Phó Cục trưởng Cục Di sản Trần Đình Thành cho rằng, quét vôi mới cho một số hạng mục ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ là việc nhỏ.

 

Liên quan đến câu chuyện di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám được sơn mới và gây tranh cãi mấy ngày hôm nay, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTT&DL cho rằng, ông không hề biết đến sự việc này.

Luật Di sản văn hóa quy định việc sửa chữa nhỏ khu di tích thuộc thẩm quyền và quyết định của Sở và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. “Tôi nghĩ việc quét vôi mới lại như thế cũng nhỏ thôi và không cần phải xin phép Bộ”, ông Thành nói.

 

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám và những bức tường được quét vôi mới

Trả lời về những phản ứng trái chiều trong dư luận khi nhiều người không thích màu vôi mới của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Thành khẳng định: “Cả nước hiện tại có đến 85 di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ là một trong số đó. Việc sơn mới một bức tường chỉ là một việc rất nhỏ. Những việc như thế mà Bộ cũng can thiệp thì phải có 3 đầu 6 tay mới làm hết được. Tuy nhiên, nếu có nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia, Bộ sẽ có ý kiến, xem xét và có thể sẽ thay đổi màu sơn khác. Dù vậy màu sơn nào cũng không làm ảnh hưởng hay giảm đi giá trị gốc của di tích”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một vai trò, ý nghĩa đặc biệt và tầm ảnh hưởng rất lớn. Đây không chỉ là địa điểm thu hút rất đông du khách trong nước và nước ngoài đến thăm mà còn là dấu ấn về trường đại học đầu tiên của dân tộc. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng cần phải dành sự quan tâm đặc biệt hơn trong vấn đề bảo tồn? Trả lời câu hỏi này của PV, ông Thành cho rằng, di tích lịch sử nào cũng quan trọng và giá trị bảo tồn đều ngang bằng nhau. “85 di tích lịch sử đặc biệt, không có cái nào hơn cái nào”, Phó Cục trưởng Cục Di sản cho biết.

Liên quan đến những tranh cãi trái chiều xung quanh việc một số hạng mục ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quét vôi mới, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho biết: “Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích “thay đổi” nhiều trong lịch sử. Qua các thời kỳ di tích lịch sử này đều được làm mới. Bởi vậy, bây giờ khó có thể lấy một hình ảnh cụ thể nào để khẳng định đâu là nguyên mẫu gốc của di tích lịch sử này”.

 

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ.

Ở góc độ hội họa, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái lại cho rằng: “Dư luận phản ứng mạnh mẽ về việc 'làm mới' Văn Miếu - Quốc Tử Giám xét đến cùng bởi họ lo sợ những giá trị cũ, nếu không biết làm mới sẽ bị thay đổi. Với nhiều người Hà Nội, họ vẫn luôn muốn được ngắm nhìn Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong hình ảnh cổ kính, trầm mặc hơn là hình ảnh mới mẻ, lộng lẫy”.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương cũng cho rằng, giống như Tháp Rùa, lần mới đây khi di tích lịch sử này được sơn mới, nhiều người đi qua Hồ Gươm đã bày tỏ sự tiếc nuối. Họ vẫn muốn được chiêm ngưỡng Tháp Rùa trong lớp rêu phong hơn. Bởi lẽ hình ảnh đó đã gắn bó bao đời nay, là nét riêng chỉ có ở Hồ Gươm và Hà Nội. Và cũng chỉ có hình ảnh đó mới gây xúc động với những ai từng đến thăm nơi này./.

 

                                              TheoVOV.VN

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục