng và liên hoan nghệ thuật các đội văn nghệ quần chúng tiêu biểu. Theo đó, 100% huyện, thành phố tổ chức được hội thi, hội diễn cấp cơ sở. Hầu hết các đoàn diễn viên tham gia đều dàn dựng một chương trình có đầy đủ các tiết mục ca, múa, độc tấu hoặc hoà tấu nhạc cụ với chủ đề ca ngợi quê hương, con người Hoà Bình; giới thiệu những nét văn hoá đặc trưng các dân tộc của địa phương; khai thác các làn điệu dân ca, dân vũ, những ca khúc có chất liệu bản sắc được sáng tác về quê hương, con người  đất Mường. ước tính hàng năm, toàn tỉnh tổ chức được 14.230 buổi biểu diễn, ước phục vụ trên 24,6 triệu lượt người xem. Riêng Đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh tham gia giao lưu nhiều sự kiện do Bộ VH-TT&DL, các tỉnh trong khu vực tổ chức, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Hòa Bình với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

 

 

                                                                                 Hồng Ngọc

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục